Theo Bộ Công Thương, tính đến 6/2/2025, cả nước có 158 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.
Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương vừa công bố Danh sách thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đến ngày 6/2/2025.
Tính theo địa phương, TP Hồ Chí Minh hiện là địa phương có số lượng thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo lớn nhất cả nước với 39 thương nhân.
Tiếp theo là Cần Thơ với 34 thương nhân; Long An 20 thương nhân; An Giang 15 thương nhân; Đồng Tháp 14 thương nhân.
Nhiều địa phương chỉ có 1 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, gồm: Bạc Liêu, Bình Định, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Nghệ An, Thanh Hoá.
![]() |
Cả nước hiện có 158 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo |
Trước đó, theo danh sách tính đến ngày 8/10/2024, cả nước có 157 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo. Như vậy, theo danh sách mới nhất, số thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo đã tăng thêm 1 doanh nghiệp.
Về hoạt động xuất khẩu gạo, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo tháng 1/2025 đạt 500 nghìn tấn và 308 triệu USD, tăng 1% về khối lượng nhưng giảm 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024.
Đáng chú ý, giá gạo hiện nay đang giảm khá sâu so với năm 2024. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cập nhật thông tin giá gạo xuất khẩu mới nhất cho hay, gạo 5% tấm ngày 6/2 đứng ở mức 399 USD/tấn, giảm 5 USD/tấn so với ngày trước đó; gạo 25% đứng ở mức 371 USD/tấn, giảm 6 USD/tấn so với ngày trước đó; gạo 100% tấm đứng ở mức 313 USD/tấn, giảm 5 USD/tấn so với ngày trước đó.
Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương quý IV năm 2024 và gặp mặt các cơ quan báo chí nhân dịp năm mới 2025 ngày 7/1/2025, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thông tin, năm 2024, nước ta đạt kỷ lục về xuất khẩu gạo. Tính chung cả năm, nước ta xuất khẩu 9,18 triệu tấn, kim ngạch 5,75 tỷ USD, con số cao nhất từ trước đến nay. Xuất khẩu gạo đạt tăng trưởng 12% về lượng và 23% về giá.
Thời gian qua, ông Trần Thanh Hải cho biết, doanh nghiệp Việt Nam đã tập trung nâng cao chất lượng gạo và xây dựng thương hiệu gạo khá tốt, từ đó đã tìm kiếm được những thị trường truyền thống như Indonesia, Philippines…
Về đơn giá, năm 2024 nước ta đạt đơn giá xuất khẩu bình quân 627 USD/tấn (trước đây dưới 600 USD/tấn), tăng 9% so với năm ngoái.
Tuy nhiên, hiện nay, do Ấn Độ đã bãi bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu gạo, lượng gạo Ấn Độ dồi dào tạo ra sức ép trên thị trường, khiến giá gạo có xu hướng giảm. Giá gạo xuất khẩu bình quân trước đây lên tới 623 USD/tấn thì nay chỉ còn 441 USD/tấn, giá gạo giảm là do Ấn Độ mở cửa xuất khẩu gạo trở lại, cùng với đó là một số quốc gia đã tự túc được một phần lương thực.
Ở giai đoạn này, ông Trần Thanh Hải cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần sự hỗ trợ vốn từ ngân hàng. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng cần hoàn thuế xuất khẩu sớm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Với vai trò quản lý nhà nước, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh triển khai các giải pháp xúc tiến xuất khẩu gạo để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này.
Đầu năm 2025, Bộ Công Thương đã xây dựng, trình Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 01/2025/NĐ-CP ngày 1/1/2025 sửa đổi Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo. Nghị định được kỳ vọng sẽ giúp hoạt động xuất khẩu gạo khởi sắc hơn.
Ngay sau đó, Bộ Công Thương ban hành Dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 30/2018/TT-BCT ngày 01 tháng 10 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Xem danh sách thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo đến 6/2/2025 tại đây.
Nguồn: https://congthuong.vn/danh-sach-thuong-nhan-kinh-doanh-xuat-khau-gao-den-622025-372711.html