Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo cần có những điều chỉnh mang tính đột phá hơn, tập trung, đơn giản hóa thủ tục thương mại hóa.
Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố để lấy ý kiến. Dự thảo Luật gồm 14 Chương và 83 Điều, trong đó có những nội dung chính, quan trọng được kế thừa từ Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013.
Dự thảo có một số điểm nổi bật như: bổ sung quy định về tổ chức nghiên cứu và phát triển công lập đặc biệt hoạt động trong các lĩnh vực Nhà nước ưu tiên đầu tư; bổ sung quy định về cơ chế tự chủ đối với tổ chức nghiên cứu và phát triển công lập;
Bổ sung quy định cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập được tham gia thành lập, điều hành doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do tổ chức khoa học và công nghệ mà mình là thành viên tạo ra; đơn giản hóa các bước phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, giảm thời gian phê duyệt nhiệm vụ (đề xuất, xác định, tuyển chọn…).
Tuy nhiên một số ý kiến cho rằng dự thảo Luật chưa thể hiện rõ về cơ chế, ưu đãi đối với trường đại học được thành lập doanh nghiệp; doanh nghiệp khoa học, công nghệ trong trường đại học, đặc biệt với các sản phẩm thương mại hóa, spin-off hoặc các hợp tác doanh nghiệp cùng nghiên cứu phát triển (R&D) từ trường đại học.
Dự thảo Luật cần có những điều chỉnh mang tính đột phá hơn, tập trung vào việc ưu đãi thuế mạnh mẽ và hỗ trợ tài chính linh hoạt hơn cho doanh nghiệp khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, cần đơn giản hóa thủ tục thương mại hóa kết quả nghiên cứu; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia với sự tham gia của doanh nghiệp; cải thiện chính sách nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để thu hút nhân tài.
Dự thảo Luật cần khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà khoa học có thể thương mại hóa từ sản phẩm nghiên cứu khoa học của họ thông qua thành lập doanh nghiệp khoa học, công nghệ hoặc doanh nghiệp thuộc đại học.
Tại buổi tọa đàm lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo doĐại học (ĐH) Quốc gia TP.HCM tổ chức,GS.TS Nguyễn Thị Cành (Trường ĐHKinh tế- Luật) cho rằng nếu giữ cụm “Đổi mới sáng tạo” như tên dự thảo Luật sẽ không phù hợp vì đổi mới sáng tạo là kết quả của nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ.
Ngoài ra, các quy định về tài chính và đầu tư cho khoa học công nghệ theo chương IV của dự thảo Luật chỉ mới đề cập chi ngân sách cho khoa học công nghệ tối thiểu 2% ngân sách nhà nước. Tuy nhiên chưa bao quát bình quân đầu tư cho khoa học công nghệ từ các nguồn khác nhau chiếm bao nhiêu phần trăm GDP của quốc gia. Trong đó nguồn từ ngân sách là bao nhiêu, nguồn từ huy độngxã hộingoài nhà nước là bao nhiêu, từ đó mới có chính sách huy động nguồn lực xã hội.
GS.TS Phan Thị Tươi (Trường ĐH Bách khoa) đánh giá dự thảo Luật còn nhiều điểm chưa chặt chẽ, chưa có những điểm mới như kỳ vọng và thiếu bao trùm cho mọi tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học trong thời kỳ phát triển khoa học rất nhanh, hiện đại như hiện nay.
Cụ thể, cần định nghĩa thế nào là “khoa học mở” tại điều 9 về chính sách của nhà nước với khoa học mở. Ở điều này quy định “Quyền sở hữu trí tuệ đối với các kết quả nghiên cứu được chia sẻ thuộc về cá nhân hoặc tổ chức tạo ra kết quả hoặc theo quy định của pháp luật”, tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có các quy định liên quan về vấn đề này.
Theo Sở hữu trí tuệ
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/du-thao-luat-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-van-ton-tai-nhieu-han-che/20250210112525321