Nếu trước đây chỉ những ca sĩ lớn, có hành trình làm nghề dài lâu và liên tục xuất hiện mới có khả năng duy trì được fanclub luôn trong trạng thái hoạt động, thì vài năm qua, những “điều kiện cần” này đang dần thay đổi. Bởi với công nghệ và các phương thức liên lạc ngày càng thuận tiện, việc kết nối, kêu gọi và cùng nhau hoạt động giữa người hâm mộ không còn quá khó. Nhận thấy sự phát triển mạnh mẽ của văn hóa fandom, vừa qua giải thưởng WeChoice Awards 2024 đã lần đầu tiên tôn vinh cộng đồng fan qua hạng mục BFF – Best Fandom Forever.
Nguồn cổ vũ mạnh mẽ
Đi cùng sự thành công của các chương trình như Chị đẹp đạp gió, Anh trai say hi, Anh trai vượt ngàn chông gai… là sự lớn mạnh, cuồng nhiệt của các fandom nghệ sĩ. Qua các thước phim hậu trường, khán giả dễ dàng nhìn thấy hình ảnh những xe food truck (gồm thức ăn, hình ảnh, vật phẩm…) được người hâm mộ gửi đến trường quay nhằm cổ vũ nghệ sĩ họ yêu thích. Điều này phổ biến đến nỗi ở concert thứ 3 của Anh trai say hi diễn ra tại Hà Nội, hầu như 30 anh trai đều có xe food truck của mình. Không chỉ trong thời gian tham gia chương trình, mà trước thềm concert, các photo booth (không gian chụp ảnh) cũng được các fandom chịu khó đầu tư để ủng hộ, nhằm giúp thần tượng của họ được nổi bật hơn…
Mới đây, các “chị đẹp” như Kiều Anh, Xuân Nghi, Châu Tuyết Vân, Ngọc Phước, các “anh tài” như Soobin Hoàng Sơn, Trương Thế Vinh… đã tổ chức thành công fan meeting (buổi gặp gỡ giữa nghệ sĩ và người hâm mộ) với lượng thành viên tham gia đông đảo. Ở mùa giải thưởng cuối năm qua, cộng đồng người hâm mộ cũng cho thấy “sức mạnh” của họ khi tích cực tham gia bầu chọn cho các chương trình có thần tượng (Làn sóng xanh, Mai vàng…) dẫn đến những sự cạnh tranh rất sát sao giữa các nghệ sĩ được đề cử cho tới phút cuối.
Khi thần tượng ra mắt sản phẩm, các fandom cũng rất chịu chi để hỗ trợ quảng bá. Dễ gặp nhất là các dự án “tiếp ứng” để hình ảnh sản phẩm xuất hiện nhiều hơn và nổi bật hơn tại các biển quảng cáo ở những địa điểm nổi tiếng như các tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại… tại các thành phố lớn. Bên cạnh đó, các phương tiện di chuyển trong thành phố có hình ảnh nghệ sĩ cũng ngày càng quen thuộc hơn…
Tác động đến sự nghiệp nghệ sĩ
Người hâm mộ đang giữ vị trí ngày càng quan trọng trong hành trình phát triển sự nghiệp của nghệ sĩ. Cuối năm 2024, khi đang tham gia chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai, ca – nhạc sĩ Bùi Công Nam đã được nhiều fan trên nền tảng Threads kêu gọi thay đổi ê kíp vì đội ngũ cũ thiếu nhanh nhẹn. Lắng nghe điều đó, không lâu sau anh đã thành lập công ty riêng để việc truyền thông, quảng bá được chuyên nghiệp hơn.
Bên cạnh đó, cũng chính nhờ fandom mà các hoạt động, dự án vì cộng đồng, có ý nghĩa xã hội của nghệ sĩ được lan truyền và ủng hộ mạnh mẽ hơn. Fandom của Trang Pháp trong năm 2024 đã tổ chức và tham gia rất nhiều chương trình thiện nguyện. Ca sĩ Jun Phạm cũng vừa tổ chức chiến dịch Vẽ lời, hóa tim yêu để giúp trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh. Trước đó, ca khúc Nấu cơm cho em của rapper Đen tạo được làn sóng lớn, giúp các bạn nhỏ khó khăn tiếp tục đến trường qua chương trình Nuôi em…
Tuy vậy cũng có không ít fandom “thời vụ” tồn tại ngắn ngủi nhưng gây ảnh hưởng không nhỏ đến hình tượng nghệ sĩ. Có thể kể đến như khán giả yêu thích “ghép cặp” người nổi tiếng với nhau, dẫn đến tổ chức các hoạt động ủng hộ, cổ vũ rầm rộ chung, nhưng theo thời gian chính điều này làm ảnh hưởng đến cuộc sống riêng tư của người trong cuộc. Sau khi các chương trình, cuộc thi hoặc dự án có những cặp nghệ sĩ này kết thúc, thì các nhóm ủng hộ cũng nhanh chóng tan rã, không còn hoạt động.
Nguồn: https://thanhnien.vn/nghe-si-viet-va-fandom-185250210220330672.htm