EU là thị trường trọng điểm của nông sản Việt, nghiên cứu kỹ quy định của thị trường, tránh rủi ro không đáng có là vấn đề được các chuyên gia khuyến nghị.
EU thị trường trọng điểm của nông sản Việt
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước giá trị xuất khẩu nông – lâm – thủy sản tháng 1/2024 đạt 5,08 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2024. Giá trị xuất khẩu nông – lâm – thủy sản của Việt Nam sang các khu vực châu Mỹ, châu Á, và châu Âu giảm. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang châu Âu đạt 577 triệu USD, giảm 16,2%.
Năm 2024, xuất khẩu nông – lâm – thủy sản đạt kim ngạch kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023; trong đó, thị trường EU chiếm 11,3%.
![]() |
Ớt là sản phẩm bị cảnh báo nhiều nhất tại EU. Ảnh minh họa |
EU là thị trường tiêu thụ nông – lâm – thủy sản lớn thứ 3 thế giới. Hàng năm, EU nhập khẩu khoảng trên 300 tỷ USD các mặt hàng nông – lâm – thủy sản. Kim ngạch nhập khẩu nông – lâm – thủy sản từ Việt Nam sang EU đạt khoảng 1,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của EU, xếp thứ 11 trong trong danh sách các nước xuất khẩu nông – lâm – thủy sản vào EU. EU cũng là một trong bốn thị trường xuất khẩu nnông – lâm – thủy sản lớn nhất của Việt Nam sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và ASEAN.
EU là khu vực có mức chi cho tiêu dùng thực phẩm lớn. Hàng năm, EU dành 1000 tỷ Euro cho thực phẩm và đồ uống, chiếm 21,4% tổng chi tiêu của hộ gia đình (11,8% chi tiêu cho lương thực – thực phẩm, 6,8% cho dịch vụ ăn uống, 1,6% cho đồ uống có cồn, và 1,2% cho đồ uống không cồn).
Tránh rủi ro không đáng có
Dù vậy, những vấn đề về an toàn thực phẩm đang đặt ra “bài toán” khó đối với nông sản xuất khẩu sang thị trường này. Mới đây, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) đã có Công văn số 27/SPS-BNNVN gửi Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cùng các hiệp hội: Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam, Cà phê – Ca cao Việt Nam, Nước mắm truyền thống Việt Nam, Điều Việt Nam thông tin về những cảnh báo từ Hệ thống an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của Liên minh châu Âu (EU) đối với các thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam do vi phạm các quy định của EU dẫn đến bị EU thu hồi sản phẩm.
Theo đó, 4 nguyên nhân được Văn phòng SPS Việt Nam chỉ ra, gồm doanh nghiệp chưa đăng ký lưu hành các sản phẩm có chứa thành phần từ “thực phẩm mới” tại thị trường EU; doanh nghiệp khai báo các nguyên liệu trong sản phẩm không đúng với hồ sơ, đặc biệt là nguyên liệu dễ gây dị ứng; sản phẩm có chứa phụ gia thực phẩm trái phép hoặc vượt mức quy định; doanh nghiệp không khai báo hoặc thực hiện việc kiểm dịch thú y tại cửa khẩu đối với “sản phẩm hỗn hợp” có thành phần nguyên liệu từ động vật.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Ngô Xuân Nam – Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam – cho biết, trong số này, những quy định về “thực phẩm mới” và “sản phẩm hỗn hợp” khiến doanh nghiệp lúng túng.
Ông Ngô Xuân Nam phân tích, “thực phẩm mới” là bất kỳ loại thực phẩm nào không được sử dụng để tiêu thụ cho con người ở mức đáng kể trong Liên minh châu Âu trước ngày 15/5/1997. Chi tiết được nêu tại Quy định (EU) 2015/2283. Danh sách thực phẩm mới được cấp phép tại Quy định (EU) 2018/1023.
Trong khi đó, “sản phẩm hỗn hợp” nếu chứa thành phần có nguồn gốc từ động vật, thì nguyên liệu từ động vật phải nằm trong danh sách các doanh nghiệp được phép xuất khẩu sản phẩm động vật vào EU.
Cũng theo ông Ngô Xuân Nam, doanh nghiệp mắc sơ suất khi xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU, thường thuộc nhóm nhỏ và vừa. Ngược lại, các doanh nghiệp lớn, nhất là khối FDI, đều có bộ phận kỹ thuật chuyên trách, nhanh chóng tiếp cận với các thông tin thay đổi của thị trường.
Trước đó, thông tin về những quy định ngày càng chặt chẽ đối với nông lâm thủy sản xuất khẩu sang thị trường EU cũng đã được Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển thông tin. Theo đó, EU đang áp dụng các quy định nghiêm ngặt hơn về an toàn thực phẩm và bền vững nhằm giảm thiểu tác động môi trường và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Thị trường Bắc Âu, gồm Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy, nổi tiếng với yêu cầu cao về chất lượng nông sản, đặt ra thách thức nhưng cũng mang lại cơ hội lớn cho các nhà xuất khẩu Việt Nam.
Các quy định mới ảnh hưởng đến nông sản tươi gồm giảm dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật. Theo đó, EU yêu cầu nông sản nhập khẩu đáp ứng mức dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật (MRLs) nghiêm ngặt. Một số hóa chất không được phép sử dụng trong EU sẽ bị cấm hoàn toàn trên sản phẩm nhập khẩu. Cụ thể, theo Quy định 2023/915, mức dư lượng cadmium tối đa được giảm cho các loại trái cây như dâu, cam quýt, xoài, chuối và dứa. Các siêu thị Bắc Âu thường yêu cầu tiêu chuẩn riêng, khắt khe hơn so với quy định của EU.
Bên cạnh đó, hầu hết nông sản tươi nhập khẩu vào EU cần có chứng nhận kiểm dịch thực vật (phytosanitary certificate). Chứng nhận này đảm bảo sản phẩm không mang sinh vật gây hại. Một số sản phẩm như chuối, dừa, chà là, dứa và sầu riêng không cần chứng nhận này. Tuy nhiên, quy định bổ sung nhiệt xử lý cho xoài hoặc các biện pháp tương tự được khuyến khích để ngăn chặn ruồi đục quả. EU áp dụng tỷ lệ kiểm tra cao hơn đối với các sản phẩm có nguy cơ dư lượng hóa chất cao từ một số quốc gia.
Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý – Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu, thị trường EU nói chung và Bắc Âu nói riêng đặt ra các yêu cầu cao về chất lượng và truy xuất nguồn gốc nông sản, đòi hỏi doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải chuẩn bị kỹ lưỡng và đáp ứng tiêu chuẩn cao. Theo đó, nhà xuất khẩu cần đảm bảo sản phẩm không vượt mức dư lượng hóa chất cho phép và đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt từ các nhà nhập khẩu Bắc Âu; đảm bảo chứng nhận kiểm dịch thực vật.
Một vấn đề nữa được bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý thông tin đó là, sản phẩm từ Việt Nam có thể nằm trong danh mục rủi ro cao, dẫn đến tỷ lệ kiểm tra cao hơn. Do đó, doanh nghiệp cần nâng cao kiểm soát chất lượng tại nguồn, đặc biệt với các loại nông sản như ớt, đậu, và trái cây nhiệt đới. Đồng thời, chuẩn bị hồ sơ đầy đủ về quy trình sản xuất và kiểm tra để giải quyết kịp thời khi có vấn đề phát sinh.
Việc tuân thủ tốt các quy định EU không chỉ giúp sản phẩm đáp ứng yêu cầu mà còn tạo dựng uy tín với khách hàng Bắc Âu. Vì vậy, doanh nghiệp cần đẩy mạnh quảng bá các cam kết về chất lượng và minh bạch trong chuỗi cung ứng. Kết nối với các đối tác nhập khẩu lớn tại Bắc Âu và tham gia các hội chợ thương mại để mở rộng mạng lưới khách hàng.
Với thị trường EU, ông Ngô Xuân Nam cho hay, trong vài năm trở lại đây, các thông tin về SPS được đón nhận và truyền tải rộng rãi hơn, đến gần như đầy đủ các Sở, ngành địa phương, cũng như các hiệp hội, doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc kết nối chưa thật thông suốt về thông tin khiến vi phạm cũng dễ xảy ra hơn. Chỉ riêng năm 2024, Việt Nam nhận 114 cảnh báo từ EU, tăng gấp đôi so với năm 2023. Để tránh tình trạng lặp lại, ông Ngô Xuân Nam đề nghị các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp liên quan nghiên cứu kỹ quy định của thị trường trước khi xuất khẩu, tránh rủi ro không đáng có.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, thị trường mật ong Bắc Âu, gồm các quốc gia như Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy, đang áp dụng các quy định truy xuất nguồn gốc nghiêm ngặt theo Chỉ thị Mật ong EU (Directive 2024/1438). Những thay đổi này nhằm nâng cao tính minh bạch, ngăn chặn tình trạng pha trộn mật ong và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Đây là thách thức nhưng cũng mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn tiếp cận thị trường Bắc Âu. |
Nguồn: https://congthuong.vn/xuat-khau-nong-san-sang-eu-tranh-rui-ro-khong-dang-co-373565.html