(CLO) Trưng bày “Con đường Hoằng dương Phật pháp của các vị tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử” khẳng định sự phát triển hưng thịnh của Phật giáo Lý – Trần trên vùng đất Bắc Giang.
Nằm trong chuỗi các sự kiện của Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh Bắc Giang năm 2025, ngày 8/02, tại Khu Du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử, Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Giang tổ chức trưng bày chuyên đề “Con đường Hoằng dương Phật pháp của các vị tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử”.
Không gian trưng bày giới thiệu đến công chúng và du khách hơn 50 hình ảnh và hơn 100 hiện vật tiêu biểu được lựa chọn từ 11 điểm khai quật khảo cổ học tại các phế tích, di tích Phật giáo thời Lý – Trần trên địa bàn 7 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Bắc Giang.
Các hiện vật này chính là những minh chứng vật chất quý giá khẳng định sự phát triển, hưng thịnh, rộng khắp của Phật giáo Lý – Trần trên vùng đất Bắc Giang. Đây cũng là cơ sở, căn cứ khoa học để tỉnh Bắc Giang tiếp tục nghiên cứu, phục dựng con đường Hoằng dương Phật pháp của các vị tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử.
Bên cạnh đó là không gian trải nghiệm in dập mộc bản liên quan đến Phật giáo, nhằm tôn vinh, giới thiệu một nét đẹp văn hóa trong điêu khắc mộc bản truyền thống của dân tộc.
Theo ông Nguyễn Sĩ Cầm, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Giang, từ sau khi nhà Lý dời đô về Thăng Long (năm 1010), Bắc Giang trở thành vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng, giữ vai trò là “phên dậu” phía Bắc bảo vệ kinh thành Thăng Long, gắn bó mật thiết với tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Dưới thời Lý – Trần, nơi đây đã trở thành một trung tâm Phật giáo quan trọng, ghi dấu sự phát triển rực rỡ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Các di sản văn hóa của Bắc Giang thời kỳ này được thể hiện trên hai phương diện. Về văn hóa vật thể gồm hệ thống chùa, tháp cổ, như Vĩnh Nghiêm, Am Vãi, Hồ Thiên, Mã Yên, Hồ Bấc…
Đây không chỉ là những danh lam cổ tự mang dấu ấn lịch sử – văn hóa lâu đời, còn phản ánh sự hưng thịnh của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Những công trình này do chính các vị tổ của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử xây dựng, trùng tu và phát triển, tạo nên không gian tu hành và truyền bá Phật pháp rộng lớn.
Về văn hóa phi vật thể, Bắc Giang là nơi lưu giữ tư tưởng, triết lý Phật giáo Trúc Lâm, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần và văn hóa dân tộc.
Trong đó, triết học, ngôn ngữ, văn học Phật giáo thời Lý – Trần với tư tưởng Thiền tông đã góp phần tạo nên nền tảng quan trọng cho văn học nước nhà; đồng thời, đóng vai trò to lớn trong công cuộc bảo vệ đất nước, hun đúc lòng yêu nước và tinh thần tự tôn dân tộc.
Ngoài ra, nằm trong không gian trưng bày là hệ thống các di tích lịch sử tiêu biểu bên sườn Tây Yên Tử, nằm trên tuyến du lịch phục dựng lại “Con đường Hoằng dương Phật pháp của các vị tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử”.
Tại đây lưu lại những dấu ấn về Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử trên các văn bia, di vật được phát hiện qua các cuộc khảo sát, điều tra khai quật khảo cổ học tại các di tích như: Chùa Vĩnh Nghiêm; hệ thống các chùa Yên Mã, chùa Hòn Tháp, chùa Bình Long, chùa Hồ Bấc, chùa Đám Trì…
Lãnh đạo Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh sẽ định hướng xây dựng hệ thống di tích này thành những sản phẩm du lịch tâm linh trong thời gian tới.
Trong dịp này, Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Bắc Giang còn tổ chức trưng bày, giới thiệu các tác phẩm tham gia Cuộc thi ảnh đẹp du lịch Bắc Giang, giới thiệu sản phẩm đặc sản của tỉnh, cung cấp thông tin du lịch tỉnh Bắc Giang.
Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh Bắc Giang năm 2025 diễn ra trong 6 ngày (từ ngày 8 đến 13/2). Lễ khai mạc sự kiện này và khai hội Xuân Tây Yên Tử sẽ diễn ra vào 9h ngày mai, 9/2 (tức 12 tháng Giêng) tại Khu Du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử.
Thế Vũ
Nguồn: https://www.congluan.vn/gioi-thieu-hon-150-hinh-anh-hien-vat-phat-giao-thoi-ly–tran-tai-bac-giang-post333634.html