Ngày 14/2 tới đây, Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm Bộ GD-ĐT ban hành sẽ chính thức có hiệu lực.

Trước đây, ngoài số giờ/buổi chính khóa, các trường có thể tổ chức dạy thêm, học thêm trong trường có thu tiền. 

Giờ đây, khi đối tượng dạy thêm bị thu hẹp và việc dạy thêm không có nguồn kinh phí (học phí học thêm) để chi trả thù lao cho giáo viên, nhiều trường học đã và đang lần lượt thông báo dừng tổ chức việc này trong trường. 

Thực tế này cũng khiến không ít phụ huynh lo lắng về việc quản lý con khi học sinh sẽ thêm một buổi ở nhà, thay vì ở trường. Trước đây, thông thường, buổi sáng học sinh học chính khóa, buổi chiều học thêm tại trường từ thứ Hai đến thứ Bảy. Các trường học cũng đang tính đến việc tổ chức dạy học theo hướng tối ưu phù hợp với Thông tư 29. 

Chia sẻ với VietNamNet, ông Trần Quốc Lập, Phó hiệu trưởng Trường THPT Kim Sơn A (Ninh Bình) cho hay, trường đang thí điểm việc dạy học 5 buổi/tuần, nghỉ thứ Bảy, sau khi Thông tư 29 được ban hành.

Theo vị hiệu phó, Thông tư 29 ban hành, đồng nghĩa khoảng thời gian buổi chiều các ngày trong tuần như trước đây không sử dụng đến. Từ ngày 13/2 đến hết tháng 2, toàn tỉnh Ninh Bình thí điểm việc dạy học 5 buổi/tuần.

“Như vậy, điểm khác so với trước đây, thầy trò trường chúng tôi sẽ nghỉ toàn bộ ngày thứ Bảy. Cụ thể, bớt việc học buổi sáng ngày thứ Bảy, số tiết chính khóa sẽ được chia vào buổi chiều các ngày trong tuần – vốn trước đây là thời gian dành để tổ chức dạy thêm, học thêm. Hiện nay, toàn tỉnh đang tạm chia thử số tiết vốn chính khóa dạy vào sáng thứ Bảy vào chiều thứ Hai và chiều thứ Năm. Chiều thứ Ba, thứ Tư và thứ Sáu, các trường có thể dành cho việc bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo cho học sinh yếu kém, ôn tập cho học sinh cuối cấp. Song số học sinh ở các nhóm này, kể cả trong trường hợp dạy không thu tiền, cũng rất nhỏ so với tổng số học sinh toàn trường”, ông Lập nói.

Theo ông Lập, hiện tại, trường chưa tổ chức được các hoạt động vào ngày thứ Ba, thứ Tư và thứ Sáu, đồng nghĩa việc học sinh nghỉ các buổi chiều này và gia đình sẽ tự quản lý.

Trước mắt, với các buổi chiều, để hỗ trợ phụ huynh có nhu cầu, nhà trường sẽ chủ động kết nối, liên hệ định hướng giúp cho học sinh một số trung tâm dạy thêm ở ngoài để đăng ký theo học.

“Nghĩa nhà trường không tổ chức dạy thêm và cũng không dạy thêm trong trường mà chỉ mang tính chất giới thiệu, kết nối cho học sinh tham gia học thêm ở ngoài trường, phụ huynh yên tâm hơn về mặt quản lý. Tuy nhiên, học ở trung tâm ngoài trường, phụ huynh cũng phải chấp nhận cảnh học phí cao gấp đôi, gấp ba trong trường. Về phần nhà trường, chắc sẽ phải đợi kết thúc thời gian thí điểm mới biết cụ thể ra sao. Không chỉ trường tôi, các trường khác cũng gần như ‘án binh bất động’ vì chưa có hướng dẫn cụ thể. Sau khoảng thời gian thí điểm, các trường phản hồi ý kiến về, Sở GD-ĐT mới có căn cứ báo cáo tỉnh xin ý kiến chỉ đạo chung”, ông Lập nói.

học sinh THCS (2).JPG
Ảnh minh họa: Thanh Hùng.

Ông H., hiệu trưởng một trường THCS tại quận Hà Đông (Hà Nội), chia sẻ, sau khi có Thông tư 29, nhà trường sẽ chuyển sang học chính khóa 2 buổi/ngày, thay vì chính khóa chỉ buổi sáng như trước đây.

Cụ thể, nhà trường sẽ áp dụng việc dạy ngày 7 tiết chính khóa, trong đó chia ra buổi sáng 4 tiết, buổi chiều 3 tiết, thực hiện từ thứ Hai đến thứ Sáu. Toàn trường nghỉ thứ Bảy (trước đây dạy học chính khóa từ thứ Hai đến thứ Bảy).

“Thay vì dạy chính khóa các buổi sáng 5 tiết như trước, giờ đây các buổi sáng chúng tôi chỉ dạy 4 tiết. Số tiết còn lại cộng với số tiết sáng thứ Bảy trước đây sẽ được chia đều ra cho các buổi chiều từ thứ Hai đến thứ Sáu. Đan xen vào đó, có thêm những tiết tăng cường, bổ trợ, sinh hoạt câu lạc bộ trong quy định xây dựng kế hoạch dạy học theo chương trình. Chúng tôi thực hiện việc này cũng phải theo nguyện vọng của phụ huynh về việc quản lý con em. Từ ngày 14/2, nếu phụ huynh đồng thuận hướng này, nhà trường mới triển khai. Nếu không, chúng tôi đành dạy một buổi chính khóa như trước đây và buổi chiều học sinh không tới trường”, ông H. nói.

Hiệu trưởng một trường THCS khác ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho hay, cũng đang trình phương án xin phép Phòng GD-ĐT huyện về việc nghỉ dạy ngày thứ Bảy. 

“Nếu được thông qua, như thế nhà trường vẫn có thể tiếp tục tổ chức bán trú và có một số tiết để cho học sinh tham gia học kỹ năng sống và tổ chức quản lý học sinh vào buổi chiều tại trường. Đồng thời, cả thầy cô và học sinh cùng có thêm 1 ngày nghỉ cuối tuần hoàn toàn”.

Hiệu trưởng Trường THCS Lê Bình (xã Tân Mỹ Hà, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) chia sẻ, trường muốn giới thiệu, thông tin cho học sinh các trung tâm dạy thêm, học thêm ở ngoài (các em và gia đình có nhu cầu) cũng rất khó. Bởi ở đây, học sinh muốn đến trung tâm học thêm gần nhất cũng phải đi hơn 12km (thị trấn Phố Châu). Hiện, nhà trường vẫn đang chờ Phòng GD-ĐT chỉ đạo cụ thể mới tính các bước triển khai.

“Trước mắt, chúng tôi chỉ có hướng dạy thêm ôn tập cho học sinh cuối cấp thi lớp 10, song kinh phí đang xin ý kiến phòng/sở GD-ĐT. Các khối lớp khác phải cho dừng việc dạy thêm theo Thông tư 29”. 

Ông Đặng Đình Kỳ, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Nghi Lộc (Nghệ An) cho hay: “Hiện nay, chúng tôi vẫn đang chờ đợi Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT có những văn bản hướng dẫn thêm về việc này. Song, thực tế, cũng không ít phụ huynh vẫn muốn tổ chức việc học thêm tại trường để vừa thêm kiến thức vừa đảm bảo an toàn cho con”.

Điều ông Kỳ trăn trở nhất là ở các vùng nông thôn, khó khăn không có các trung tâm dạy thêm, việc quản lý hay nâng cao kiến thức cho học sinh cũng khó hơn. Khi thi vào lớp 10, hay xét tuyển đại học, các em không có môi trường ôn tập, bổ sung kiến thức liệu có thiệt thòi hơn so với học sinh các vùng có điều kiện, nhiều trung tâm dạy thêm.

“Chưa kể, việc để có đủ điều kiện cho con đi học thêm trung tâm chỗ này, chỗ khác là băn khoăn của không ít phụ huynh. Bởi thực tế, việc học thêm ngoài trường tốn kém hơn hẳn so với việc học thêm trong các nhà trường”, ông nói.

daythembogd.jpg
'Quan điểm của Bộ GD-ĐT là hướng tới trường học không có dạy thêm'

‘Quan điểm của Bộ GD-ĐT là hướng tới trường học không có dạy thêm’

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho hay quan điểm của Bộ là hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm. Thời gian tại trường, học sinh không chỉ học kiến thức mà còn phát triển toàn diện về nhân cách, lối sống, khả năng giải quyết vấn đề.
Hàng loạt trường thông báo ngừng dạy thêm, phụ huynh ngổn ngang trăm mối tơ vò

Hàng loạt trường thông báo ngừng dạy thêm, phụ huynh ngổn ngang trăm mối tơ vò

Sau khi nhiều nhà trường thông báo dừng tổ chức dạy thêm theo Thông tư 29, nhiều phụ huynh bày tỏ lo lắng khi bỗng thêm nỗi lo quản lý con ở nhà.