Thay vì các kênh đầu tư truyền thống, ngày càng có nhiều tỷ phú Trung Quốc lựa chọn bỏ vốn vào ngành giáo dục. Theo các chuyên gia kinh tế, đây đang là kênh đầu tư hiệu quả và thông minh, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang nỗ lực thúc đẩy nội lực trong một loạt ngành kinh tế công nghệ cao.
![]() |
Tỷ phú Zhong Shanshan, người sáng lập công ty đồ uống khổng lồ Nongfu Spring. (Nguồn: Instagram) |
Tháng trước, ông trùm đồ uống Trung Quốc Zhong Shanshan đã giới đầu tư ngạc nhiên khi công bố kế hoạch chi 40 tỷ NDT (5,5 tỷ USD) trong thập kỷ tới để thành lập trường đại học tư thục có tên Đại học Tiền Đường.
Làn sóng đầu tư mới
Ông Zhong, người sáng lập công ty đồ uống đóng chai khổng lồ Nongfu Spring, cho biết Đại học Tiền Đường có tầm nhìn rõ ràng: thúc đẩy nghiên cứu khoa học, tăng cường ứng dụng các công nghệ mới và bồi dưỡng nhân tài hàng đầu trong các lĩnh vực chiến lược. Theo đó, Đại học Tiền Đường đặt mục tiêu đào tạo 15 chuyên gia hàng đầu mỗi năm, thu hút 500 nhà nghiên cứu và đào tạo 350.000 sinh viên.
Sáng kiến của “đại gia” ngành Đồ uống Trung Quốc là sáng kiến mới nhất trong làn sóng chuyển hướng kinh doanh sang giáo dục của giới tỷ phú Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang nỗ lực thúc đẩy nội lực trong một loạt ngành kinh tế công nghệ cao trong nước.
Chỉ vài ngày trước thông báo của tỷ phú Zhong, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã chấp thuận cho Đại học Khoa học và Công nghệ Fuyao (FYUST) được phép tuyển sinh từ năm 2025. Đây là cơ sở giáo dục do tỷ phú Cao Dewang, Chủ tịch của Tập đoàn sản xuất thủy tinh Fuyao Group thành lập với số vốn lên tới 10 tỷ USD.
Trong khi đó, Viện Công nghệ Phương Đông (EIT), một đại học tư thục ở thành phố cảng phía Đông Trung Quốc Ninh Ba do “ông trùm” ngành bán dẫn Yu Renrong tài trợ, cũng đang chuẩn bị chào đón những tân sinh viên đầu tiên vào cuối năm nay, sau đợt tuyển sinh tiến sĩ vào năm 2022.
Các trường đại học tư thục mới được thành lập sẽ chia sẻ một mục tiêu chung: hỗ trợ chiến lược quốc gia, giải quyết các nút thắt về công nghệ và đào tạo nhân tài có thể thúc đẩy các ngành công nghiệp của Trung Quốc phát triển.
Năm 2024, báo cáo của Viện nghiên cứu Hurun chuyên theo dõi các khoản đóng góp của tầng lớp giàu có Trung Quốc cho thấy, khoảng 70% các nhà tài trợ ưu tiên cho giáo dục, tăng đáng kể từ con số 58% vào năm 2023.
Li Mingbo, Phó khoa Viện Quảng Châu của vùng Vịnh Lớn, cho biết Trung Quốc đang rất cần nhân tài có kỹ năng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ để thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp quốc gia do hệ thống các trường đại học truyền thống của Trung Quốc đang phải vật lộn để theo kịp các ngành công nghiệp phát triển nhanh chóng.
“Nếu không có thế hệ chuyên gia mới, Trung Quốc có nguy cơ tụt hậu trong cuộc đua công nghệ toàn cầu”, ông Li cảnh báo.
Cũng theo chuyên gia này, ngày nay, các doanh nghiệp đang hào hứng thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ hơn các trường đại học nên việc các doanh nhân “xắn tay” vào lĩnh vực đào tạo nhân lực “là điều dễ hiểu”.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị thường niên của công ty vào tháng trước, tỷ phú Zhong cho rằng sứ mệnh của các trường đại học là thúc đẩy ranh giới kiến thức và thúc đẩy những đột phá khoa học “từ con số không đến con số một”.
Tương tự như vậy, tầm nhìn của tỷ phú Cao Dewang là đưa vị thế của FYUST ngang tầm với Đại học Stanford (Mỹ). Theo các thông báo chính thức, FYUST được xây dựng để hỗ trợ chiến lược công nghiệp của Trung Quốc, với các khoa chuyên về khoa học vật liệu, trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật cơ khí và kinh tế kỹ thuật số.
Tỷ phú Yu, Chủ tịch Tập đoàn bán dẫn Trung Quốc Will Semiconductor với khối tài sản ước tính là 42,5 tỷ NDT cam kết đầu tư 30 tỷ NDT vào EIT với quyết tâm đưa cơ sở giáo dục này thành một trung tâm nghiên cứu chuyên về công nghệ ứng dụng.
Nhà kinh tế học Ma Guangyuan nhận định, Trung Quốc cần thêm nhiều trường đại học do các doanh nhân thành lập nếu muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
“Chúng ta cần thêm nhiều trường đại học theo mô hình như vậy để có thể giải quyết các thách thức đổi mới của Trung Quốc và nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành”, ông viết trong một bài đăng trên Weibo tháng 1/2025.
Khoản đầu tư hiệu quả, ý nghĩa chính trị cao
Đối với các tỷ phú Trung Quốc, việc bỏ vốn vào các đại học tư thục là một khoản đầu tư tương đối hiệu quả, do tình hình kinh tế của Trung Quốc vẫn còn bất ổn và các cơ hội đầu tư truyền thống còn nhiều rủi ro, Simon Zhao, Phó khoa tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh cho biết.
“Việc thành lập các trường đại học đã trở thành giải pháp đôi bên cùng có lợi – phù hợp với các mục tiêu chiến lược quốc gia đồng thời mang lại lợi ích kinh tế và xã hội lâu dài. Tại Trung Quốc, việc thành lập và điều hành các trường tư thục sẽ cho lợi nhuận tốt, cộng với việc chính phủ đang có quy định tương đối mở cửa đối với các hệ thống giáo dục tư thục, tạo động lực cho các doanh nhân cống hiến hết mình cho giáo dục”, ông Zhao cho hay.
![]() |
Đối với các tỷ phú Trung Quốc, việc bỏ vốn vào các đại học tư thục là một khoản đầu tư tương đối hiệu quả. (Nguồn: Getty) |
Còn theo ông Donald Dai, Giám đốc điều hành tại một công ty công nghệ có trụ sở tại Thâm Quyến, những khoản đầu tư này trên thực tế rất có ý nghĩa về mặt chính trị.
“Đầu tư vào khoa học và công nghệ là hướng đi đúng đắn, xét trên phương diện về chính trị. Các lãnh đạo đất nước chắc chắn sẽ không quên những người đã đóng góp cho sự phát triển chiến lược của quốc gia”, ông Dai nói.
Làn sóng đầu tư vào các cơ sở giáo dục đại học trong giới tỷ phú Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang kêu gọi các doanh nhân đóng góp nhiều hơn cho xã hội.
Trong chuyến thăm và làm việc tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc vào năm 2020, Chủ tịch Tập Cận Bình từng khuyến khích các doanh nhân học hỏi từ Trương Kiến, một nhà buôn cuối triều đại nhà Thanh, người đã thành lập hơn 300 trường học cho đất nước.