Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho hay, đầu tư công năm 2025 xấp xỉ gần 900.000 tỷ đồng và sẽ là động lực thúc đẩy, kéo các nguồn đầu tư khác để tạo động lực tăng trưởng.
Chiều 14/2, thảo luận tại tổ về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế – xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, nhiều đại biểu đã dành thời gian phân tích các giải pháp để đạt được mục tiêu này.
Hết sức cân nhắc tăng thu, bội chi, nợ công
Nhìn lại số liệu tăng trưởng trong thời gian qua, quyền Chủ tịch tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, năm 1997, Việt Nam đạt tăng trưởng trên 8%. Nhưng sau giai đoạn đó, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam chậm lại. Năm 2022, Việt Nam tăng trưởng trên 8%, nhưng năm 2023, tăng trưởng chỉ 5%.
![hasydong 1.jpg](https://static-images.vnncdn.net/vps_images_publish/000001/000003/2025/2/14/hasydong-1-85072.jpg?width=0&s=g151DCya-9xU3njzvQ8rlw)
“Có thể thấy mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 và sau đó, tăng trưởng hai con số từ năm 2026 là thách thức rất lớn”, đại biểu tỉnh Quảng Trị nhận định.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng rất khó tiên liệu năm 2025 Việt Nam có bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại thế giới hay không. Song nếu Việt Nam bị Mỹ đánh thuế thì khó tránh khỏi sụt giảm tăng trưởng.
Theo ông Đồng, nếu tiết kiệm chi ngân sách được thì tốt, nhưng nếu không được mà phải tăng thu hoặc bội chi, nợ công thì cần hết sức cân nhắc. Bởi việc thu ngân sách đang đè nặng áp lực lên doanh nghiệp và cả ngành thuế và hải quan. Còn bội chi và nợ công sẽ khiến mặt bằng lãi suất tăng, càng gây khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân khi vay vốn ngân hàng.
“Những vấn đề trên cho thấy, lý tưởng nhất là Việt Nam không bị dính thương chiến và có thể tiết kiệm chi để tăng đầu tư công, không phải tăng thu hay vay nợ. Khi đó, mục tiêu tăng trưởng 8% mới có thể đạt được”, ông Đồng nhấn mạnh.
Theo ông, tăng thu, nâng bội chi và trần nợ công chỉ là giải pháp ứng phó khi Việt Nam bị dính vào chiến tranh thương mại, chứ không phải là giải pháp để đạt tăng trưởng 8%.
Từ đó, ông đề nghị Chính phủ tập trung tiết kiệm để có nguồn lực đầu tư công, không bội chi hay vay nợ khi chưa cần thiết.
Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) đề xuất thành lập “Tổ công tác đặc biệt về giải ngân đầu tư công” trực thuộc Chính phủ để tháo gỡ ngay các vướng mắc. Cùng với đó là áp dụng nguyên tắc “Giải ngân nhanh – thưởng, chậm – kỷ luật”; địa phương nào chậm giải ngân sẽ bị cắt giảm vốn cho năm sau. Đồng thời tăng cường kiểm soát chặt chẽ đầu tư công, tránh lãng phí, thất thoát ngân sách…
Ông Khải cũng đề xuất cắt giảm 50% thời gian xử lý thủ tục đầu tư bằng cách đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng AI trong xét duyệt; bãi bỏ ngay các điều kiện kinh doanh không cần thiết gây cản trở doanh nghiệp; triển khai cơ chế “Một cửa liên thông quốc gia” cho tất cả các dự án đầu tư.
Tăng trưởng của Việt Nam không chỉ đạt 8% mà có thể vượt xa hơn
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, đây là nội dung Chính phủ đã họp và đưa ra nhiều giải pháp.
Thực tế, ông nhận định mức tăng trưởng năm 2024 đạt 7,09% đã là rất cao, và còn rất nhiều dư địa, tiềm năng chưa được khai thác hết.
Theo Phó Thủ tướng có 2 vấn đề quan trọng nhất tác động đến tăng trưởng là đầu tư và xuất khẩu.
Trong đó đầu tư công năm 2025 được bố trí tăng lên so với năm 2024 khoảng 108.000 tỷ đồng, cộng với vượt thu ngân sách khoảng 331.000 tỷ đồng. Sau khi trích cho phần cải cách tiền lương, còn khoảng hơn 158.000 tỷ để bổ sung vào đầu tư của năm nay.
“Như vậy, đầu tư công năm 2025 xấp xỉ gần 900.000 tỷ đồng. Đây là động lực thúc đẩy, kéo các nguồn đầu tư khác để tạo động lực tăng trưởng”, Phó Thủ tướng khẳng định.
![hoducphoc.jpg](https://static-images.vnncdn.net/vps_images_publish/000001/000003/2025/2/14/hoducphoc-85073.jpg?width=0&s=hUkUm6H70E5cFPEzFIuKZA)
Đặc biệt, là mục tiêu hoàn thành thêm 1.000km đường cao tốc trong năm nay, để đến 2030 đạt 5.000km đường cao tốc; triển khai tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam hơn 67 tỷ USD; tuyến đường sắt từ TPHCM xuống Cần Thơ để kết nối với các cảng; 3 tuyến đường sắt phía Bắc kết nối với Trung Quốc… là những yếu tố sẽ thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng GDP.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, đầu tư tư nhân cũng rất quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng.
Về xuất khẩu, ông Phớc cho hay vừa phải giữ thị trường cũ như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, đồng thời phải mở rộng thị trường mới để thúc đẩy sản xuất, đưa sản phẩm của Việt Nam ra thị trường các nước.
Phó Thủ tướng tin tưởng rằng mức tăng trưởng của Việt Nam không chỉ đạt 8% mà có thể vượt xa hơn nữa.
Ngoài ra, để đạt mục tiêu này, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh đến việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng của nền kinh tế theo hướng dựa vào công nghệ và chuyển đổi số.
![Kiểm soát rủi ro, có giải pháp đột phá để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP vượt 8%](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/1739529918_897_Chi-gan-900000-ty-cho-dau-tau-keo-tang-truong.jpg)
Kiểm soát rủi ro, có giải pháp đột phá để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP vượt 8%
![Trình Quốc hội mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/1739529919_185_Chi-gan-900000-ty-cho-dau-tau-keo-tang-truong.jpg)
Trình Quốc hội mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên
![Chính phủ lập các đoàn công tác làm việc với địa phương thúc đẩy tăng trưởng](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/1739529920_639_Chi-gan-900000-ty-cho-dau-tau-keo-tang-truong.jpg)
Chính phủ lập các đoàn công tác làm việc với địa phương thúc đẩy tăng trưởng
Nguồn: https://vietnamnet.vn/chi-gan-900-000-ty-cho-dau-tau-keo-tang-truong-2371423.html