(Tổ Quốc) – Kỳ họp lần thứ 18 của Ủy ban liên chính phủ (UBLCP) Công ước 2005 của UNESCO về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hoá diễn ra từ ngày 11-14/2/2025 tại Paris, Pháp. Với tư cách là cơ quan đầu mối quốc gia của Việt Nam tham gia Công ước, về phía Bộ VHTTDL, bà Trần Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế đã tham dự Kỳ họp.
Trong phiên họp này, bên cạnh việc thông qua các báo cáo định kỳ thường niên của Uỷ ban và Ban thư ký Công ước, Ủy ban xem xét các khuyến nghị về sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa trong môi trường số, cũng như các khuyến nghị về việc thực hiện Điều 16 của Công ước về “Đối xử ưu đãi cho các nước đang phát triển”. Ủy ban cũng xem xét lộ trình kỷ niệm 20 năm sự ra đời Công ước vào năm 2025. Bên cạnh đó, tái khẳng định vai trò cơ bản của Quỹ quốc tế về đa dạng văn hóa trong việc thực hiện Công ước, Ủy ban đã phê duyệt 12 dự án bao trùm nhiều lĩnh vực, hướng tới đóng góp trực tiếp việc đạt được một số Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc.
![Bộ VHTTDL tham gia kỳ họp thứ 18 của Ủy ban liên chính phủ Công ước 2005 của UNESCO - Ảnh 1. Bộ VHTTDL tham gia kỳ họp thứ 18 của Ủy ban liên chính phủ Công ước 2005 của UNESCO - Ảnh 1.](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/Bo-VHTTDL-tham-gia-ky-hop-thu-18-cua-Uy.jpg)
Bà Trần Hải Vân tham gia thảo luận về ảnh hưởng và những kết quả đạt được trong dự án nâng cao năng lực phát triển khung pháp lý nhằm thực thi hiệu quả Công ước mà Việt Nam đã tham gia ở giai đoạn 1 của dự án (2011-2015).
Tại kỳ họp, đoàn Việt Nam đánh giá cao Ban thư ký đã luôn nỗ lực thực hiện các khuyến nghị của Uỷ ban nhằm đảm bảo các mục tiêu đề ra của Công ước, đồng thời khẳng định trong bối cảnh của thời điểm lịch sử khi Việt Nam bước sang kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Việt Nam luôn coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh, vừa là mục tiêu vừa là động lực để thúc đẩy sự phát triển của đất nước, đồng thời giữ vai trò ngang bằng với chính trị, kinh tế và xã hội.
Đối với nỗ lực thực thi Công ước của Việt Nam năm 2024, đoàn cũng chia sẻ Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong đó nổi bật là việc Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 với tổng số vốn đầu tư gần 5 tỷ đô la Mỹ, trong đó đặt ra một loạt mục tiêu toàn diện, cụ thể cho văn hóa Việt Nam trong 10 năm tới… Bên cạnh việc nộp Báo cáo quốc gia định kỳ đúng hạn, Việt Nam cũng thông tin tới Kỳ họp năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 30/CT-Tg về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Trên tinh thần đó, năm 2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ trình Thủ tướng ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 – tạo động lực mới thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển.
Việt Nam khẳng định sự tin tưởng những nỗ lực của Ban thư ký cũng như thành tựu của các quốc gia thành viên trong việc thực hiện Công ước sẽ đóng góp tích cực hiện thực hóa mục tiêu của MONDIACULT 2025 đưa văn hóa trở thành một mục tiêu riêng trong Chương trình nghị sự sau năm 2030 của Liên Hợp Quốc.
Tại sự kiện Kỷ niệm Hợp tác EU/UNESCO về đa dạng văn hoá, bà Trần Hải Vân được mời tham gia thảo luận về ảnh hưởng và những kết quả đạt được trong dự án nâng cao năng lực phát triển khung pháp lý nhằm thực thi hiệu quả Công ước mà Việt Nam đã tham gia ở giai đoạn 1 của dự án (2011-2015). Phiên thảo luận còn có sự tham gia của đại diện nhóm chuyên gia quốc tế của UNESCO, đại diện một số quốc gia thụ hưởng dự án ở các giai đoạn 2 và gia đoạn 3 của dự án.
![Bộ VHTTDL tham gia kỳ họp thứ 18 của Ủy ban liên chính phủ Công ước 2005 của UNESCO - Ảnh 2. Bộ VHTTDL tham gia kỳ họp thứ 18 của Ủy ban liên chính phủ Công ước 2005 của UNESCO - Ảnh 2.](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/1739534471_822_Bo-VHTTDL-tham-gia-ky-hop-thu-18-cua-Uy.jpg)
Quang cảnh phiên họp
Trong phần thảo luận của mình, bà Trần Hải Vân khẳng định sự ghi nhận và đánh giá cao của Việt Nam đối với nhóm chuyên gia EU/UNESCO đã góp phần nâng cao nhận thức về Công ước, đồng thời thúc đẩy và khởi động việc nâng cao năng lực cho Việt Nam, góp phần tạo dựng nền tảng cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam sau này, mà điểm nhấn là Chiến lược phát triển các ngành CNVH của Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt vào năm 2016. Nhân dịp này, đại diện của Việt Nam cũng nhắc lại bên cạnh dự án EU/UNESCO, Việt Nam còn nhận được sự hỗ trợ của một số đối tác quốc tế khác như Hội đồng Anh, SIDA Thụy Điển, Tranposition Na Uy, Đan Mạch, IFACCA hay gần đây là Viện Pháp Việt Nam trong việc thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp văn hoá, sáng tạo tại Việt Nam.
![Bộ VHTTDL tham gia kỳ họp thứ 18 của Ủy ban liên chính phủ Công ước 2005 của UNESCO - Ảnh 3. Bộ VHTTDL tham gia kỳ họp thứ 18 của Ủy ban liên chính phủ Công ước 2005 của UNESCO - Ảnh 3.](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/1739534472_282_Bo-VHTTDL-tham-gia-ky-hop-thu-18-cua-Uy.jpg)
Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp
Nói về những thành tựu nổi bật của Việt Nam từ dự án trên, đại diện Việt Nam cho rằng dự án đã đặt nền móng cho việc nhận thức về Công ước nói chung và các ngành công nghiệp văn hóa nói riêng được tăng cường; nhiều chính sách, biện pháp đã được đưa vào từ cấp địa phương đến trung ương nhằm đưa văn hoá, sáng tạo vào trung tâm của phát triển bền vững kính tế-xã hội của địa phương và quốc gia; năng lực thực thi Công ước được nâng cao; bước đầu các số liệu về sự đóng góp của văn hoá, sáng tạo cho nền kinh tế được nghiên cứu, thu thập, hướng tới việc tích hợp vào hệ thống số liệu thống kê của quốc gia.
Bên cạnh sự kiện kỷ niệm trên, Kỳ họp còn có các phiên thảo luận bên lề khác về: Ưu tiên và khuyến nghị của các tổ chức chính trị xã hội và định hướng tương lai; phát huy các nền văn hóa trong môi trường số; tự do nghệ thuật với con đường phía trước./.
Nguồn: https://toquoc.vn/bo-vhttdl-tham-gia-ky-hop-thu-18-cua-uy-ban-lien-chinh-phu-cong-uoc-2005-cua-unesco-20250214164201218.htm