Ngày 7/2, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) đã tiến hành phiên họp đặc biệt về tình hình leo thang bạo lực tại CHDC Congo.
![]() |
Các số liệu mới nhất cho thấy, bạo lực ở CHDC Congo đã khiến ít nhất 700.000 người phải di dời, ít nhất 900 người thiệt mạng và khoảng 2.000 người bị thương tại thành phố Goma và các khu vực lân cận kể từ đầu năm nay. (Nguồn: X) |
Phát biểu mở đầu phiên họp, Cao ủy Nhân quyền LHQ Volker Turk bày tỏ lo ngại về tình trạng bạo lực leo thang tại miền Đông CHDC Congo, đồng thời cảnh báo hậu quả không chỉ đối với người dân địa phương mà còn đối với toàn bộ khu vực.
Ông kêu gọi các bên liên quan ngừng giao tranh, nối lại đối thoại, tăng cường nỗ lực ngăn chặn xung đột và hỗ trợ các tiến trình hòa bình.
Quan chức trên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì luật pháp quốc tế về quyền con người và nhân đạo.
Trong khi đó, các chuyên gia về nhân quyền của LHQ cũng bày tỏ quan ngại về sự an toàn và điều kiện sống của dân thường phải di dời tại miền Đông CHDC Congo, nơi đang chứng kiến giao tranh dữ dội giữa nhóm vũ trang M23 và quân đội.
Tuần trước, các chiến binh M23 và quân đội Rwanda đã chiếm Goma, thủ phủ của tỉnh Bắc Kivu, một khu vực giàu khoáng sản đã bị tàn phá bởi chiến tranh trong hơn 3 thập niên, và hiện đang tiến vào Nam Kivu.
Các số liệu mới nhất cho thấy, bạo lực đã khiến ít nhất 700.000 người phải di dời, ít nhất 900 người thiệt mạng và khoảng 2.000 người bị thương tại thành phố Goma và các khu vực lân cận kể từ đầu năm nay.
Tại phiên họp, 47 quốc gia thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ đã nhất trí thông qua một nghị quyết ra lệnh điều tra, yêu cầu M23 rút khỏi các khu vực bị chiếm đóng và quân đội Rwanda rút khỏi lãnh thổ CHDC Congo.
Nghị quyết kêu gọi thực hiện các biện pháp ngăn chặn “việc khai thác tài nguyên thiên nhiên bất hợp pháp” trong khu vực, đồng thời “lên án mạnh mẽ sự hỗ trợ về quân sự và hậu cần của Rwanda” cho M23, yêu cầu hai thế lực này “ngay lập tức chấm dứt các hành vi vi phạm nhân quyền”.
Hội đồng cũng yêu cầu các tay súng “ngay lập tức chấm dứt mọi hành động thù địch và rút khỏi các khu vực bị chiếm đóng”, đồng thời thúc giục họ bảo đảm việc người dân được tiếp cận viện trợ nhân đạo mà không bị cản trở.
Trong khi đó, Đại sứ James Ngango – Trưởng phái đoàn Rwanda tại Geneva (Thụy Sỹ) – phát biểu rằng, đất nước của ông không phải chịu trách nhiệm về tình trạng bất ổn ở CHDC Congo và tuyên bố có bằng chứng về “một cuộc tấn công quy mô lớn sắp xảy ra nhằm vào Rwanda”.
Ngoài ra, ông Ngango cho biết, Rwanda cam kết giải quyết xung đột bằng đối thoại chính trị và “có những lời dối trá được lan truyền rằng tài nguyên khoáng sản là nguyên nhân”.
Nguồn: https://baoquocte.vn/lhq-hop-khan-ve-tinh-hinh-chdc-congo-yeu-cau-rwanda-rut-quan-303611.html