Đại học Quốc gia TPHCM “trải thảm đỏ” để trong 5 năm phải mời được 100 giáo sư thỉnh giảng. Người được mời có thể là tiến sĩ.
ĐH Quốc gia TPHCM vừa ban hành chương trình giáo sư thỉnh giảng. Đơn vị này quyết tâm mời 100 người để bổ nhiệm làm giáo sư thỉnh giảng trong 5 năm. Người được mời phải ký hợp đồng làm việc 5 năm tại ĐH Quốc gia TPHCM hoặc chí ít là 1 năm, sau đó tiếp tục gia hạn. Trước mắt trong 2 năm 2025 và 2026, đơn vị này dự tính mời và bổ nhiệm 50 người.
Ai được mời làm giáo sư thỉnh giảng?
Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, người được mời làm giáo sư thỉnh giảng là các cá nhân đang công tác tại các trường đại học, viện nghiên cứu. Họ phải có tối thiểu 10 năm kinh nghiệm giảng dạy hoặc nghiên cứu nếu chỉ có bằng tiến sĩ, hoặc đang là GS- PGS tại các trường, viện uy tín.
Đối với cá nhân đang công tác tại các tập đoàn, tổ chức quốc tế thì phải có tối thiểu 10 năm kinh nghiệm thực tế, giữ các vai trò quan trọng như chuyên gia kỹ thuật, quản lý hoặc trưởng nhóm nghiên cứu phát triển, có kinh nghiệm điều hành hoặc tham gia các dự án lớn, đặc biệt là các dự án có yếu tố đổi mới sáng tạo hoặc ứng dụng công nghệ.
Theo ông Quân, ĐH Quốc gia TPHCM ưu tiên mời giáo sư thỉnh giảng cho các lĩnh vực Công nghệ sinh học, Y sinh học, Chíp bán dẫn, Trí tuệ nhân tạo, Chuyển đổi số, Công nghệ vật liệu, Năng lượng mới, Logistics mới, Tài chính quốc tế, Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, Lịch sử, Văn hoá Việt Nam.
Làm việc cởi mở, chế độ cạnh tranh
Giáo sư thỉnh giảng chỉ cần 10 ngày làm việc trực tiếp tại ĐH Quốc gia TPHCM, còn lại làm việc từ xa. Họ sẽ được chính Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM ra quyết định bổ nhiệm, được hỗ trợ thủ tục pháp lý, visa, thủ tục xuất nhập cảnh, chi phí đi lại, chi phí lưu trú trong thời gian làm việc. Họ được hưởng mức thù lao cạnh tranh dựa trên số giờ dạy, đồng hướng dẫn nghiên cứu và các hoạt động khác.
ĐH Quốc gia TPHCM cũng sẽ hỗ trợ nghiên cứu thông qua cơ chế đồng chủ nhiệm hoặc thành viên tham gia đề tài dự án. Bản thân giáo sư thỉnh giảng sẽ được tiếp cận cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, hệ thống tài nguyên khác để giảng dạy, nghiên cứu.
![Viên chức ĐH Quốc gia TPHCM](https://static-images.vnncdn.net/vps_images_publish/000001/000003/2025/2/14/vien-chuc-dh-quoc-gia-tphcm-122494.jpg?width=0&s=StXcSSMfCW6cbaICBX0zzQ)
ĐH Quốc gia TPHCM kỳ vọng 100 giáo sư thỉnh giảng sẽ đóng góp cho đơn vị này về giảng dạy, nghiên cứu khoa học đổi mới sáng tạo, hợp tác trong nước – quốc tế và phục vụ cộng đồng. Trong đó, họ sẽ đóng góp xây dựng cải tiến chương trình đào tạo tài năng ở bậc đại học, tập trung các lĩnh vực ưu tiên; Tập huấn các phương pháp giảng dạy hiện đại, kết hợp công nghệ và thực tiễn, nâng cao chất lượng học tập cho sinh viên; Tham gia giảng dạy trực tiếp các môn học chuyên ngành, khoá học ngắn hạn; Hướng dẫn cố vấn trực tiếp cho nghiên cứu sinh.
Về nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, giáo sư thỉnh giảng đề xuất xây dựng và làm đồng chủ nhiệm các chương trình nghiên cứu, đề án nghiên cứu liên ngành, giải quyết các thách thức cấp bách của Việt Nam và khu vực…Ở hợp tác trong nước và quốc tế, phục vụ cộng đồng, giáo sư thỉnh giảng hỗ trợ xây dựng mạng lưới hợp tác các trường đại học, viện nghiên cứu, tập đoàn công nghệ của thế giới…
Ông Vũ Hải Quân cho hay, ngay trong tháng 2 này ĐH Quốc gia TPHCM sẽ thành lập hội đồng tuyển chọn. Đơn vị này sẽ tiếp nhận và đánh giá hồ sơ trong hai tháng 3 và 4, tới tháng 5 ra quyết định bổ nhiệm.
Việc bổ nhiệm giáo sư thỉnh giảng của ĐH Quốc gia nằm trong chương trình VNU350. Trước đó, chương trình này đã thu hút hàng chục tiến sĩ về nước với nhiều chế độ ưu đãi. Với nhà khoa học trẻ, trong thời gian 2 năm đầu, họ sẽ được cấp 1 đề tài nghiên cứu khoa học loại C (kinh phí 200 triệu đồng); năm thứ ba được cấp 1 đề tài loại B (kinh phí tối đa 1 tỷ); năm thứ 4 họ được hỗ trợ đầu tư phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học, kinh phí tối đa 10 tỷ đồng; năm thứ 5 được hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục, quy trình xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó giáo sư cấp Nhà nước.
Đối với nhà khoa học đầu ngành, trong thời gian 2 năm đầu được cấp một đề tài nghiên cứu khoa học loại B (kinh phí tối đa 1 tỷ đồng). Các năm tiếp theo được hỗ trợ đầu tư phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học, kinh phí tối đa 30 tỷ đồng; được hỗ trợ thành lập nhóm nghiên cứu mạnh, đăng ký chủ trì đề tài các cấp. Ngoài các chế độ đãi ngộ trên, họ nhận được lương, thưởng theo quy định.
![Tiến sĩ Lê Bá Khánh Trình thôi làm tổ trưởng ở trường chuyên sau 32 năm](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/1739578209_346_Dai-hoc-trai-tham-do-moi-100-giao-su-thinh.jpg)
Tiến sĩ Lê Bá Khánh Trình thôi làm tổ trưởng ở trường chuyên sau 32 năm
![Hàng chục tiến sĩ tốt nghiệp trường hàng đầu thế giới về nước, có 9X nổi tiếng](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/Dai-hoc-trai-tham-do-moi-100-giao-su-thinh.jpeg)
Hàng chục tiến sĩ tốt nghiệp trường hàng đầu thế giới về nước, có 9X nổi tiếng
![ĐH lớn thứ 2 cả nước, có hơn 50% giảng viên trình độ tiến sĩ](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/1739578211_857_Dai-hoc-trai-tham-do-moi-100-giao-su-thinh.jpg)
ĐH lớn thứ 2 cả nước, có hơn 50% giảng viên trình độ tiến sĩ
Nguồn: https://vietnamnet.vn/dh-trai-tham-do-moi-100-giao-su-thinh-giang-nguoi-duoc-moi-co-the-la-tien-si-2371376.html