“Sự khởi đầu cho việc làm cho nước Mỹ giàu có trở lại” là cách Tổng thống Mỹ Donald Trump mô tả về quyết định áp thuế 25% đối với tất cả thép và nhôm nhập khẩu vào nền kinh tế lớn nhất thế giới.
![]() |
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh áp thuế chung 25% lên tất cả các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào nước Mỹ. (Nguồn: THX) |
Ngày 10/2, ông Trump đã ký sắc lệnh áp thuế chung 25% lên tất cả các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào nước Mỹ. Mức thuế sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 4/3.
Các sắc lệnh hành pháp mới được xây dựng dựa trên mức thuế 25% đối với thép và mức thuế 10% đối với nhôm mà ông Trump áp dụng vào năm 2018 trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình bằng cách tăng thuế, đóng các lỗ hổng và xóa bỏ các miễn trừ.
Người tiêu dùng “chịu trận”
Các biện pháp nói trên là động thái mới nhất trong một loạt các lời đe dọa áp thuế mà vị Tổng thống này đưa ra kể từ khi ông trở lại nhiệm sở.
Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế không đồng ý rằng, thuế quan của ông Trump đánh dấu sự khởi đầu của một “thời đại hoàng kim” mới cho Mỹ và bác bỏ lời khẳng định của ông rằng, các nhà xuất khẩu nước ngoài – chứ không phải người dân Mỹ bình thường – sẽ phải gánh chịu gánh nặng thuế quan.
Ông Abigail Hall Blanco, phó giáo sư kinh tế tại Đại học Tampa ở Florida (Mỹ) khẳng định: “Thuế quan có nghĩa là tổn thất lớn cho tất cả các bên liên quan”.
Giới chuyên gia tin rằng, các loại thuế mới nhằm mục đích hỗ trợ các nhà sản xuất thép và nhôm trong nước, một số ngành công nghiệp của Mỹ phụ thuộc nhiều vào kim loại, như ô tô và xây dựng, sẽ phải đối mặt với chi phí sản xuất tăng.
Những chi phí đó gần như chắc chắn sẽ được chuyển cho người tiêu dùng, làm bùng phát lại lạm phát.
GS. Meredith Crowley tại Đại học Cambridge ở Anh nhận thấy, những người Mỹ có thu nhập thấp, sẽ phải chịu tổn hại lớn nhất từ tất cả các mức thuế quan này.
Hiện tại, ngành thép và nhôm của nền kinh tế lớn nhất thế giới phải đối mặt với một số thách thức về cơ cấu. Các doanh nghiệp phải vật lộn để cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài, bao gồm chi phí sản xuất cao, cơ sở hạ tầng lạc hậu và năng lực hạn chế.
Trong khi Mỹ không quá phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc, sự thống trị của quốc gia châu Á này đối với cả hai ngành công nghiệp nói trên đã tạo ra tình trạng dư thừa công suất. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sản xuất hơn 50% thép và 60% nhôm của thế giới, với mức giá thường được nhà nước trợ cấp. Vì thế, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã chọn mua thép, nhôm từ Trung Quốc, thay vì nhập chính ở đất nước của mình.
Ông Abigail Hall Blanco nói: “Chúng tôi thường nhập khẩu thép từ những nơi như Trung Quốc vào Bờ Tây Hoa Kỳ. Tại sao? Bởi vì nó rẻ hơn so với việc lấy thép từ Bờ Đông và vận chuyển đến Bờ Tây”.
Lịch sử lặp lại
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, thuế quan của ông Trump đối với thép, nhôm và Trung Quốc đã giúp thúc đẩy sản xuất kim loại trong nước. Tuy nhiên, một nghiên cứu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ước tính rằng, số lượng việc làm trong toàn bộ lĩnh vực sản xuất đã giảm 1,4%.
Nghiên cứu tương tự cũng phát hiện ra rằng tình trạng mất việc làm diễn ra mạnh mẽ nhất ở những nhà sản xuất chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ việc tăng thuế quan vì họ phải đối mặt với chi phí đầu vào tăng và thuế quan trả đũa.
Oxford Economics ước tính vào năm 2021 rằng, cuộc chiến thương mại trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông chủ Nhà Trắng đã làm giảm),5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ và cắt giảm thu nhập thực tế 675 USD cho mỗi hộ gia đình.
Mức thuế thép tương tự do nền kinh tế lớn nhất thế giới áp dụng vào năm 2001 cũng khiến nhu cầu của các nhà sản xuất trong nước cũng như nước ngoài giảm, dẫn đến hàng chục nghìn vụ sa thải nhân viên.
Ông Crowley cho biết, các nhà sản xuất trong nước đã phải cắt giảm việc làm vì họ không thể sản xuất đủ ô tô do thiếu thép nhập khẩu. Đó là một trong những lý do thúc đẩy ông George W. Bush – vị Tổng thống Mỹ thời điểm đó – xóa bỏ thuế thép.
![]() |
Canada cũng là nước xuất khẩu nhôm lớn nhất sang Mỹ. (Nguồn: MGN) |
Canada chịu kết quả tệ nhất
Thủ tướng Canada Justin Trudeau – quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi mức thuế nhôm, thép – đã gọi biện pháp áp thuế này là hoàn toàn vô lý và cho biết Ottawa sẽ phản đối mạnh mẽ, kiên quyết.
Theo Viện Sắt thép Mỹ, năm 2024, Canada là nước xuất khẩu thép lớn nhất sang nền kinh tế lớn nhất thế giới, với khoảng 6,6 triệu tấn. Tiếp theo là Brazil, Mexico và Hàn Quốc.
Ottawa cũng là nước xuất khẩu nhôm lớn nhất sang Washington.
Với 3,2 triệu tấn vào năm 2024, lượng nhập khẩu của Canada gấp đôi lượng nhập khẩu của chín quốc gia tiếp theo cộng lại.
Theo công ty tư vấn Roland Berger, khoảng 25% lượng thép xuất khẩu của châu Âu được chuyển đến Mỹ, bao gồm từ Đức, Hà Lan, Romania, Italy và Tây Ban Nha. Vì vậy, Liên minh châu Âu (EU) cũng tuyên bố sẽ bảo vệ lợi ích kinh tế của mình trước cuộc “tấn công” thuế quan của ông Trump.
Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu đã cảnh báo rằng, các mức thuế quan vô lý đối với EU sẽ không được giải quyết mà sẽ dẫn đến các biện pháp đối phó cứng rắn và tương xứng.
Có miễn trừ?
Ngoài việc chuẩn bị các biện pháp trả đũa, một số quốc gia – bao gồm Australia – đã kêu gọi ông Trump cho phép miễn trừ đối với xuất khẩu kim loại của nước này. Tổng thống Trump cho biết sẽ “cân nhắc kỹ lưỡng” yêu cầu miễn trừ của Australia,
Trong khi đó, tờ The Times dẫn lời các quan chức cho hay, chính phủ Anh hy vọng đàm phán để được miễn thuế. Nước này không mong đợi sẽ trả đũa động thái của ông Trump, mặc dù các biện pháp đã được đưa ra.
Còn Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã cắt giảm thuế đối với hàng chục mặt hàng nhập khẩu và được cho là đang chuẩn bị cắt giảm thêm, nhằm xoa dịu Washington.
Trong khi đó, Ukraine hy vọng họ cũng có thể tránh được thuế quan, có thể là trong một thỏa thuận về các nguyên tố đất hiếm – yếu tố rất cần thiết cho các công ty công nghệ Mỹ. Các sản phẩm kim loại của Ukraine chiếm gần 58% kim ngạch xuất khẩu sang nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm ngoái.
Nhìn từ quá khứ, năm 2018, đã có những thỏa thuận được thực hiện giữ Mỹ với Argentina, Brazil và Australia. Do đó, có lý do để tin rằng, vẫn còn chỗ để đàm phán và ông chủ Nhà Trắng sẽ có miễn trừ cho một số quốc gia.
Nguồn: https://baoquocte.vn/muc-dich-that-su-cua-cuoc-tong-tan-cong-thue-quan-tu-my-khong-phai-la-khong-co-mien-tru-304110.html