Ukraine có thể định hình lại bản đồ năng lượng châu Âu và củng cố vai trò của mình trong giai đoạn hậu “kỷ nguyên khí đốt Nga”?
![]() |
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và người đồng cấp Azerbaijan Ilham Aliyev trong cuộc gặp bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sỹ), ngày 22/1. (Nguồn: Văn phòng Tổng thống Azerbaijan) |
Ukraine đang định vị mình là trung tâm vận chuyển khí đốt quan trọng của Azerbaijan đến châu Âu, một động thái có thể thay đổi đáng kể bối cảnh năng lượng của khu vực.
Nếu thành công, điều này sẽ mở ra một vai trò mới cho Kiev sau khi nguồn cung cấp khí đốt của Nga ngừng chảy đến phần còn lại của châu Âu qua Ukraine vào ngày 1/1 vừa qua, đẩy giá năng lượng bán buôn của châu Âu lên cao.
Tham vọng của Ukraine
Việc hết hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt Nga qua Ukraine sang châu Âu vào đầu năm 2025 và quyết định không gia hạn của Kiev đã gây ra những cuộc tranh luận gay gắt trong Liên minh châu Âu (EU) khi các quốc gia như Hungary và Slovakia chỉ trích Ukraine, cáo buộc Kiev châm ngòi cho cuộc khủng hoảng năng lượng mà không có tác động đáng kể nào đến Moscow.
Việc khí đốt Nga ngừng chảy đến châu Âu sẽ buộc Slovakia phải trả thêm 177 triệu Euro phí cho các tuyến đường thay thế, trong khi gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở khu vực ly khai Transnistria của Moldova, nơi đã bị cắt điện dùng để sưởi ấm và cung cấp nước nóng.
Đối với Ukraine, quốc gia này sẽ mất khoản phí tương đương khoảng 0,5% GDP khi chấm dứt hợp đồng trung chuyển và có nguy cơ làm suy yếu vai trò chiến lược của mình trong lĩnh vực năng lượng của lục địa già.
Điều này đã khuyến khích Kiev tìm kiếm những cách thay thế để thúc đẩy lĩnh vực năng lượng của mình và giải quyết những lo ngại của châu Âu liên quan đến cuộc khủng hoảng đang rình rập. Vị trí chiến lược của Ukraine mang đến cơ hội tạo điều kiện thuận lợi cho việc đa dạng hóa năng lượng.
Theo hướng này, Ukraine đã tiếp cận Azerbaijan, một nước xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch lâu năm sang châu Âu, với lời đề nghị vận chuyển khí đốt Azeri đến châu Âu, thay thế một phần khí đốt của Nga. Không giống như đề xuất ban đầu về việc vận chuyển khí đốt của Nga theo thương hiệu “khí đốt Azeri”, lần này, Kiev kiên quyết từ chối vận chuyển bất kỳ khí đốt nào của Nga, ngay cả khi mang các thương hiệu khác nhau.
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky đã có cuộc gặp trực tiếp bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sỹ) vào ngày 22/1 vừa qua. Hai nhà lãnh đạo trao đổi quan điểm về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và các vấn đề an ninh khu vực.
Trong buổi họp báo, Tổng thống Zelensky đã nhiệt tình nhấn mạnh vai trò của Azerbaijan trong lĩnh vực năng lượng của châu Âu, đề cập rằng năng lực xuất khẩu của Baku ở mức 25 tỷ mét khối.
Quan điểm của ông Zelensky có thể gây ngạc nhiên đôi chút khi xem xét tình hình nguy cấp ở thực địa xung đột với Nga và những tiến triển gần đây của Moscow. Bằng cách từ chối tiếp tục vận chuyển khí đốt của Nga và thay vào đó tìm cách vận chuyển khí đốt từ Azerbaijan, Kiev muốn ngăn Moscow hưởng lợi từ việc xuất khẩu khí đốt sang châu Âu.
Những rào cản lớn
Tuy nhiên, bất chấp tham vọng của Ukraine, kế hoạch này phải đối mặt với những rào cản về chính trị, hậu cần và kinh tế, bao gồm cả việc Azerbaijan hiện không thể cung cấp thêm khối lượng khí đốt cho châu Âu.
Theo thỏa thuận năm 2022, Baku cam kết tăng xuất khẩu khí đốt sang EU từ 8,1 tỷ mét khối vào năm 2021 lên 20 tỷ mét khối hằng năm vào năm 2027 đến Nam và Trung Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù Azerbaijan coi châu Âu là thị trường xuất khẩu khí đốt đáng tin cậy, nhưng quan hệ song phương giữa nước này và EU đã trở nên căng thẳng trong hai năm qua do các thành viên của khối thường xuyên chỉ trích Baku, trong khi Azerbaijan cáo buộc EU áp dụng tiêu chuẩn kép.
![]() |
Trạm đo khí đốt Sudzha nằm gần biên giới Nga-Ukraine. (Nguồn: Novaya Gazeta Europe) |
Hơn nữa, các quan chức Azerbaijan đã bày tỏ sự thất vọng về việc EU không muốn ký các hợp đồng khí đốt dài hạn, tuyên bố rằng khối 27 quốc gia thành viên đang đối xử với đất nước thuộc vùng Kavkaz này như một “lính cứu hỏa” bằng cách chỉ cam kết các hợp đồng khí đốt ngắn hạn trong khi yêu cầu tăng khối lượng xuất khẩu trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine.
Sự miễn cưỡng này xuất phát từ cam kết của liên minh trong việc giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050. Tuy nhiên, Baku lập luận rằng, nếu không có các cam kết dài hạn, việc bảo đảm đầu tư cho các dự án năng lượng mới và mở rộng cơ sở hạ tầng vẫn còn là thách thức.
Một hợp đồng dài hạn sẽ cho phép Baku huy động thêm vốn và xây dựng thêm cơ sở hạ tầng để tăng sản lượng khí đốt ở Biển Caspi và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của châu Âu. Điều này chắc chắn sẽ nâng cao vị thế của Azerbaijan trong mối quan hệ với EU, cho phép nước này tận dụng thêm xuất khẩu khí đốt sang châu Âu để đổi lấy các nhượng bộ chính trị.
Hiện tại, tuyến đường được đề xuất để xuất khẩu khí đốt Azeri qua Ukraine sẽ bao gồm việc tận dụng Đường ống xuyên Balkan, chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria, Romania và Ukraine. Cơ sở hạ tầng này trước đây vận chuyển khí đốt của Nga đến Balkan nhưng không được khai thác hết công suất trong những năm gần đây. Bằng cách kết nối với Hành lang khí đốt phía Nam (SGC) của Azerbaijan, Ukraine có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp khí đốt cho các thị trường châu Âu như Ba Lan, Đức và các quốc gia Baltic.
Tuy nhiên, việc mở rộng xuất khẩu khí đốt của Azerbaijan đòi hỏi phải đầu tư thêm vào đường ống và mỏ khí đốt, điều này vẫn chưa chắc chắn nếu không có sự đảm bảo từ người mua dài hạn. Ngoài ra, Baku đã có các cam kết hiện tại với Thổ Nhĩ Kỳ, Italy và Balkan, làm dấy lên câu hỏi về việc liệu có đủ nguồn cung để hỗ trợ hành lang trung chuyển của Ukraine hay không.
Đồng thời, EU vẫn thận trọng về việc tài trợ cho các dự án khí đốt mới, vì lo ngại phản ứng dữ dội từ các nhà hoạt động vì khí hậu và các quốc gia thành viên cam kết chuyển đổi năng lượng xanh. Do đó, thành công lâu dài của sáng kiến này sẽ phụ thuộc vào việc vượt qua sự phản đối về địa chính trị, bảo đảm các cam kết đầu tư của khối và Azerbaijan có đủ năng lực khí đốt để xuất khẩu thêm. Nếu Ukraine có thể vượt qua những rào cản này và bảo đảm các khoản đầu tư cần thiết, họ có thể định hình lại bản đồ năng lượng châu Âu và củng cố vai trò của mình như một trung tâm trung chuyển năng lượng quan trọng trong giai đoạn hậu “kỷ nguyên khí đốt Nga”.
Nguồn: https://baoquocte.vn/tuyet-giao-khi-dot-nga-ukraine-om-mong-lon-voi-dong-nhien-lieu-cua-mot-quoc-gia-kavkaz-nhung-duong-di-khong-trai-hoa-hong-303311.html