Lời Tòa soạn: Nhân dịp Xuân mới Ất Tỵ 2025, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ với VietNamNet những phân tích, lý giải cặn kẽ về quan điểm, tư tưởng cốt lõi, cách tiếp cận độc đáo cùng những nhiệm vụ, giải pháp đột phá, mang tính cách mạng của Nghị quyết 57 mới được Bộ Chính trị ban hành.

Giải phóng sự sáng tạo cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số 

Bộ trưởng đánh giá thế nào về thời điểm ra đời Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số?

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi cho rằng đây là một sự phát triển mang tính tất yếu và đúng lúc. Khi đất nước còn nghèo, đói thì chúng ta lo làm sao để thoát nghèo. Lúc đó, đặt vấn đề phát triển đột phá về khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) thì chưa đúng thời điểm.

Đến nay, Việt Nam đã thoát nghèo, đạt mức thu nhập trung bình thế giới và đang hướng đến mục tiêu có tên trong nhóm nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Giới phân tích kỳ vọng xu hướng bứt phá nhờ công nghệ sẽ giúp Việt Nam có được thứ hạng cao hơn trong nền kinh tế thế giới. Tôi cho rằng đây chính là thời điểm chín muồi để chúng ta chuyển sang một giai đoạn phát triển mới.

W-Nguyễn Mạnh Hùng 10125 (33).jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: “Đây chính là thời điểm chín muồi để chúng ta chuyển sang một giai đoạn phát triển mới”. Ảnh: Hoàng Hà

Có thể hình dung Việt Nam chúng ta như một người đang đứng hơi khom lưng, bây giờ phải vươn mình đứng dậy để sánh vai các cường quốc, trở thành một nước phát triển. Khi chuyển sang giai đoạn mới, chúng ta cũng sử dụng công cụ mới để đưa đất nước phát triển.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói bây giờ là lúc Việt Nam phải vươn mình một cách mạnh mẽ để trở thành nước phát triển. Và Nghị quyết 57 đã chỉ ra đường lối để đất nước vươn mình, đó chính là bằng KHCN, ĐMST và CĐS.

Với việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57 và Tổng Bí thư Tô Lâm là Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tôi nhận thấy, từ nay, bộ 3: KHCN, ĐMST và CĐS đã thực sự trở thành cuộc cách mạng của toàn Đảng và toàn dân, sẽ bước vào giai đoạn phát triển đột phá.

Đặc biệt, sự có mặt của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Diễn đàn Make in Viet Nam lần thứ VI đã truyền đi thông điệp rất mạnh mẽ của Đảng ta, đó là: Phát triển và làm chủ KHCN, ĐMST và CĐS chính là điều kiện tiên quyết, là thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam.

Bộ trưởng đã ví Nghị quyết 57 là “khoán 10” cho KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia. Xin Bộ trưởng lý giải rõ hơn về sự so sánh này?

Nghị quyết 57 là Nghị quyết chuyên đề đặc biệt quan trọng về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS, với nhiều quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp lớn có tính cách mạng.

Cách đây 40 năm, Nghị quyết khoán 10 đã tạo nên một cuộc cách mạng, đưa đến những kết quả vô cùng ngoạn mục cho nông nghiệp Việt Nam. Từ chỗ thiếu gạo, đói ăn, Việt Nam đã đủ, thừa, xuất khẩu và hiện là một trong những nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu nông sản, không chỉ là gạo. Năm 2024, doanh thu từ xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã đạt 62,5 tỷ USD.

B64O9792.jpg
Nghị quyết khoán 10 đã tạo nên một cuộc cách mạng, đưa đến những kết quả vô cùng ngoạn mục cho nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Hồ Hải Hoàng

Tinh thần “khoán 10” được thể hiện rất rõ nét trong Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị. Nghị quyết 57 giống như Nghị quyết khoán 10 của nông nghiệp, nhưng lần này là cho KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia.

Mong muốn của chúng ta là từ chỗ thiếu KHCN, ĐMST và CĐS, Việt Nam sẽ tiến tới đủ, thừa, xuất khẩu và xuất khẩu lớn về KHCN, ĐMST, giống như nước ta đã làm được với nông nghiệp.

Nghị quyết khoán 10 là để thoát nghèo, Nghị quyết 57 là để thoát bẫy thu nhập trung bình. Nghị quyết khoán 10 là giải phóng sức lao động, Nghị quyết 57 là giải phóng sự sáng tạo.  Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Nghị quyết khoán 10 là để thoát nghèo, Nghị quyết 57 là để thoát bẫy thu nhập trung bình. Nghị quyết khoán 10 là giải phóng sức lao động, Nghị quyết 57 là giải phóng sự sáng tạo. Tinh thần chung của cả Nghị quyết khoán 10 và Nghị quyết 57 là quản lý theo mục tiêu, không quản cách làm, là trao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho người làm, chấp nhận rủi ro và đánh giá dựa trên hiệu quả tổng thể, là người làm được hưởng lợi từ thành quả lao động và sáng tạo.

Việc hiểu đúng tinh thần khoán của Nghị quyết 57 là rất cần thiết để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có thể triển khai các công việc không chỉ cho giai đoạn 5 năm, mà là hàng chục năm tới và xa hơn nữa.

Cần nhấn mạnh rằng, hai ý quan trọng nhất của tinh thần khoán chính là quản theo mục tiêu, kết quả cuối cùng nhiều hơn là quản cách làm; người làm phải được hưởng thành quả từ kết quả nghiên cứu, lao động sáng tạo của họ.

Hiện nay, quản lý của chúng ta đang hơi thiên về quản lý cách làm, quy trình. Và vì thiên về quản cách làm, người làm cũng sẽ chú trọng nhiều hơn về quy trình, tuân thủ, thủ tục mà không quan tâm nhiều đến kết quả cuối cùng. Với biện pháp khoán, chúng ta sẽ quản mục tiêu hơn là cách làm, đánh giá dựa vào kết quả cuối cùng.

Ý thứ hai, quan trọng hơn của khoán là người làm phải được hưởng thành quả từ lao động, sự sáng tạo của chính họ. Con người có động lực lợi ích, động lực cá nhân. Họ là một người trong tập thể. Cơ chế khoán thì tập thể được lợi và cả cá nhân tham gia cũng được hưởng lợi.

Theo Nghị quyết 57, sau khi tạo ra kết quả nghiên cứu, nhà khoa học có thể mang kết quả nghiên cứu của mình như là một tài sản trí tuệ để góp vốn cùng người khác lập ra doanh nghiệp; thậm chí họ có thể mang kết quả nghiên cứu đó để lập ra một doanh nghiệp nhằm biến kết quả nghiên cứu thành sản phẩm, tạo ra giá trị. Nghị quyết 57 quan tâm đến giải quyết vấn đề thương mại hoá kết quả nghiên cứu KHCN.

Khi nhà khoa học mang kết quả nghiên cứu đi kinh doanh, có doanh thu, họ tham gia đóng thuế và tạo ra công ăn việc làm cho xã hội. Đây là lợi ích nhà nước sẽ thu được từ cơ chế khoán trong nghiên cứu khoa học.

Tinh thần khoán đã thành công với nông nghiệp và đang mong muốn sẽ thành công với KHCN, ĐMST và CĐS. Với Nghị quyết 57, Đảng ta đã mở ra tinh thần khoán để thúc đẩy cả đất nước phát triển đột phá, không chỉ cho KHCN, ĐMST và CĐS. Chúng ta cần tiếp tục mang tinh thần khoán vào nhiều ngành, lĩnh vực khác để đưa đất nước phát triển bứt phá.

Với Nghị quyết 57, Đảng ta đã mở ra tinh thần khoán để thúc đẩy cả đất nước phát triển đột phá, không chỉ cho KHCN, ĐMST và CĐS. Chúng ta cần tiếp tục mang tinh thần khoán vào nhiều ngành, lĩnh vực khác để đưa đất nước phát triển bứt phá.  Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2025 của Đài Truyền hình Việt Nam – VTV, tôi cũng đã đề nghị đơn vị lấy tinh thần của Nghị quyết khoán 10 và Nghị quyết 57 để đổi mới quản trị trong nội bộ VTV, tạo ra một sự giải phóng mạnh mẽ sức lao động, sáng tạo và sự tự chủ cho các đơn vị trong Đài.

Lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cũng cần vận dụng, ánh xạ được Nghị quyết 57 vào công việc tại đơn vị mình. Chẳng hạn như, có thể sử dụng cách tiếp cận của Nghị quyết để quản trị nhân sự, thay đổi cách quản lý tại đơn vị. Từ chỗ hiểu sâu sắc chữ “khoán”, lãnh đạo các đơn vị sẽ chú trọng quản trị theo mục tiêu, kết quả cuối cùng và có niềm tin vào cán bộ, nhân viên.

Việc lần đầu tiên bộ 3 KHCN, ĐMST và CĐS đi cùng nhau trong một nghị quyết có ý nghĩa như thế nào, thưa Bộ trưởng?

KHCN, ĐMST và CĐS đã có từ lâu, nhưng trước đây thường đứng riêng, rời rạc. Nghị quyết 57 đã lần đầu tiên đưa 3 yếu tố này vào cùng một chỗ và xác định đây là 3 trụ cột chính để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Đây thực sự là một nhận thức rất mới, một cách tiếp cận cách mạng và đột phá của Đảng ta.

Điểm mấu chốt để tạo ra sự phát triển là Đảng ta đã đưa bộ 3: KHCN, ĐMST và CĐS vào chung một chỗ và nối chúng với nhau. Trong bộ 3 này, KHCN là nền tảng tạo ra tri thức và công cụ. ĐMST là động lực, chuyển hóa các tri thức, công cụ mới thành ý tưởng và giải pháp. Chuyển đổi số tạo ra môi trường và công cụ để hiện thực hóa các ý tưởng, giải pháp đổi mới sáng tạo, thành các sản phẩm, dịch vụ và phổ cập vào cuộc sống để tạo ra giá trị thực tế…

w dsc 1182 53210.jpg
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang và Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cùng các đại biểu thăm các gian hàng tại Diễn đàn Make in Viet Nam lần thứ VI. Ảnh: Hoàng Hà.

KHCN và CĐS được nối với nhau bởi ĐMST, giống như nối “ông trên trời” và “ông dưới đất”, giúp phối hợp được tốt hơn, tạo ra sự cộng hưởng và cộng lực để mang lại các giá trị thiết thực. KHCN cần đổi mới để thúc đẩy ứng dụng. CĐS cũng cần ĐMST để thay đổi cách thức vận hành, quản trị và sáng tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới. Sự gắn kết của bộ 3: KHCN, ĐMST và CĐS chính là điều kiện tiên quyết, là thời cơ để Việt Nam phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới.

Việc đặt 3 trụ cột này vào một chỗ, chung một nhà cũng là cách tiếp cận cách mạng độc đáo và đột phá, giúp kết nối bộ 3 này với nhau.  Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Tôi cho rằng, cách để duy trì sự khớp nối, liên kết của bộ 3 KHCN, ĐMST và CĐS nhằm tạo ra sự cộng hưởng, cộng lực chính là đưa 3 yếu tố này vào chung một nghị quyết, và sắp tới là cùng do một bộ quản lý. Việc đặt 3 trụ cột này vào một chỗ, chung một nhà cũng là cách tiếp cận cách mạng độc đáo và đột phá, giúp kết nối bộ 3 này với nhau. Và chính sự liên thông, không thể tách rời của bộ 3: KHCN, ĐMST và CĐS sẽ tạo động lực mới mang tính đột phá và cách mạng cho phát triển KHCN và ĐMST trên môi trường số.

Ngay như giữa khoa học và công nghệ, cần hiểu rằng: Khoa học là những nghiên cứu dài hạn để tạo tri thức và việc này doanh nghiệp sẽ ít làm, vì chưa biết hiệu quả ra sao, do đó nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Nhưng khi chuyển kết quả nghiên cứu thành công nghệ, không ai làm tốt hơn doanh nghiệp. Trên thế giới, phần phát triển công nghệ cũng đều là do doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo, ví dụ như công nghệ AI do các doanh nghiệp như OpenAI, Nvidia, Microsoft, Amazon phát triển, làm chủ.

Việc hợp nhất hai bộ: KH&CN và TT&TT còn tạo ra sự gắn kết giữa khoa học và công nghệ. Hơn 74.000 doanh nghiệp công nghệ số thuộc quản lý của Bộ TT&TT sẽ được tiếp cận nhanh hơn với các kết quả nghiên cứu khoa học của Bộ KH&CN, làm cho KHCN gần hơn với doanh nghiệp, đưa nhanh hơn kết quả nghiên cứu KHCN thành các sản phẩm phục vụ cuộc sống. 

Bộ trưởng nhận định thế nào về tính cách mạng của quan điểm “làm chủ công nghệ” được nhấn mạnh tại Nghị quyết 57?

Chúng ta đưa cả dân tộc, cả nền kinh tế lên môi trường số, mà không làm chủ công nghệ, đứng trên một “bệ cát” thì sẽ nguy hiểm cho đất nước. Vì thế, Việt Nam phải làm chủ các công nghệ chiến lược để làm chủ tiến trình CĐS quốc gia. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Trong Nghị quyết 57, Đảng ta đã chỉ rõ, để CĐS thành công thì chúng ta phải làm chủ tiến trình CĐS, bằng cách làm chủ công nghệ. Chúng ta đưa cả dân tộc, cả nền kinh tế lên môi trường số, mà không làm chủ công nghệ, đứng trên một “bệ cát” thì sẽ nguy hiểm cho đất nước. Vì thế, Việt Nam phải làm chủ các công nghệ chiến lược để làm chủ tiến trình CĐS quốc gia.

Làm chủ công nghệ chiến lược là phong cách của một nước đã phát triển. Nghị quyết 57 có khá nhiều chỗ nói đến tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ, tự tin, tự hào; đề cập đến việc Việt Nam bắt đầu phải ứng xử, tư duy như một nước đã phát triển. Chẳng hạn như, trong hợp tác quốc tế, Nghị quyết 57 yêu cầu phải hợp tác quốc tế với những nước đã phát triển; phải tham gia vào các tổ chức quốc tế để viết ra quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế về công nghệ. Còn trước đây chúng ta chủ yếu là áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế.

DSC_3582.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Việt Nam phải làm chủ các công nghệ chiến lược để làm chủ tiến trình CĐS quốc gia. Ảnh minh họa: Nam Khánh

Nghị quyết 57 cũng lần đầu tiên nêu ra con số cụ thể, lượng hóa là dành cho nghiên cứu để làm chủ các công nghệ chiến lược, khoảng 15% ngân sách chi cho KHCN, ĐMST và CĐS.

Các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, nhất là những doanh nghiệp lớn, đóng vai trò quan trọng trong việc làm chủ các công nghệ chiến lược để làm chủ tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Đây là một mũi tên trúng 2 đích: Vừa làm chủ tiến trình, làm chủ công nghệ chuyển đổi số và vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ lớn của đất nước, có năng lực cạnh tranh quốc tế. Từ nay, các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp lớn, phải nhận lấy sứ mệnh Việt Nam.

Tôi cũng muốn lưu ý thêm về quan điểm đặc biệt quan trọng đã được nêu rõ trong Nghị quyết 57, đó là: Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; bảo đảm an ninh mạng, an ninh dữ liệu, an toàn thông tin của tổ chức và cá nhân là yêu cầu xuyên suốt, không thể tách rời trong quá trình phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia.

Trong quá trình dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam, Bộ TT&TT đã luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Xin Bộ trưởng cho biết vì sao chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề này?

Không gian mạng đã trở thành không gian sinh tồn mới của quốc gia. CNTT đã tiến hóa thành công nghệ số nhưng có tính cách mạng và tạo ra CĐS. CĐS là số hoá toàn diện, đưa mọi hoạt động lên môi trường số, tạo ra tài nguyên mới khổng lồ là dữ liệu, rồi dùng công nghệ số, nhất là AI, để xử lý tài nguyên dữ liệu sinh ra giá trị mới để phát triển. Một khi đã số hoá toàn diện thì không gian số sẽ gần như là ánh xạ 1-1 của thế giới thực. Lúc này, không gian mạng sẽ thực sự là không gian sống mới của con người.

W-sang tao AI VNPT (5).jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng:  Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; bảo đảm an ninh mạng, an ninh dữ liệu, an toàn thông tin của tổ chức và cá nhân là yêu cầu xuyên suốt, không thể tách rời trong quá trình phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia.  Ảnh: N.K

Vì thế, đảm bảo an toàn cho người dân trên không gian mạng quan trọng không kém gì so với đảm bảo an toàn cho người dân trong thế giới thực. Tức là, quy mô và phạm vi đảm bảo an toàn, an ninh mạng lớn hơn rất nhiều lần. Lực lượng an toàn, an ninh mạng của quốc gia vì thế cũng cần lớn mạnh hơn gấp nhiều lần. Có như vậy, chúng ta mới có thể bảo vệ an toàn trên không gian mạng cho 100 triệu người dân, cho hơn 7.000 hệ thống thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước, hoạt động trên không gian mạng của gần 1 triệu doanh nghiệp, 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, 26 triệu hộ gia đình, 14.000 cơ sở y tế, 44.000 trường học.

Như tôi đã nhiều lần nhấn mạnh, Việt Nam thịnh vượng trên không gian mạng thì cũng phải biết bảo vệ mình trên không gian mạng. Sứ mệnh của an toàn, an ninh mạng Việt Nam chính là bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng. Trách nhiệm này không chỉ của các cơ quan chuyên trách an toàn, an ninh mạng mà của cả các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng cũng như các Hiệp hội. Mà muốn làm tốt việc này thì chúng ta phải làm chủ hệ sinh thái các sản phẩm an toàn, an ninh mạng. Chúng ta phải xây dựng được một nền công nghiệp an toàn, an ninh mạng hùng mạnh.

Mục tiêu cao buộc mọi người nghĩ ra cách tiếp cận mới

Nghị quyết 57 đặt ra những mục tiêu rất thách thức về phát triển KHCN, ĐMST và CĐS. Bộ trưởng nghĩ thế nào, sau khi có ý kiến lo ngại chúng ta sẽ khó đạt được các mục tiêu?

Khi đặt ra các mục tiêu, tinh thần của Nghị quyết 57 là: Chúng ta đã xác định Việt Nam sẽ vươn mình trong kỷ nguyên mới dựa trên 3 trụ cột chính gồm KHCN, ĐMST và CĐS thì buộc phải đẩy bộ 3 này phát triển trước, phát triển nhanh hơn sự phát triển của kinh tế đất nước.

Cụ thể, về kinh tế, mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam sẽ lọt vào nhóm các nước thu nhập trung bình cao, có tên trong top 100 toàn cầu về thu nhập trên đầu người. Với KHCN, ĐMST và CĐS – 3 động lực chính để phát triển đất nước, chúng ta đặt mục tiêu vào top 50 vào năm 2030, đi nhanh gấp đôi sự phát triển kinh tế. Và đến năm 2045 Việt Nam đặt mục tiêu bộ 3 này phải vào top 30 thế giới, là những nước ở nhóm trên của các nước phát triển.

W-Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng:”Chúng tôi trăn trở, băn khoăn nhất chính là việc làm sao để Nghị quyết 57 đi vào được cuộc sống”. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Nhiều người nghĩ rằng mục tiêu cao thì liệu Nghị quyết 57 có làm được không? Tôi lại cho rằng, trong khá nhiều trường hợp, việc dễ thì khó làm, còn việc khó lại dễ làm. Sở dĩ như vậy là bởi, khi chúng ta đặt mục tiêu cao, thách thức đến mức hơi không tưởng, lúc đó con người mới nghĩ đến việc đi tìm cách tiếp cận mới, tìm giải pháp đột phá, đặc biệt; và vì thế, việc khó thành dễ làm.

Với những mục tiêu giống như ngày hôm qua, con người sẽ có xu hướng dùng cách của ngày hôm qua. Thế nhưng, cách của ngày hôm qua đã tới hạn; nếu mang cách đó ra làm, chưa chắc mình đã đạt được mục tiêu như trước, và vì thế việc dễ thành khó làm.

Nghị quyết 57 đặt ra những mục tiêu rất cao, đưa dân tộc, Đảng ta và chúng ta vào một tình huống đặc biệt, buộc phải có cách tiếp cận mới, cách mạng để việc khó trở nên không khó nữa.  Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Một điểm nữa là, chúng ta phải có cái niềm tin vào năng lực của con người. Einstein nói rằng người xuất sắc nhất cũng mới chỉ dùng đến 20% não người, nhưng tôi nghĩ chắc không đến, nghĩa là, chúng ta đang chưa vận hết năng lực của bản thân. Não người chỉ được kích hoạt một cách mạnh mẽ khi con người bị đẩy đến chỗ nguy hiểm, hoặc khi họ có một khát vọng lớn, một mục tiêu cao. Chính mục tiêu, khát vọng lớn đó đẩy con người vào chỗ phải cố gắng.

Người bình thường khi rơi vào hoàn cảnh, tình huống đặc biệt có thể tạo ra điều phi thường. Thế nên, Nghị quyết 57 đặt ra những mục tiêu rất cao, đưa dân tộc, Đảng ta và chúng ta vào một tình huống đặc biệt, buộc phải có cách tiếp cận mới, cách mạng để việc khó trở nên không khó nữa.

Thực thi vốn là khâu yếu của chúng ta, vậy làm thế nào để Nghị quyết 57 đi vào được cuộc sống?

Đúng là khá nhiều nghị quyết của chúng ta đến phần tổ chức triển khai thì chưa được như kỳ vọng, mục tiêu đề ra. Cũng vì thế, từ khi tham gia soạn thảo Nghị quyết 57 và xây dựng chương trình hành động triển khai Nghị quyết 57, chúng tôi trăn trở, băn khoăn nhất chính là việc làm sao để Nghị quyết 57 đi vào được cuộc sống.

Trong nội dung Nghị quyết 57 cũng như Chương trình hành động của Chính phủ, các nguyên tắc cơ bản để Nghị quyết này vào được cuộc sống đã được đề ra, đó là: Đặt mục tiêu cao để tìm giải pháp, cách làm đột phá, tìm ra người tài và tạo ra sự phát triển bứt phá; Giao nhiệm vụ cho người đứng đầu phụ trách trực tiếp; Bố trí phù hợp số lượng cán bộ có trình độ chuyên môn khoa học kỹ thuật trong cấp ủy các cấp; Các nhiệm vụ phải được lượng hóa thành mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể; Giao nhiệm vụ đi kèm phân bổ nguồn lực phù hợp để triển khai; Xây dựng công cụ đo lường trực tuyến kết quả thực hiện theo quý, năm, định kỳ đánh giá và công bố công khai; Kết quả thực hiện là cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, đặc biệt là với người đứng đầu.

Là người tham gia soạn thảo Nghị quyết 57, xin Bộ trưởng cho biết tại sao Nghị quyết lại nhấn mạnh yếu tố người đứng đầu?

Việc Nghị quyết 57 đặc biệt nhấn mạnh vai trò trực tiếp của người đứng đầu là quá trình phát triển lý luận của Đảng ta trong 25 năm qua. Năm 2000, trong Chỉ thị 58 về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Bộ Chính trị đã yêu cầu trong ban lãnh đạo phải cử 1 người phụ trách về CNTT; thực tế thường là một lãnh đạo cấp phó.

Đến năm 2014, Bộ Chính trị nâng cấp từ chỉ thị thành một nghị quyết về về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế (Nghị quyết 36), trong đó có nói người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo. Và 10 năm sau, vào năm 2024, Nghị quyết 57 chỉ rõ rằng, người đứng đầu trực tiếp phụ trách, nghĩa là người đứng đầu phải trực tiếp làm.

Tại sao lại nhấn vai trò trực tiếp phụ trách của người đứng đầu? Là vì, người đứng đầu ngoài chuyện vạch đường lối, nhất là vạch ra đường lối mới, còn phải trực tiếp triển khai. Trong một thế giới biến động nhanh như hiện nay, người đề ra chiến lược và người thực thi nên là một.

KHCN, ĐMST và CĐS đặt ra câu chuyện chuyển đổi, nghĩa là chúng ta phải thay đổi cách vận hành, thay đổi cách làm, thay đổi quy trình, thay đổi thể chế. Mà động đến sự thay đổi thì nếu không phải người đứng đầu sẽ không ai làm được. Cho nên, bắt buộc phải là người đứng đầu.

Mặt khác, người đứng đầu đặt ra mục tiêu cao, rất thách thức thì cần tham gia quá trình triển khai để cùng suy nghĩ, để tìm ra những giải pháp mới, đột phá, các cách tiếp cận mới, nhằm biến việc khó thành việc dễ hơn, khả thi hơn.

Bên cạnh sự chú trọng vai trò người đứng đầu, những nguyên tắc khác để đảm bảo Nghị quyết 57 được triển khai hiệu quả cần được hiểu thế nào, thưa Bộ trưởng?

Nghị quyết 57 chỉ rõ người đứng đầu trực tiếp phụ trách, gán trách nhiệm vào kết quả phát triển KHCN, ĐMST và CĐS của tổ chức. Tuy nhiên, một mình người đứng đầu cũng không triển khai được, cần có người làm. Vì thế, Nghị quyết đưa ra yêu cầu phải bố trí một tỷ lệ phù hợp cán bộ có chuyên môn khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số vào cấp ủy các cấp. Đây cũng là một điểm rất quan trọng.

Các nhiệm vụ trong Nghị quyết 57 sẽ phải được chuyển thành những mục tiêu, chỉ tiêu lượng hóa được và phải đo lường được. Khâu đo lường không phải bằng người, mà đo trực tuyến bằng công cụ định kỳ hàng quý, hàng năm và công khai kết quả đo. Việc công khai kết quả đo lường cũng rất quan trọng, tạo ra áp lực cho mọi người.

Tương tự như việc công bố bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh – PCI, kết quả đo mức độ CĐS của cơ quan báo chí, mức độ sẵn sàng về CĐS của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hay đánh giá CĐS của các bộ, tỉnh thời gian qua, đã tạo ra sự thi đua giữa các đơn vị, địa phương. Và quan trọng hơn, khi nhìn vào các bảng tiêu chí cụ thể, các đơn vị sẽ biết cách làm. Đây là một minh chứng cho thấy, một việc đơn giản cũng có thể mang lại hiệu quả lớn.

Người đứng đầu ngoài chuyện vạch đường lối, nhất là vạch ra đường lối mới, còn phải trực tiếp triển khai. Trong một thế giới biến động nhanh như hiện nay, người đề ra chiến lược và người thực thi nên là một.  Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Theo Nghị quyết 57, kết quả thực hiện Nghị quyết 57 về KHCN, ĐMST và CĐS sẽ là một tiêu chí để đánh giá cán bộ, đặc biệt người đứng đầu.

Tôi cho rằng, những giải pháp, cách tiếp cận kể trên của Nghị quyết 57 là rất cách mạng, giúp chúng ta có thể hiện thực hóa các mục tiêu, tầm nhìn vô cùng thách thức cho KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia trong kỷ nguyên mới.

Với vai trò là một trong những lực lượng nòng cốt hiện thực hóa các mục tiêu của Nghị quyết 57, toàn ngành TT&TT cần phải làm gì trong năm 2025 cũng như chặng đường sắp tới, thưa Bộ trưởng?

Đất nước đang đổi mới mạnh mẽ, vì thế bộ, ngành TT&TT chúng ta cũng cần thay đổi để tiếp tục đi đầu, tiên phong và dẫn dắt công cuộc CĐS. Năm 2025 mở ra cơ hội để KHCN, ĐMST, CĐS có những bước đột phá và cộng hưởng với nhau, trở thành 3 trụ cột chính phát triển đất nước. Để làm được điều này, mỗi cán bộ ngành TT&TT phải sẵn sàng thay đổi, lấy đổi mới để làm động lực để phát triển bản thân. Chúng ta bước vào kỷ nguyên số, mỗi người phải là một chiến binh số, hoặc không làm hoặc làm đến xuất sắc.

W-bo truong tham don vi truc tet 2025 4.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Sứ mệnh của ngành chúng ta trong chặng đường tới là tiếp tục thúc đẩy sự chuyển đổi ấy để làm cho đất nước mạnh lên bằng KHCN, bằng ĐMST và với khát vọng hùng cường. (Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kiểm tra hoạt động dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 tại VNPT Net). Ảnh: Lê Anh Dũng

Ngành TT&TT đã đổi mới lần 1 và nay thực hiện đổi mới lần 2. Mỗi đơn vị, mỗi cán bộ trong ngành cần coi năm 2025 là năm của hành động. Trưởng các đơn vị phải làm việc với tinh thần tận hiến, đặt ra mục tiêu cao hơn, xây dựng kế hoạch hành động cá nhân trong một năm nhưng với khối lượng của nhiều năm. Đó là trách nhiệm cũng là vinh dự và đặc biệt là cơ hội để khám phá chính bản thân mình.

Với tinh thần tiên phong và sáng tạo, chúng ta hãy chung tay hành động, đưa ngành tiến lên bứt phá, góp phần xây dựng một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng. Chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, chính phủ số không phải là khái niệm xa vời mà đã trở thành mạch sống của đất nước. Sứ mệnh của ngành chúng ta trong chặng đường tới là tiếp tục thúc đẩy sự chuyển đổi ấy để làm cho đất nước mạnh lên bằng KHCN, bằng ĐMST và với khát vọng hùng cường.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Nghị quyết 57 đã xác định tầm nhìn đến năm 2045, KHCN, ĐMST và CĐS phát triển vững chắc, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Việt Nam có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GDP; là một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Cũng đến năm 2045, Việt Nam có tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số tương đương các nước phát triển; có tối thiểu 10 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến; thu hút thêm ít nhất 5 tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở, đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam.

Bài 2: Doanh nghiệp Việt Nam phải làm chủ công nghệ chiến lược

Nghị quyết 57 là “khoán 10” cho KHCN, ĐMST và chuyển đổi số quốc giaNghị quyết 57 là nghị quyết chuyên đề đặc biệt quan trọng về Đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số, với nhiều quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp lớn có tính cách mạng.