Có nhiều lý do để ngành nhân sự ví những tháng sau Tết, tháng 1 và 2 là ‘thời điểm vàng’, lý tưởng nhất để nhảy việc, từ nhu cầu thị trường đầu năm, doanh nghiệp tái cơ cấu bộ máy, người lao động vừa lãnh tháng lương 13…
![Vào 'thời điểm vàng' nhảy việc sau Tết, thị trường việc làm sôi sục - Ảnh 1.](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/Vao-thoi-diem-vang-nhay-viec-sau-Tet-thi-truong.jpeg)
Tháng 1 và 2 đầu năm luôn được cho là “thời điểm vàng” nhảy việc. Trong ảnh: sinh viên tìm việc tại ngày hội việc làm của Trường đại học Công nghệ TP.HCM – Ảnh minh họa: CÔNG TRIỆU
Thời điểm này, các bài đăng việc tìm người, người tìm việc xuất hiện với tần suất dày đặc khắp cõi mạng, các diễn đàn tìm việc lớn trong nước, cũng là một minh chứng cho việc có rất nhiều người nhảy việc trước đó.
Lãnh tháng lương 13 rồi nhảy việc
Kết nối thông qua một diễn đàn việc làm trực tuyến có gần 1 triệu thành viên, chị Thùy (31 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết đang có nhu cầu tìm việc mới. Chị giới thiệu bản thân có nhiều năm sale bất động sản, sở hữu tập khách hàng lớn và có tài chính…
Chị kể vừa lãnh xong lương tháng 13, “đính kèm bao tâm sự về những khó khăn từ sếp”, thấy mông lung với nghề nên chị nghỉ việc. “Thị trường bất động sản đang khó nên tôi muốn thử sức với công việc mới, sẵn sàng với bất kỳ ngành nghề nào”, chị Thùy cho hay.
Anh Hoàng Hải (chuyên viên truyền thông) cho biết cũng vừa nhận xong lương tháng 13 và nghỉ việc từ trước Tết. Để tránh “rảnh tay” trong thời gian nghỉ việc, nghỉ Tết, anh Hải nhận dự án bên ngoài theo dạng bán thời gian. “Tôi cũng muốn vào TP.HCM vì ở quê (Bình Định) chán quá, nhưng tìm từ Tết tới nay chưa có”, anh Hoàng Hải nói.
Không riêng những người làm công việc giản đơn hay lao động phổ thông, không ít nhân sự cấp trung, cấp cao cũng đang “gia nhập” làn sóng nhảy việc trước và sau Tết.
Trước Tết Ất Tỵ, chị G. vẫn đang đảm nhiệm vị trí giám đốc mua hàng chuỗi cửa hàng bán lẻ tại TP.HCM. Vừa nghỉ Tết, chị thông báo đã nghỉ việc ở công ty cũ, “nhờ bạn bè trợ duyên đến nơi mới có nhu cầu”.
Chị cho biết chỉ vừa đảm nhiệm công việc giám đốc mua hàng được hơn 8 tháng. Dù công việc đang ổn, lương khá cao nhưng vì chưa nhìn thấy được sự phát triển rõ rệt của doanh nghiệp nên “rút sớm”.
![Vào 'thời điểm vàng' nhảy việc sau Tết, thị trường việc làm sôi sục - Ảnh 2.](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/1738908791_11_Vao-thoi-diem-vang-nhay-viec-sau-Tet-thi-truong.jpeg)
Người tìm việc, việc tìm người luôn tăng trong tháng 1 và 2 hằng năm – Ảnh: CÔNG TRIỆU
Vì sao cứ sau Tết lại có đông người đi tìm việc mới?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, chị Thu Trang – làm việc tại một doanh nghiệp tìm kiếm, cung cấp giải pháp nhân sự ở TP.HCM – nhận định tháng 1 và 2 hằng năm luôn được xem là “thời điểm vàng” lý tưởng để nhảy việc.
Lý do là sau Tết, các doanh nghiệp sẽ bắt đầu cải cách lại bộ máy hành chính, nhu cầu tuyển dụng tăng. Đồng thời, nhiều lao động cũng muốn thay đổi công việc, ngành nghề sau một năm dài.
Xu hướng nhảy việc càng rõ rệt khi các doanh nghiệp đã chi trả lương tháng 13 xong. Người nghỉ việc nhiều thì vị trí trống cũng nhiều, buộc phải tuyển thêm là lý do thị trường việc làm luôn sôi động vào dịp đầu năm.
“Như đến hẹn lại lên, rất nhiều người nhận xong lương tháng 13 thì nghỉ việc, tìm chỗ mới. Nguyên nhân thì nhiều. Vì chán công việc hay môi trường ở đó, tìm chốn mới, thậm chí chỉ vì muốn nghỉ Tết dài ngày hơn”, chị Trang nói.
Có nên nhảy việc ngoài “thời điểm vàng” tháng 1 và 2?
– Các tháng 3 – 4 – 5: Không quá muộn cho nhảy việc
Dù không phải là “thời điểm vàng” để nhảy việc, thế nhưng tháng 3, tháng 4 và tháng 5 được giới nhân sự đánh giá là thời điểm chưa muộn nếu ai đó muốn nhảy việc. Vì thời gian nghỉ Tết kéo dài, nếu chỉ trong 2 tháng đầu năm thì rất khó để doanh nghiệp lẫn ứng viên tìm được nhau. Cho nên cơ hội, vị trí trống được dự báo tại thời điểm các tháng này vẫn còn.
– Tháng 6 – 7 và 8: Tránh nhảy việc
Các tháng hè thường được ví là mùa ảm đạm của ngành tuyển dụng, phần vì các vị trí trống trước đó đã được lấp đầy.
– Tháng 9 – 10: Nếu có ý định, hãy nhảy việc
Khoảng thời gian tháng 9 và 10 không được xem là thời điểm vàng cho nhảy việc. Tuy nhiên vẫn được đánh giá là thời gian tốt để nhảy việc khi mà gần cuối năm, các doanh nghiệp có nhu cầu tăng cường nhân sự để chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm, hoàn thành KPI năm.
– Tháng 11 – 12: “Đừng dại” nhảy việc
Cuối năm cận Tết, gần như mọi doanh nghiệp chỉ muốn tập trung, dồn hết công suất và hoạt động để sản xuất kinh doanh nên việc tuyển dụng bị ngó lơ. Thói quen cấp ngân sách, chỉ tiêu cho tuyển dụng thường chỉ được các “sếp” đưa ra vào đầu năm cũng là một lý do. Ngoài ra, lương tháng 13 sẽ khiến phần lớn người lao động sẽ không “dại” để nhảy việc vào thời điểm này, từ đó mà ghế trống cũng rất ít.
![Vào 'thời điểm vàng' nhảy việc, thị trường việc làm sôi động hơn bao giờ - Ảnh 3.](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/01/1737990308_35_AI-gia-re-cua-Trung-Quoc-khien-cac-ong-lon.png)
Nguồn: https://tuoitre.vn/vao-thoi-diem-vang-nhay-viec-sau-tet-thi-truong-viec-lam-soi-suc-20250206182832938.htm