Ngày 7/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo.
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 9 chương, 46 điều, giảm 4 điều so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 8.
Theo ông Vinh, có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi áp dụng đối với nhân viên trường học, nhà giáo nghỉ hưu tham gia thỉnh giảng, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục; có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định đối tượng điều chỉnh đối với cán bộ, nghiên cứu viên trong các viện hàn lâm, viện do Thủ tướng Chính phủ thành lập được phép đào tạo trình độ tiến sĩ để bảo đảm thống nhất với quy định trong Luật Giáo dục hiện hành theo hướng loại trừ các đối tượng này.
Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục cho rằng, khoản 1 Điều 2 dự thảo Luật Nhà giáo đã quy định rõ về đối tượng nhà giáo thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này theo các tiêu chí “được tuyển dụng”, “làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục”, “trong cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân”.
Về chính sách nghỉ hưu trước tuổi đối với giáo viên mầm non (Điều 28), nhiều ý kiến tán thành chính sách được nghỉ hưu trước tuổi theo quy định của pháp luật đối với giáo viên mầm non; đề nghị bổ sung tiêu chí nhà giáo phải có thời gian đóng BHXH từ 20 năm trở lên mới được nghỉ hưu trước tuổi và không bị trừ tỷ lệ tiền lương hưu được hưởng; có ý kiến băn khoăn về nguồn lực bảo đảm thực hiện chính sách này và cho rằng phải bảo đảm nguyên tắc có đóng, có hưởng theo Luật BHXH.
Thường trực Ủy ban cho rằng, việc cho phép giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm so với độ tuổi quy định của pháp luật là chính sách được xây dựng dựa trên đặc thù trong hoạt động nghề nghiệp của đối tượng này và phù hợp với đặc thù người học là trẻ mầm non.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, khoản 2 Điều 28 dự thảo Luật đã chỉnh lý và bổ sung quy định nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng thì được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường nhưng không quá 5 năm và không giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi nếu đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên. Đồng thời, dự thảo Luật chỉnh lý sửa đổi, bổ sung khoản 3a sau khoản 3 Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội tại điều khoản chuyển tiếp.
Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh cho rằng, tuổi nghỉ hưu của giáo viên như vậy là phù hợp với quy định của Luật Lao động. Tuy nhiên, hiện giáo viên mầm non lương không cao, nếu nghỉ thì lương hưu sẽ rất thấp. Do đó có thể tính toán tạo điều kiện cho giáo viên mầm non có thể chuyển sang vị trí khác trong vị trí việc làm của ngành giáo dục, hoặc có thể hỗ trợ để giáo viên mầm non tiếp tục tham gia BHXH nhiều hơn để họ hưởng chế độ BHXH cao hơn. “Như trước đây trường hợp cô giáo Lan ở Hà Tĩnh khi nghỉ hưu thì lương hưu còn dưới mức lương cơ sở, lương không đủ sinh sống sau khi nghỉ hưu. Do đó chúng ta cần phải tính toán thêm”-bà Anh cho hay.
Cấm ép buộc học thêm dưới mọi hình thức
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, về những việc không được làm của nhà giáo như: ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức; ép buộc người học nộp các khoản tiền hoặc hiện vật ngoài quy định của pháp luật nếu liệt kê ra thì có thể đủ ở thời điểm hiện tại nhưng có thể thiếu trong tương lai. Do đó cần có nội dung “quét”, và nên giao cho Chính phủ quy định.
Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cũng cho biết, thực tế hiện nay có “muôn hình vạn trạng” nên những hành vi không được làm nếu liệt kê ra có thể đủ ở thời điểm hiện tại nhưng có thể xuất hiện thêm các hành vi khác trong tương lai. Do đó, bà Hải đề nghị trong điều này cần có nội dung “quét”, và giao cho Chính phủ quy định chi tiết.
Bà Hải cũng bày tỏ quan tâm đến quy định không được ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức, không được ép buộc người học nộp các khoản tiền hoặc hiện vật ngoài quy định của pháp luật.
Bà Hải nêu rõ hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định về dạy thêm, học thêm và lấy điểm gốc từ luật này để quy định. “Những hành vi cấm là ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức. Như vậy nếu tự nguyện thì vẫn được? Tôi đề nghị dù là tự nguyện cũng không được thu tiền. Việc này để triệt để với những hình thức trá hình. Việc ép buộc hay không ép buộc cũng khó. Bảo không ép buộc thì phụ huynh phải viết đơn tự nguyện. Thực tế, môi trường giáo dục rất khác. Học sinh là các cháu nhỏ, có thể không muốn đi học nhưng không đi học lại có thể bị phân biệt, đối xử, nhất là các bậc tiểu học, trung học cơ sở”-bà Hải nêu quan điểm, đồng thời đề nghị làm rõ hơn hành vi bị cấm là ép buộc người học tham gia dưới mọi hình thức. Nếu tự nguyện thì cũng không thu tiền. Còn trong trường hợp học sinh muốn học thêm thì đăng ký ra trung tâm. Các thầy cô giáo có thể đăng ký để dạy ở đó. Tất cả phải thực hiện nghĩa vụ tài chính như thuế thu nhập cá nhân. Người học cũng có thể lựa chọn bình đẳng ở các trung tâm bồi dưỡng.
Nguồn: https://daidoanket.vn/de-nghi-lam-ro-hanh-vi-ep-buoc-hoc-them-duoi-moi-hinh-thuc-10299469.html