Hệ thống an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của Liên minh châu Âu (EU) đưa ra cảnh báo đối với các thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam do vi phạm các quy định của EU dẫn đến bị thu hồi sản phẩm.
Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và NPTNT) vừa có công văn gửi Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cùng các Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam, Cà phê – Ca cao Việt Nam, Nước mắm truyền thống Việt Nam, Điều Việt Nam về cảnh báo của Liên minh châu Âu đối với các sản phẩm xuất khẩu.
Theo đó, tình trạng này đã diễn ra một thời gian, buộc EU phải cảnh báo và thu hồi những sản phẩm vi phạm.
4 nguyên nhân được EU cảnh báo là do doanh nghiệp chưa đăng ký lưu hành các sản phẩm có chứa thành phần từ “thực phẩm mới” tại thị trường EU; doanh nghiệp khai báo các nguyên liệu trong sản phẩm không đúng với hồ sơ, đặc biệt là nguyên liệu dễ gây dị ứng.
Ngoài ra, sản phẩm có chứa phụ gia thực phẩm trái phép hoặc vượt mức quy định; doanh nghiệp không khai báo hoặc thực hiện việc kiểm dịch thú y tại cửa khẩu đối với “sản phẩm hỗn hợp” có thành phần nguyên liệu từ động vật.
![Hồ sơ một đằng, khai một nẻo, doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, nước mắm truyền thống, hạt điều bị EU cảnh báo - Ảnh 1.](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/Ho-so-mot-dang-khai-mot-neo-doanh-nghiep-xuat.jpeg)
Hiện nay, EU là thị trường chiếm 40% giá trị xuất khẩu của cà phê Việt Nam. Ảnh: Duy Hậu
Trao đổi với Dân Việt, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, trong số những cảnh báo của EU thì những quy định về “thực phẩm mới” và “sản phẩm hỗn hợp” đang khiến doanh nghiệp xuất khẩu lúng túng.
“Doanh nghiệp mắc sơ suất khi xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU, thường thuộc nhóm nhỏ và vừa. Ngược lại, các doanh nghiệp lớn, nhất là khối FDI, đều có bộ phận kỹ thuật chuyên trách, nhanh chóng tiếp cận với các thông tin thay đổi của thị trường”, ông Nam thông tin.
Theo đó, “thực phẩm mới” là bất kỳ loại thực phẩm nào không được sử dụng để tiêu thụ cho con người ở mức độ đáng kể trong EU trước ngày 15/5/1997, chi tiết tại Quy định (EU) 2015/2283; danh sách thực phẩm mới được cấp phép tại Quy định (EU) 2018/1023.
Quy định (EU) 2022/2292 ngày 06/9/2022 bổ sung Quy định (EU) 2019/625, các sản phẩm thực phẩm hỗn hợp có chứa thành phần có nguồn gốc từ động vật thì thành phần nguyên liệu từ động vật phải nằm trong danh sách các doanh nghiệp (quốc gia được phê duyệt) được phép xuất khẩu sản phẩm động vật vào EU.
Năm 2024, Việt Nam nhận 114 cảnh báo từ EU, tăng gấp đôi so với năm 2023. Để tránh tình trạng lặp lại, Văn phòng SPS Việt Nam đề nghị các tổ chức, cá nhân liên quan nghiên cứu kỹ quy định của thị trường trước khi xuất khẩu, tránh rủi ro không đáng có.
Đối với hạt cà phê Việt Nam, thị trường EU chiếm 40% giá trị xuất khẩu. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, trong các nước thuộc EU, thị trường Đức trong năm 2024, chiếm 11,6% trong tổng lượng và chiếm 10,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước, đạt 155.703 tấn, tương đương 602,89 triệu USD; tiếp sau là Ý và Tây Ban Nha.
Nguồn: https://danviet.vn/ho-so-mot-dang-khai-mot-neo-doanh-nghiep-xuat-khau-ca-phe-nuoc-mam-truyen-thong-hat-dieu-bi-eu-canh-bao-20250213091524165.htm