Dù sầu riêng đã được xuất khẩu sang Trung Quốc trở lại nhưng số lượng rất ít so với trước đây khiến thị trường bị ứ đọng. Nếu tình hình này còn kéo dài thì giá sầu riêng chính vụ vài tháng tới có thể còn xuống thấp nữa vì thị trường nội địa tiêu thụ sầu riêng không nhiều.
Giá sầu riêng giảm, xuất khẩu cũng giảm
Dù đang là nghịch vụ, nhưng giá sầu riêng hiện nay được cho là ở mức khá thấp. Cụ thể, với sầu riêng Ri6 hiện tại được thu mua với giá từ 45.000 – 65.000 đồng/kg, tùy thuộc vào tỉ lệ và chất lượng trái của từng vườn, so với cùng kỳ năm ngoái, mức giá này đã giảm đến 50.000 đồng/kg.
Giá sầu riêng hôm nay (19/2) tiếp tục đứng ở mức thấp trên cả nước đối với cả sầu Thái và Ri6.
Cụ thể, sầu Ri6 mua xô đang được mua trong khoảng 42.000 – 45.000 đồng/kg trong khi loại đẹp có giá khoảng 62.000 – 65.000 đồng/kg.
Đối với sầu Thái xô, giá ghi nhận ở 57.000 – 67.000 đồng/kg và 75.000 – 80.000 đồng/kg đối với loại sầu Thái đẹp.



Không chỉ giá giảm, xuất khẩu sầu riêng cũng đang giảm. Theo cơ quan hải quan các cửa khẩu, sản lượng sầu riêng xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) đã giảm mạnh so với cùng kỳ, do phía Trung Quốc siết chặt kiểm soát chất lượng đối với sầu riêng quả tươi.
Tại cửa khẩu Tân Thanh – nơi thường xuyên có lượng lớn sầu riêng quả tươi được xuất khẩu nhưng từ đầu năm 2025 đến nay, chỉ có 6 doanh nghiệp mở 17 bộ tờ khai (tương ứng với 17 xe hàng) xuất khẩu sầu riêng qua đây; với kim ngạch trị giá hơn 1,2 triệu USD.
Thông tin từ Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, từ đầu tháng 2/2025 đến nay có 25 xe hàng chở sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu này. Tuy nhiên số lượng này chỉ bằng 5 – 10% so với cùng kỳ năm 2024.
Dù sầu riêng đã được xuất khẩu sang Trung Quốc trở lại nhưng số lượng rất ít đã khiến thị trường bị ứ đọng. Nếu tình hình này còn kéo dài thì giá sầu riêng chính vụ chỉ một vài tháng tới có thể còn xuống thấp nữa vì thị trường nội địa tiêu thụ sầu riêng không nhiều.
Từ tháng 3 đến tháng 5 là giai đoạn thu chính vụ của sầu riêng ở miền Tây. Tháng 4 đến tháng 7 là vụ thu hoạch chính ở các tỉnh miền Đông như: Bình Thuận, Đồng Nai,…. Tháng 5 đến tháng 7 là mùa sầu riêng thu hoạch chính vụ ở Tây Ninh và Bình Phước… Điều này sẽ làm tăng áp lực tiêu thụ sầu riêng, đòi hỏi xuất khẩu phải thông suốt.
Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho rằng, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp cần có giải pháp bảo quản, chống nấm sau thu hoạch như Thái Lan để yên tâm xuất khẩu sầu riêng khi chính vụ, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngành rau quả. Đồng thời, cần kiểm soát chất lượng sầu riêng từ gốc theo quy định mới.

Thực tế hiện nay, mặc dù giá thấp nhưng tỉ lệ trái sầu riêng nghịch vụ bình quân năm nay vẫn đạt khoảng 20 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí, bà con nông dân vẫn có lời từ 800 – 900 trăm triệu đồng/ha. Tuy nhiên, nếu giá tiếp tục xuống khi vào chính vụ thì người trồng có thể sẽ không có lãi.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân giá sầu riêng giảm một phần là do động thái siết chặt kiểm tra chất lượng từ các nước nhập khẩu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc Trung Quốc yêu cầu các lô hàng sầu riêng xuất khẩu phải có giấy kiểm định chất vàng O là yêu cầu của thị trường nhập khẩu và chúng ta phải tuân thủ.
Vàng O là chất nhuộm màu dùng trong công nghiệp như nhuộm da, giấy, gỗ. Từ ngày 10/1, Trung Quốc thông báo áp dụng quy định các lô hàng sầu riêng Thái Lan, Việt Nam phải có thêm giấy chứng nhận kiểm định chất vàng O. Các phòng xét nghiệm chất vàng O phải được phía Trung Quốc phê duyệt.
Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quá trình xuất khẩu, đa số những nhà vườn, cơ sở đóng gói, những chuyến hàng sầu riêng Việt Nam đều được khẳng định rất tốt, chất lượng cao. Tuy nhiên, cũng có những cơ sở, doanh nghiệp, những khu vực trồng và cơ sở đóng gói tuân thủ chưa nghiêm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và sẽ chỉ đạo một cách thường xuyên, liên tục khi xảy ra những lô hàng có sự cố để chấn chỉnh.
Hiện nay, diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam khoảng 169.000 ha, tỷ lệ sầu riêng cho thu hoạch tương đối cao. Riêng năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt 3,2 tỷ USD, chiếm gần một nửa giá trị xuất khẩu rau quả của cả nước.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) nhìn nhận vấn đề của ngành sầu riêng hiện nay là đáng lo chứ không chỉ là về giá giảm thấp. Sầu riêng của ta phải đảm bảo về chất lượng, tuân thủ nghiêm các quy định của thị trường, thay đổi cách canh tác, cụ thể là không được lạm dụng phân bón nhập ngoại không rõ nguồn gốc có cadimi cao, hay phải chú trọng thay đổi công nghệ bảo quản sau thu hoạch đối với các cơ sở đóng gói. Có như vậy, nhịp độ xuất khẩu sầu riêng mới trở lại như cũ. Các cơ quan chức năng cũng cần sớm vào cuộc hướng dẫn, kiểm tra kiểm soát chất lượng sầu riêng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thông quan hàng hóa thuận lợi…
Dù khó khăn hiện nay với sầu riêng là khá lớn song về trung hạn, xuất khẩu rau quả, trong đó có sầu riêng của Việt Nam sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi hiệu lực từ các Nghị định thư và nhu cầu từ các thị trường như Mỹ, EU, Trung Quốc, Ấn Độ còn nhiều dư địa.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), trong năm 2025, ngành rau quả đặt mục tiêu xuất khẩu lập mốc kỷ lục mới, tăng 15% so với 2024 lên khoảng 8 tỷ USD. Trong đó, sầu riêng tiếp tục đóng vai trò là lực đẩy chính và vẫn còn dư địa tăng trưởng cho năm 2025.
Dự báo, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng có thể tăng lên 3,6-3,8 tỷ USD vào năm 2025. Đây cũng là con số cao hơn 13-15% so với năm 2024. Đồng thời, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam có thể tăng gần 15%, lên hơn 8 tỷ USD.
Nguồn: https://danviet.vn/gia-thap-xuat-khau-sau-rieng-giam-lo-ngai-tieu-thu-sau-rieng-truoc-chinh-vu-20250219155022496.htm