Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, sẽ phát triển điện hạt nhân tập trung, quy mô nhỏ trên cả nước. Nên trong quy hoạch lần này, ngoài Ninh Thuận phải có 3 trong 8 điểm đã được xác định có thể xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Cần huy động từ 30,7-40 tỷ USD vốn đầu tư năng lượng tái tạo
Tại cuộc họp tham vấn ý kiến Hội đồng thẩm định đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII điều chỉnh), chiều 12/2, ông Nguyễn Anh Tuấn – Tổng Thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nhìn nhận, với mức tăng trưởng GDP dự kiến 8% năm 2025 và 10% giai đoạn 2026-2030, nhu cầu điện sẽ tăng cao.
Dự thảo Quy hoạch điện VIII đã đưa ra hai kịch bản: tăng trưởng nhu cầu điện 10,3% theo phương án cơ sở và 12,5% theo phương án cao, sát với các kịch bản phát triển kinh tế.
Song theo ông, cần tính toán phương án dự phòng theo vùng để tránh thiếu điện cục bộ, thay vì dự phòng chung toàn quốc. Ngoài ra, cần đánh giá kỹ nhu cầu điện cho giao thông xanh, nhất là đường sắt cao tốc Bắc – Nam và hệ thống Metro.
Đối với năng lượng tái tạo, lãnh đạo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, quy mô tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2018-2021 đã đặt ra không ít thách thức. Việc tăng công suất điện mặt trời từ 18GW lên 34GW và điện gió từ 19,5GW lên 22GW là khả thi, nhưng đòi hỏi quản lý và điều phối tốt hơn trước sự gia tăng của các dự án nhỏ lẻ.
![Bo truong nguyen hong dien](https://static-images.vnncdn.net/vps_images_publish/000001/000003/2025/2/12/bo-truong-nguyen-hong-dien-146826.png?width=0&s=OJ1944alFBDYIG8tgrX04A)
Song, thách thức lớn nhất là quản lý hàng trăm nguồn điện nhỏ phân tán, liên quan đến các vấn đề pháp lý, kỹ thuật và đất đai. Để đáp ứng nhu cầu, Việt Nam cần huy động từ 30,7-40 tỷ USD vốn đầu tư đến năm 2030, chủ yếu từ tư nhân và doanh nghiệp ngoài nhà nước, ông nhận định.
Về điện khí LNG, ông Nguyễn Anh Tuấn khuyến nghị sớm ban hành các quy định chuyển ngang giá khí để khởi động các dự án quan trọng như: Điện khí Lô B và Nhơn Trạch. Dù Nghị định 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn đã được ban hành, tuy nhiên, nhiều dự án vẫn chậm tiến độ do thiếu hợp đồng mua bán điện hoàn chỉnh.
Hay như thủy điện tích năng và điện lưu trữ, cần nhanh chóng xây dựng cơ chế giá rõ ràng để thu hút đầu tư. Riêng về điện hạt nhân, ông đồng tình với kế hoạch tái khởi động dự án, nhưng lưu ý việc xây dựng nhà máy đầu tiên vào năm 2031 là thách thức lớn, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về công nghệ và nhân lực.
Hơn nữa, chiến lược phát triển năng lượng cần cân bằng giữa các khu vực. Trong khi miền Bắc thiếu điện, miền Trung lại thừa.
“Chúng ta nên tận dụng tiềm năng điện mặt trời ở miền Bắc. Đức có 96.000 MW điện mặt trời với chỉ 900 giờ nắng mỗi năm, trong khi miền Bắc nước ta có tới 1.200 giờ nắng”, ông Tuấn dẫn chứng và khuyến nghị cần có chính sách phát triển hợp lý và phân bổ đầu tư đồng đều giữa các vùng để tối ưu hóa nguồn lực và giảm áp lực về vốn.
Ông Nguyễn Thái Sơn – Chủ tịch Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam, nhấn mạnh tới việc mở rộng thêm phần dự báo cho giai đoạn 2031-2035 nhằm xác định rõ các danh mục đầu tư trọng điểm, bảo đảm sự ổn định và tính liên tục trong quá trình phát triển nguồn điện.
Ngoài ra, cần xây dựng kịch bản điều hành cao hơn mức dự báo để ứng phó với các tình huống bất ngờ, bảo đảm cung ứng điện ổn định cho nền kinh tế, ông lưu ý thêm.
Sẽ phát triển cả điện hạt nhân tập trung, hạt nhân quy mô nhỏ
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu những ý kiến về dự báo tăng trưởng, ở kịch bản cơ sở đề nghị phải điều chỉnh từ 45-50% so với Quy hoạch điện VIII.
“Vì chúng ta đặt ra năm 2025 đạt tăng trưởng GDP 8%, từ năm 2026-2030 mỗi năm tăng 10%. Vậy, kịch bản cơ sở phải để 45-50% và kịch bản cao từ 60-65% so với hiện nay và kịch bản cực đoan là 70-75%”, ông chỉ rõ.
Bộ trưởng cũng thống nhất phát triển tối đa tiềm năng của năng lượng tái tạo. Song, phải tính đến tiềm năng và lợi thế ở vùng nào, miền nào tốt nhất để phát triển.
Với thủy điện và thủy điện tích năng, cần khai thác triệt để, tối đa nguồn này vì vừa là năng lượng sạch, vừa là nguồn điện nền.
Còn điện sinh khối, ông lưu ý cần phải theo tiêu chí 15 MW/triệu dân. Ngoài ra, nếu sử dụng những nguyên liệu từ rừng trồng hay phế thải, rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt phải tính theo định mức. Đặc biệt chú ý phát triển năng lượng mới. Điện, khí bao gồm cả khí tự nhiên trong nước và khí hóa lỏng và điện hạt nhân.
“Chúng ta sẽ phát triển điện hạt nhân tập trung, hạt nhân quy mô nhỏ trên phạm vi cả nước. Vì thế, trong quy hoạch lần này đề nghị đến năm 2030 cần xác định không chỉ Ninh Thuận mà ít nhất phải có 3 trong 8 điểm đã được xác định có thể xây dựng nhà máy điện hạt nhân”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng đề nghị trong Quy hoạch điện VIII điều chỉnh phải áp dụng lưới điện thông minh và triển khai rộng rãi.
Ông cũng khẳng định sẽ tiến tới thị trường điện cạnh tranh cả ba cấp độ: phát điện cạnh tranh, bán buôn điện cạnh tranh và bán lẻ điện cạnh tranh, có giá điện hai thành phần trong đó có cả giá mua và giá bán. Cũng như xác định khung giá theo giờ; xác định rõ khung giá cho tất cả các loại hình điện năng, kể cả những cái đã có và những cái chưa có.
Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải đề xuất ngay lập tức giá điện, thủy điện tích năng. Khẩn trương tách bạch được giá truyền tải ra khỏi cái giá thành điện năng theo hướng thị trường, tính đúng, tính đủ, tính hết chi phí của giá truyền tải.
“Như vậy mới có thể huy động được nguồn lực xã hội hóa trong lĩnh vực truyền tải, kể cả truyền tải liên miền và truyền tải nội miền. Đặc biệt cần phải có cơ chế đặc thù cho từng loại hình điện năng, nhất là nguồn điện nền và nguồn năng lượng mới”, Bộ trưởng nêu rõ.
![](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/Dien-hat-nhan-khong-phai-chi-lam-o-Ninh-Thuan.jpg)
Nguồn: https://vietnamnet.vn/bo-truong-nguyen-hong-dien-se-phat-trien-dien-hat-nhan-tren-pham-vi-ca-nuoc-2370822.html