Báo cáo tại Hội nghị, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, dù đối mặt với nhiều thách thức, năm 2024, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 107 thị trường, tăng thêm 5 thị trường so với năm 2023. Top 5 thị trường chính gồm: Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc), Mỹ, Nhật Bản, EU và Hàn Quốc. Nhóm này chiếm tới 76% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Bước sang năm 2025, mặt hàng tôm tiếp tục là mặt hàng có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong tháng 1/2025, với giá trị xuất khẩu đạt 273,349 triệu USD, chiếm 35,3% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Theo Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), năm 2024, cả nước có trên 749.000 ha tôm nước lợ, sản lượng đạt 1,29 triệu tấn (tăng trên 15% so với cùng kỳ năm 2023); trong đó sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt trên 951.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,95 tỷ USD (tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023). Năm 2025, Cục Thủy sản đề ra mục tiêu diện tích tôm nuôi đạt 750.000 ha, sản lượng tôm các loại từ 1,3 đến 1,4 triệu tấn (trong đó, tôm thẻ chân trắng trên 1 triệu tấn), kim ngạch xuất khẩu từ 4 đến 4,3 tỷ USD.
Ông Trần Đình Luân – Cục trưởng Cục Thủy sản khẳng định, năm 2025, ngành tôm có thể vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn so với dự báo do xung đột ở nhiều nơi trên thế giới; giá vật tư, xăng dầu tiếp tục tăng cao; sản lượng tôm toàn cầu tiếp tục tăng và đạt khoảng 6,1 triệu tấn (năm 2023 đạt 5,7 triệu tấn); cạnh tranh giữa các nước sản xuất tôm (Ecuador, Ấn Độ và Trung Quốc) vẫn tiếp tục;….
Bên cạnh những khó khăn, ông Trần Đình Luân nhận định, năm 2025 đã có những tín hiệu tích cực hơn như sự phục hồi của một số thị trường chính (Mỹ, Nhật Bản, EU) khi doanh số xuất khẩu tôm việt Nam đều tăng; đặc biệt là những thay đổi về chính sách thuế của Mỹ đối với một số nước như Ecuador, Trung Quốc có thể là cơ hội xuất khẩu cho Việt Nam ở thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam.
Dự báo nguồn cung tôm nước lợ toàn cầu có thể giảm trong quý I/2025 nhưng tiếp tục tăng đạt 6,1 triệu tấn trong năm 2025, nhu cầu của tăng ở thị trường Mỹ (14%) và EU (11%) trong khi sản xuất tôm Trung Quốc đang chững lại, Indonesia đang giảm trong năm 2023-2024 và có thể dần khôi phục trở lại là thách thức cũng là cơ hội cho ngành tôm Việt Nam trong năm 2025.
Để đạt mục tiêu trên, Cục Thủy sản đề nghị các địa phương bố trí đủ nguồn lực, tài chính, nhân lực; ưu tiên hạ tầng thuỷ lợi, điện, giao thông đầu mối cho vùng nuôi tôm trọng điểm, tạo điều kiện thuận lợi phát triển ngành tôm địa phương. Thực hiện có hiệu quả công tác quan trắc, cảnh báo môi trường để kịp thời khuyến cáo, cảnh báo cho người nuôi; hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh, thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật để nuôi tôm hiệu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người nuôi.
Các địa phương cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này; theo dõi diễn biến của thời tiết, nhu cầu của thị trường kịp thời tham mưu chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản để đạt các mục tiêu kế hoạch năm nay.
Cùng với đó, phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao; áp dụng kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến, phù hợp và hiệu quả với từng phương thức nuôi, ưu tiên công nghệ tuần hoàn nước, ít thay nước, thu gom và tái sử dụng chất thải trong nuôi tôm, đáp ứng yêu cầu của thị trường về bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật và có trách nhiệm xã hội.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị
Thứ trưởng Bộ NN-PNT Phùng Đức Tiến ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của các địa phương trong việc vượt qua khó khăn để đạt được các mục tiêu sản xuất và xuất khẩu tôm nước lợ trong năm 2024. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc liên kết trong chuỗi sản xuất, nâng cao chất lượng tôm giống và đầu tư vào hạ tầng để phát triển ngành tôm bền vững.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, năm 2024 là một năm khó khăn đối với ngành tôm trong và ngoài nước. Cơn bão số 3 đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản cho các tỉnh phía Bắc, nhất là đối với ngành nuôi trồng thủy sản. Nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, kết quả năm 2024 ngành nông nghiệp đạt thành tích cao. Ngành chăn nuôi tăng trưởng 6%, sản lượng thịt các loại đạt 6,24 triệu tấn, trứng 2,18 tỉ quả, sữa 1,2 triệu tấn. Đặc biệt là xuất khẩu thủy sản 9,6 triệu tấn, đạt 10,7 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Riêng ngành tôm có diện tích sản xuất 740.000ha, sản lượng gần 1,24 triệu tấn.
Tuy nhiên, hiện nay các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của ngành tôm thật sự chưa bứt phá. Chất lượng con giống mặc dù đã được quản lý trên 80% cơ sở những vẫn là bài toán khó, có cơ sở tôm giống bị nhiễm bệnh vẫn được xuất bán.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chỉ ra nhiều hạn chế của ngành nuôi tôm hiện nay.
Thứ nhất, điều kiện sản xuất tôm giống của nước ta hiện nay chưa phải là hiện đại, chưa đạt tiêu chuẩn như các nước trong khu vực và quốc tế. Do vậy tốc độ tăng trưởng còn hạn chế. Thứ hai, tỷ lệ nuôi sống thấp. Thứ ba, là tiêu tốn thức ăn. Chính vì vậy sức cạnh tranh so với các nước như Ấn Độ, Ecuador… của nước ta còn nhiều giới hạn.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu các địa phương cần tính toán, có giải pháp tổng thể phát triển ngành tôm, những nơi còn dư địa thì cần phát triển vùng nuôi hợp lý; chủ động nguồn nguyên liệu; có biện pháp kiểm soát môi trường và dịch bệnh, quản lý con giống chặt chẽ, sản phẩm phải an toàn từ ao nuôi đến bàn ăn, cần có cơ chế đặc thù đối với ngành tôm.
Nguồn: https://www.mard.gov.vn/Pages/phat-trien-nganh-tom-huong-den-muc-tieu-xuat-khau-4-3-ty-usd.aspx