Nga tiến công cầm chừng, Ukraine “gật gù’ với đàm phán và nghĩ tới một ngày đối thoại với Tổng thống Putin, gạt bỏ đi những hận thù để hướng đến hòa bình… đó là những điều khó có thể nghĩ đến nếu như ‘ông Trump không đến’.
Tổng thống Mỹ Donald Trump là nhân tố có thể xoay chuyển tình hình xung đột Nga-Ukraine, tác động trực tiếp tới quan điểm của Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine Zenlensky. (Nguồn: Sputnik) |
Thực địa ở thế giằng co
Thời gian qua, lực lượng Nga tiếp tục tăng cường tấn công trên toàn mặt trận nhưng không có nhiều thành quả. Do đó, Moscow đang quyết tâm chiếm được càng nhiều lãnh thổ càng tốt khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thúc đẩy các cuộc đàm phán để chấm dứt xung đột.
Binh lính Ukraine ở Pokrovsk cho biết lực lượng Nga đã thay đổi chiến thuật trong những tuần gần đây, tấn công vào sườn của họ thay vì trực diện để tạo thành thế gọng kìm quanh thành phố.
Với việc người Nga kiểm soát các cao điểm, các tuyến đường tiếp tế của Ukraine hiện nằm trong tầm hỏa lực của Quân đội Nga.
Sương mù dày đặc trong những ngày gần đây đã ngăn cản binh lính Ukraine sử dụng drone giám sát hiệu quả, cho phép Nga củng cố và chiếm thêm lãnh thổ.
Trong khi đó, các chỉ huy Ukraine cho biết họ không có đủ lực lượng dự bị để duy trì các tuyến phòng thủ và các đơn vị bộ binh mới không thể thực hiện các hoạt động.
Theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ, lực lượng Nga đã chiếm 430 km2 lãnh thổ Ukraine vào tháng 1 và đang hướng đến trung tâm hậu cần của Pokrovsk.
Điều này đánh dấu sự chậm lại so với những tháng trước, sau khi tiến quân kỷ lục 725 km2 vào tháng 11 và 476 km2 vào tháng 12.
Về phần mình, Quân đội Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công vào một căn cứ không quân Nga ở Krasnodar Krai vào đêm 5 rạng sáng 6/2 như một phần của chiến dịch tấn công nhằm vào các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng và nhà máy lọc dầu của Nga.
Các đối tác phương Tây tiếp tục cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu tuyên bố vào ngày 6/2 rằng Pháp đã chuyển giao một số lượng không xác định máy bay chiến đấu Mirage 2000-5 của Pháp cho Ukraine – lô máy bay phản lực Mirage đầu tiên mà Ukraine đã nhận được.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov cũng tuyên bố rằng Hà Lan gần đây đã chuyển giao một số lượng không xác định máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất cho Ukraine.
Xung đột Nga-Ukraine trên thực địa vẫn ở thế giằng co. (Ảnh: Getty Images) |
Kịch bản khả thi, ai có lợi nhất?
Mạng tin của Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế (IARI) của Italy ngày 6/2 cho biết trong những ngày gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ ý định đàm phán và mong muốn gặp gỡ để chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Hiện các nhà lãnh đạo vẫn chưa đưa ra kế hoạch gì và cả hai bên đều biết rằng khung thời gian để đạt được mục tiêu này còn rất dài.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump, với ý định đẩy nhanh tiến trình, đã tuyên bố rằng nếu người đồng cấp Nga không đàm phán với Ukraine, ông sẽ buộc phải áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Moscow.
Chính quyền Tổng thống Trump vẫn chưa công bố kế hoạch chi tiết để thảo luận với người đồng cấp Nga.
Tuy nhiên, dựa trên các đề xuất do Đặc phái viên Mỹ về Ukraine và Nga Keith Kellogg và Phó Tổng thống James David Vance đưa ra, chúng ta có thể nghĩ đến một kịch bản khả thi: Thực hiện lệnh ngừng bắn; thương lượng với Moscow các vùng lãnh thổ mà họ hiện đang kiểm soát trên lãnh thổ Ukraine; chặn tư cách thành viên NATO của Ukraine vô thời hạn; giảm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga; tạo ra một khu vực phi quân sự, “được củng cố mạnh mẽ” trên biên giới giữa Ukraine và Nga, nhằm đóng băng xung đột, với khả năng các lực lượng quân sự phương Tây sẽ tuần tra để giám sát và duy trì lệnh ngừng bắn.
Song song với các giải pháp đàm phán, chính quyền Tổng thống Trump còn hướng tới một mục tiêu khác là đất hiếm của Ukraine.
Ngày 3/2, ông Trump cho biết muốn đàm phán một “thoả thuận” với Ukraine theo hướng là Kiev “bảo đảm” nguồn cung cấp đất hiếm cho Mỹ, đổi lại Washington sẽ tiếp tục viện trợ cho Ukraine.
Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 4/2 đã ngay lập tức “hưởng ứng” đề xuất của ông Trump, tuyên bố Ukraine sẵn sàng tiếp nhận “đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ” để khai thác đất hiếm, những kim loại có tính chất chiến lược đối với Mỹ nói riêng và cho cả thế giới nói chung.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có những tuyên bố “dịu giọng” với Nga. (Nguồn: Moscow Times) |
Cái “gật đầu” của Tổng thống Zenlensky
Trước sức ép từ Mỹ và tính toán dựa trên thực địa trong xung đột với Nga, Ukraine đã tỏ ra “dịu giọng” với những tuyên bố mở ra nhiều hướng giải quyết khả thi.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn nhà báo người Anh Pier Morgan, được công bố ngày 4/2, Tổng thống Zelensky nói rằng, Ukraine muốn kết thúc “giai đoạn nóng” của cuộc xung đột và việc sẵn lòng đàm phán với Nga là một sự nhượng bộ.
“Chúng tôi sẽ nói chuyện với ông Putin. Ngay cả việc đối thoại với ông Putin cũng là một sự nhượng bộ”, Tổng thống Ukraine nói.
Khi được hỏi ông sẽ cảm thấy như thế nào khi ngồi đối diện Tổng thống Nga Putin trong một cuộc gặp trực tiếp, ông Zelensky trả lời rằng ông gạt bỏ cảm xúc cá nhân của mình trong vấn đề này.
“Nếu đó là phương án duy nhất có thể mang lại hòa bình cho người dân Ukraine và không mất thêm người, chắc chắn chúng tôi sẽ lựa chọn phương án đó. Vậy thì thái độ của tôi với ông ấy có ý nghĩa gì?”, ông Zelensky nói.
Ông Zelensky nhấn mạnh, quá trình đàm phán với Nga cần phải bao gồm Ukraine, Mỹ, Liên minh châu Âu và Nga. Ông cũng cho biết, Kiev không sẵn lòng công nhận bất kỳ vùng lãnh thổ Ukraine nào đang do Nga kiểm soát là của Moscow.
“Chắc chắn, Mỹ, Tổng thống Donald Trump và các nước Liên minh châu Âu tin rằng biện pháp ngoại giao là không khả thi nếu không có Nga và Tổng thống Putin. Vì vậy, tôi nói rằng tôi đã sẵn sàng nếu chúng ta hiểu được cuộc xung đột này sẽ kết thúc như thế nào”, Tổng thống Zelensky tuyên bố ngày 6/2.
“Chúng tôi đã sẵn sàng cho biện pháp ngoại giao. Tôi không có vấn đề gì với điều đó. Tôi cho rằng vấn đề là ông Putin sợ đối thoại với tôi về việc chấm dứt xung đột. Dù sao, tôi nghĩ ông Trump có thể sẽ buộc ông Putin chấm dứt xung đột”, ông Zelensky nói thêm.
Tổng thống Zelensky cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của một nền hòa bình bền vững với các đảm bảo an ninh mạnh mẽ. Ông cho biết đã trao đổi với Mỹ về vấn đề này.
Những tuyên bố trên dường như cho thấy có sự thay đổi trong quan điểm của ông Zelensky. Trước đây, ông nhiều lần từ chối đàm phán với nhà lãnh đạo Nga và thậm chí đã ký một sắc lệnh cấm mọi cuộc đàm phán với Moscow, đặc biệt là Tổng thống Putin.
Tổng thống Donald Trump là nhân tố quan trọng tác động trực tiếp tới quan điểm, lập trường của cả Nga và Ukraine, thắp sáng hy vọng về một giải pháp hòa bình cho xung đột.
Nguồn: https://baoquocte.vn/tinh-hinh-xung-dot-nga-ukraine-tu-ngay-co-ong-trump-303555.html