“Theo hướng dẫn của Thông tư 29, thời lượng dạy thêm ở trường rất ít, chỉ 2 tiết/tuần/môn thi (giảm nửa thời lượng) không đủ để học sinh cuối cấp ôn thi. Dạy không công cũng làm khó giáo viên”, một hiệu trưởng cho hay.
Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ 14/2/2025 đã tác động không nhỏ tới học sinh, giáo viên các nhà trường. Nhiều phụ huynh cũng lo lắng khi việc dừng dạy thêm có thể khiến học sinh cuối cấp gặp khó khăn trong quá trình ôn thi.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Thuý – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Phong Sắc (Hà Nội) cho hay: “Học sinh lớp 9 chỉ còn vài tháng là bước vào kỳ thi lớp 10, trong khi năm nay các em bắt đầu thi chương trình mới. Theo hướng dẫn của Thông tư 29, thời lượng dạy thêm ở nhà trường rất ít, chỉ 2 tiết/tuần/môn thi (giảm một nửa thời lượng), không đủ để học sinh ôn tập cũng như củng cố kiến thức.
Hơn nữa, Thông tư quy định, với học sinh cuối cấp, nhà trường dạy 2 tiết/tuần nhưng không được thu tiền của phụ huynh. Việc dạy học mất thời gian, công sức mà không công sẽ làm khó cho giáo viên. Hiện tại trường tôi đang vận động giáo viên dạy học sinh theo đúng hướng dẫn để duy trì việc ôn tập chuẩn bị thi. Còn nguồn nào chi trả lương cho giáo viên thì chưa biết”.
Bà Thúy thừa nhận mục tiêu của thông tư đúng nhưng chưa sát thực tế, bởi học thêm là nguyện vọng của học sinh, hiện nay vẫn áp lực thi cử mà không học thêm sẽ rất khó.
“Thông thường như các năm trước, khoảng cuối tháng 4 – khi học sinh đã hoàn thành các môn học khác – nhà trường sẽ sắp xếp dạy tăng cường môn thi lớp 10. Nhưng với tình hình này, có thêm thời gian cũng không được dạy tăng cường”, bà Thúy lo lắng.
Bà Nguyễn Thị Minh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Dịch Vọng Hậu (Hà Nội) cho biết, hiện nay nhà trường làm theo đúng Thông tư 29 là cho học sinh khối 9 ôn tập môn Toán, Văn không quá 2 tiết/tuần. “Tất nhiên cũng có khó khăn nhưng tôi nghĩ khó là khó chung, với tình hình như hiện nay sẽ tuỳ thuộc vào ý thức tự học của mỗi học sinh”, bà nói.
Ông Nguyễn Công Sở – Hiệu trưởng Trường THPT Lê Văn Thiêm (Hà Nội) chia sẻ, với Thông tư 29, các trường phải co cụm gói gém công việc để tránh vi phạm quy đinhh, buộc phải dạy các tiết cơ bản theo chương trình khung trên lớp.
“Thực tế không trường nào không tăng tiết đối với các môn dự thi tốt nghiệp, cụ thể 2 môn Toán, Văn đa số tăng gấp đôi… Ở trường Lê Văn Thiêm, chúng tôi áp dụng tăng tiết cho học sinh từ lớp 10 và không thu phí của phụ huynh. Nhưng ngoài Toán, Văn, đối với 2 môn học lựa chọn sẽ gặp nhiều khó khăn, vì đến lớp 12 các em mới được bổ túc kiến thức. Thông tư 29 quy định vậy, các trường đang loay hoay xử lý thế nào để các em có thể tăng cường thời lượng ôn tập”, ông Sở chia sẻ.
Hiệu trưởng một trường THPT tại Hải Phòng cho rằng, Thông tư 29 áp dụng thực tế sẽ có những khó khăn riêng với từng đối tượng. Đối với học sinh, việc học để đảm bảo yêu cầu cần đạt, đại đa số các em đều đáp ứng được. Tuy nhiên mục tiêu của việc học không chỉ dừng lại ở yêu cầu cần đạt của chương trình, học sinh còn cần kiến thức sâu, rộng hơn để tham gia các kỳ thi khác ngoài tốt nghiệp THPT. Trong khi đó, việc học trên lớp chỉ đáp ứng được cho số rất ít học sinh khá, giỏi. Vì vậy nhiều em sẽ phải tìm lớp học và giáo viên dạy ngoài nhà trường.
Đối với phụ huynh, đa số cha mẹ mong muốn con được học trong nhà trường để đảm bảo an toàn và tiết kiệm hơn. Do các trung tâm phải đầu tư nguồn kinh phí lớn để xây dựng nên thường mức thu gấp 5-10 lần so với trong nhà trường. Do vậy gánh nặng tài chính đối với phụ huynh sẽ lớn hơn rất nhiều.
Nhà trường cũng đối mặt với bài toán khó. Thông thường, chương trình giáo dục đối với lớp 12 kết thúc vào 15-20/5, sau đó trường sẽ tổ chức ôn thi cho học sinh trên tinh thần tự nguyện và có thu phí. Từ năm học 2024-2025 trở đi, theo Thông tư 29, việc ôn thi tốt nghiệp không được thu phí, trong khi nguồn ngân sách cấp không có nội dung chi cho công tác ôn thi, nên các trường không có nguồn chi trả cho giáo viên dạy ôn.
Ngoài ra, khi không được dạy thêm trong trường, nhiều giáo viên dạy chất lượng, được phụ huynh và học sinh tín nhiệm có thể sẽ dạy ở các trung tâm nên nhà trường rất khó huy động thầy cô dạy không công trong nhà trường.
Theo vị hiệu trưởng này, quá trình ôn thi tốt nghiệp đòi hỏi thời gian dài liên tục, với số lượng lớp lớn, học sinh đông (mỗi giáo viên có thể dạy 1-3 hoặc 4 lớp, tương đương 40-200 học sinh) nên việc dạy không có thù lao thực sự rất khó để thầy cô gác các công việc có thu nhập khác, tập trung cho việc dạy ôn.
![daythembogd.jpg](https://static-images.vnncdn.net/vps_images_publish/000001/000003/2025/2/7/daythembogd-119682.jpg?width=0&s=6ha6x_ud8d_xGia2qH3z8g)
![Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm trường hợp vi phạm dạy thêm, học thêm](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/1738966573_320_Hieu-truong-Day-them-on-thi-khong-thu-tien-se.jpg)
Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm trường hợp vi phạm dạy thêm, học thêm
![Trường dừng dạy thêm, phụ huynh sấp ngửa tìm 'cửa' mới cho con học thêm](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/1738966574_420_Hieu-truong-Day-them-on-thi-khong-thu-tien-se.jpg)
Trường dừng dạy thêm, phụ huynh sấp ngửa tìm ‘cửa’ mới cho con học thêm
Nguồn: https://vietnamnet.vn/hieu-truong-day-them-on-thi-khong-thu-tien-se-lam-kho-giao-vien-2369399.html