Điểm đến du lịch say lòng du khách

Hà Giang được biết đến với nhiều địa danh nổi tiếng như Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, đèo Mã Pí Lèng – một trong những “tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam, núi đôi Quản Bạ, hẻm vực Tu Sản, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì… Đây là những tài sản vô giá mà 19 dân tộc anh em tỉnh Hà Giang, trải qua nhiều thế hệ đã cùng nhau truyền thừa, lưu giữ tạo nên nét văn hóa, đặc trưng của dân tộc mình, vẽ nên một bức tranh văn hóa đa sắc màu độc đáo, tạo sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách.

Không chỉ hút hồn du khách bởi thiên nhiên hùng tráng, đến với Hà Giang du khách còn được đắm mình giữa thảo nguyên bao la, lạc vào ngôi làng như Lô Lô Chải, Nặm Đăm hay Lũng Cẩm Trên… nơi có những căn nhà nhỏ xinh được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống trình tường đất, lợp mái ngói âm dương, hòa mình cùng người dân bản địa với nền văn hóa đa sắc màu.  

Hay những bộ trang phục thêu hoa văn cầu kỳ được làm bằng những nguyên liệu tự nhiên từ chính đôi tay của người phụ nữ, là những bộ trang sức bạc được trạm khắc tỉ mỉ công phu, hay thưởng thức ẩm thực truyền thống mang phong vị đặc trưng của các dân tộc vùng cao.

IMG_8645.jpg

Những bước tiến mạnh mẽ

Thời gian qua Hà Giang tập trung xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh cao, theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả đảm bảo phát triển du lịch xanh bền vững. 

Đặc biệt, các sản phẩm du lịch của Hà Giang được khai thác kéo dài quanh năm, khắc phục hoàn toàn tính mùa vụ, trải đều với ba không gian Đông Bắc, Tây Nam và khu trung tâm, trong đó sản phẩm chủ đạo xuyên suốt 12 tháng trong năm là những giá trị văn hóa bản địa của 19 dân tộc gắn với mô hình các làng văn hoá du lịch; cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và các giá trị địa chất địa mạo.

Hà Giang đồng thời tổ chức nhiều lễ hội, chương trình, hội nghị xúc tiến du lịch có tính liên kết vùng, khu vực, qua đó từng bước nâng tầm thương hiệu du lịch xứ sở cao nguyên đá.

Tỉnh đã chủ động tham gia các hoạt động, sự kiện với các địa phương có thị trường du lịch tiềm năng, đặc biệt là 6 tỉnh Việt Bắc và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng; tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư nhằm mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia xây dựng các dự án phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh; tham gia các hoạt động trong chương trình, lễ hội, liên hoan do Trung ương và khu vực tổ chức, ký kết với các đơn vị, địa phương hợp tác phát triển du lịch, xây dựng sản phẩm, xúc tiến quảng bá… 

Song song đó, chủ động mở rộng thị trường phát triển du lịch quốc tế, trong đó tiêu biểu là hợp tác phát triển văn hóa, du lịch với tỉnh Vân Nam và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). 

Việc hợp tác thông qua các hoạt động cùng tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, tham gia các sự kiện văn hóa, du lịch lớn của nhau; cùng xây dựng, khai thác tuyến du lịch; phối hợp tổ chức các đoàn doanh nghiệp du lịch sang khảo sát các tuyến du lịch và tổ chức diễn đàn trao đổi thông tin du lịch; triển khai kế hoạch khảo sát xây dựng sản phẩm kết nối tuyến du lịch Hà Giang (Việt Nam) với Châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). 

tích cực liên kết, mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia nằm trong mạng lưới công viên địa chất toàn cầu như Pháp, Đức, Canada, Australia…; tham gia chương trình phát động thị trường du lịch tại Nhật Bản.

Với mục tiêu đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư phát triển du lịch, chỉ tính riêng từ 2016 đến 2020, Hà Giang đã đầu tư từ nguồn ngân sách trung ương và địa phương hơn 1.200 tỷ đồng cho các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh; thu hút 500 tỷ đồng nguồn vốn xã hội hóa từ doanh nghiệp, tư nhân đầu tư vào các khu du lịch sinh thái, cơ sở lưu trú, làng văn hóa du lịch cộng đồng. 

Đến nay, hệ thống hạ tầng du lịch Hà Giang không ngừng phát triển với 90 điểm du lịch đang hoạt động, trong đó có 16 điểm đã được công nhận và 84 điểm chưa được công nhận theo 4 loại hình gồm: 29 điểm du lịch văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh; 36 điểm du lịch cộng đồng, làng nghề; 17 điểm du lịch tâm linh; 8 điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí.

Điểm đến hàng đầu trong nước và châu Á

Năm 2024, tỉnh Hà Giang vinh dự được Tổ chức giải thưởng Du lịch Thế giới vinh danh là “Điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu châu Á năm 2024”. Đây là hạng mục quan trọng trong hệ thống các giải thưởng của WTA, tập trung đánh giá các tiêu chí liên quan như bảo tồn văn hóa và phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái tự nhiên.

Được biết đến như giải “Oscars của ngành Du lịch thế giới”, World Travel Awards (WTA) là giải thưởng hàng đầu thế giới trong ngành Du lịch được tổ chức thường niên kể từ năm 1993 đến nay, nhằm tôn vinh các thành tựu xuất sắc của ngành Du lịch trên mọi lĩnh vực. 

Sau một thời gian được WTA tổ chức bình chọn, đánh giá, Hà Giang vinh dự được trao tặng danh hiệu “Điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu châu Á năm 2024”. Đó là sự ghi nhận cho những nỗ lực của tỉnh trong việc xây dựng hình ảnh, phát triển một cách đúng hướng, trọng tâm, bền vững; đồng thời cũng là động lực để Hà Giang tiếp tục tăng cường các giải pháp thực hiện đồng bộ, phát huy danh hiệu, thành quả đạt được, nâng tầm, khẳng định vị trí của địa phương trên bản đồ du lịch khu vực và quốc tế trong thời gian tới.

Bích Đào