Hội chùa Hương, Lễ Khai ấn Đền Trần, Hội Xuân Yên Tử, Lễ hội Đền Hùng… là những lễ hội lớn, đặc sắc du khách không nên bỏ lỡ khi du Xuân ở miền Bắc.
Du Xuân là truyền thống lâu đời của người Việt, đi lễ chùa, dâng hương đầu năm cầu mong cho một năm mới an lành, may mắn. Trong ảnh: Lễ khai hội chùa Hương 2025. (Ảnh: Kim Nhuệ) |
Du xuân đầu năm là phong tục truyền thống của người Việt, không chỉ là dịp nghỉ ngơi mà còn là cơ hội để kết nối với cội nguồn và giá trị văn hóa dân tộc.
Mỗi dịp Tết đến, người dân Việt Nam lại háo hức với phong tục du Xuân, một nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong ngày đầu năm mới. Đây không chỉ là dịp để thưởng thức cảnh sắc mùa Xuân, mà còn là lúc để cầu chúc may mắn và hạnh phúc cho năm mới, như một dịp để chiêm nghiệm, hướng về những giá trị của tâm linh.
Lễ hội truyền thống ở Việt Nam được tổ chức trên khắp các vùng, miền và thường diễn ra sôi động nhất vào mùa Xuân, sau Tết Nguyên đán. Mỗi lễ hội mang một nét tiêu biểu và giá trị riêng, giúp các thế hệ hiểu được công lao tổ tiên, tưởng nhớ cha ông, kính ngưỡng biết ơn tiền nhân, thêm tự hào và gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Nhiều lễ hội lớn đã trở thành thương hiệu văn hóa du lịch, thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách mỗi năm. Nếu có dịp đến với miền Bắc du Xuân, du khách không nên bỏ lỡ 10 lễ hội Xuân đặc sắc.
Lễ hội chùa Hương
Lễ hội chùa Hương là một lễ hội lớn về số lượng các phật tử tham gia hành hương. (Nguồn: VTV) |
Chùa Hương hay còn được biết đến với tên gọi khác là chùa Hương Sơn, là một quần thể danh lam thắng cảnh tọa lạc ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Quần thể chùa Hương được du khách thập phương phong cho danh hiệu “Biệt chiếm nhất Nam thiên”, là một trong những danh lam thắng cảnh đẹp nhất Việt Nam. Nơi đây xưa kia được coi là biểu tượng tín ngưỡng Phật giáo của thủ đô Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung.
Lễ hội chùa Hương là một lễ hội lớn về số lượng các phật tử tham gia hành hương. Lễ hội được tổ chức từ mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 Âm lịch, thường thu hút đông đảo du khách do thời điểm này cảnh sắc và thời tiết đẹp nhất để du khách có thể vãn cảnh.
Lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động nghệ thuật đặc sắc như hát chèo, hát văn bên cạnh đó còn có các cuộc thi mang tính thể thao như leo núi, đua thuyền,…Xưa kia, người dân mở hội chùa Hương với ý nghĩa khai sơn, mở rừng. Ngày nay, lễ hội chùa Hương còn mang ý nghĩa khai chùa, mở chùa để người dân đến đây cầu tài lộc và bình an cho gia đình.
Hội Xuân Yên Tử
Chùa Đồng tên đỉnh núi thiêng Yên Tử. (Ảnh: Hữu Hưng) |
Hội Xuân Yên Tử (Quảng Ninh) thường bắt đầu từ mồng 9 tháng Giêng âm lịch và kéo dài hết 3 tháng mùa Xuân.
Sau phần nghi lễ long trọng của lễ hội được tổ chức dưới chân núi Yên Tử, là cuộc hành hương của hàng vạn người đến với chùa Đồng ở trên đỉnh núi. Du khách đến hội chùa Yên Tử để được tách mình khỏi thế giới trần tục, thực hiện cuộc hành hương về đất Phật giữa thiên nhiên hùng vĩ.
Năm 1299, vua Trần Nhân Tông đã xây dựng nên dòng thiền Trúc Lâm bằng cả một hệ thống lý thuyết và hành động gắn đạo với đời. Ông được coi là vị sư tổ thứ nhất của Phật phái Trúc Lâm Yên Tử. Từ đó về sau, Yên Tử trở thành kinh đô tư tưởng của Phật phái Trúc Lâm Yên Tử, đánh dấu sự phát triển triết học và tư tưởng của dân tộc Việt Nam trong các thế kỷ XII, XIII, XIV.
Nhiều công trình tâm linh Phật pháp và hàng trăm am, tháp mộ, bia, tượng đã được xây dựng trên đỉnh thiêng Yên Tử. Quần thể kiến trúc đồ sộ này kết hợp với khung cảnh hữu tình đã làm nên Khu Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử mang tầm quốc gia.
Mãi cho đến hôm nay, các nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa vẫn chưa có kết luận cuối cùng về thời gian khai sinh chính xác của Hội Xuân Yên Tử, chỉ ước lượng có thể nó đã tồn tại từ thế kỷ XVII-XVIII.
Đường lên đỉnh Yên Tử là một cuộc thử thách đức tin, kiểm chứng lòng thành với Phật. Ðến được chùa Ðồng, những tín đồ của Phật có cảm giác mãn nguyện như đến được cội nguồn cõi Phật.
Lễ hội Gò Đống Đa
Lễ hội Gò Đống Đa nhằm tưởng nhớ công tích lẫy lừng của vua Quang Trung cùng tướng lĩnh nghĩa quân Tây Sơn đã chiến đấu chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc. (Nguồn: Lao động) |
Gò Đống Đa là di tích lịch sử tọa lạc tại phố Tây Sơn, phường Quang Trung, Quận Đống Đa, Hà Nội. Nơi đây gắn liền với chiến thắng của vua Quang Trung dẹp tan quân Thanh vào năm 1789 trong trận chiến Ngọc Hồi – Đống Đa đầy hào hùng.
Lễ hội Gò Đống Đa (Hà Nội) diễn ra vào ngày mùng 5 tháng Giêng âm lịch hàng năm nhằm tưởng nhớ công tích lẫy lừng của vua Quang Trung.
Trong ngày hội có nhiều trò chơi vui khỏe, thể hiện rõ tinh thần thượng võ, trong đó, trò rước Rồng lửa Thăng Long là độc đáo nhất.
Chùa Đồng Quang gần gò Đống Đa cũng là nơi diễn ra lễ cầu siêu, dâng hương tưởng nhớ công ơn của những vị anh hùng, nghĩa sỹ vì dân, vì nước.
Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, ngày 24/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định xếp hạng Di tích Lịch sử Gò Đống Đa là Di tích quốc gia đặc biệt.
Lễ hội Cổ Loa
Biểu diễn múa rối nước Đào Thục tại Lễ hội Cổ Loa. (Ảnh: Đ.Anh) |
Lễ hội Cổ Loa diễn ra từ mồng 6-16 tháng Giêng Âm lịch tại đền thờ An Dương Vương ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Sáng 6 Tết, hội mở đầu bằng đám rước Văn với 5 lá cờ ngũ hành, phường bát âm, giá văn tế đặt trong kiệu Long Đình, có lọng, tàn che.
Sau đám rước Văn là màn tế lễ diễn ra quá giờ Ngọ (12 giờ trưa). Tiếp theo là đám rước thần của 12 xóm. Ngoài ra, trong lễ hội còn có nhiều trò chơi khác nhau: chơi đu, thổi cơm thi, hát trù, hát chèo.. .
Hội Cổ Loa kéo dài cho tới 16 tháng Giêng mới làm lễ tế tạ trời đất, kết thúc lễ hội.
Lễ hội Cổ Loa nhằm tưởng nhớ và suy tôn Thục Phán An Dương Vương, người có công dựng nước Âu Lạc và xây thành Cổ Loa.
Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn
Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. (Nguồn: Dân tộc & Phát triển) |
Hằng năm, người dân tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đều nô nức đón chờ tổ chức Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn. Đây là Lễ hội truyền thống xuống đồng cày ruộng và cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn diễn ra từ mùng 5 đến mùng 7 tháng Giêng, mang ý nghĩa khuyến nông.
Lễ hội độc đáo này có lịch sử từ thế kỷ X trên quê hương vua Lê Đại Hành. Sau nhiều năm thất truyền, lễ hội Tịch Điền được khôi phục năm 2009 vào mùng 7 tháng Giêng Âm lịch.
Lễ hội chợ Viềng
Chợ Viềng – Phủ Dầy họp một phiên duy nhất trong năm từ đêm mùng 7 đến ngày 8 tháng Giêng hằng năm thu hút đông đảo du khách thập phương. (Ảnh: Tuệ Nhi) |
Đến Chợ Viềng xem phiên chợ duy nhất trong năm được họp lúc nửa đêm, đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc trong các lễ hội tại miền Bắc.
Theo ghi chép, từ chiều mùng 7 tháng Giêng, du khách nườm nượp đổ về hội chợ Viềng ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản (Nam Định). Đây là phiên chợ chỉ diễn ra 1 lần trong năm, được gọi là chợ mua hàng cầu may.
Ngoài chợ Viềng, các du khách còn được trẩy hội Phủ Dày vào mùng 8 tháng Giêng. Phủ Dày là một trong những phủ thờ bà Chúa Liễu Hạnh trong “tứ bất tử” của Việt Nam.
Hội Gióng ở đền Sóc
Nghi thức rước vị nữ tướng tại Hội Gióng ở đền Sóc. (Nguồn: Vietnamnet) |
Hội Gióng ở đền Sóc (thuộc thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn) là một trong những lễ hội lớn và quan trọng của Hà Nội, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Không chỉ được biết đến là nơi thờ tự Phù Đổng Thiên Vương, Hội Gióng tại đền Sóc còn nổi tiếng với nhiều nghi thức truyền thống còn lưu truyền đến ngày nay.
Khai hội vào mồng 6 tháng Giêng hằng năm, Hội Gióng tại đền Sóc có sự tham gia của nhiều làng lân cận trong vùng và được người dân chuẩn bị chu đáo từ sớm.
Lễ hội diễn ra trong 3 ngày với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng.
Bên cạnh việc tham gia các hoạt động văn hoá đặc sắc tại Hội Gióng, đây cũng là dịp để du khách tham quan, tìm hiểu Quần thể khu di tích đền Sóc với 6 công trình: Đền Hạ (đền Trình), chùa Đại Bi, đền Mẫu, đền Thượng (đền Sóc), tượng đài Thánh Gióng và nhà bia. Trong đó, đền Thượng là nơi thờ Thánh Gióng và tổ chức lễ hội, với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: Lễ mộc dục, lễ rước, lễ dâng hương, lễ hóa voi và ngựa…
Lễ hội Khai ấn Đền Trần
Lễ hội Khai Ấn Đền Trần Nam Định được tổ chức vào dịp đầu Xuân hằng năm nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa. (Ảnh: Nhật Nam/VGP) |
Lễ hội Khai ấn Đền Trần hàng năm diễn ra từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng; trong đó chính hội Khai ấn diễn ra vào đêm ngày 14 (bắt đầu từ giờ Tý) là một tục lệ cổ tại Tiên Miếu nhà Trần (Phủ Thiên Trường xưa) với ý nghĩa nhân văn lớn lao là cầu cho “quốc thái dân an,” thiên hạ thái bình, thịnh trị; mọi nhà chung hưởng lộc ấn “Tích phúc vô cương” của Đền Trần.
Đây là một trong những lễ hội đầu xuân nổi tiếng nhất Việt Nam. Tham dự Lễ hội Khai ấn Đền Trần tại Khu Di tích Lịch sử-Văn hóa Quốc gia Đặc biệt Đền Trần-Chùa Phổ Minh, phường Lộc Vượng (Nam Định) là dịp để các thế hệ người dân bày tỏ lòng thành kính, tri ân công đức đối với Vương triều Trần – Triều đại thịnh trị bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam và đối với Đức Thánh Trần – Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn – người có công lớn trong các chiến công đánh giặc giữ nước hiển hách của Nhà Trần, được nhân dân suy tôn là bậc Thánh; khơi dậy niềm tự hào về Hào khí Đông A sáng ngời của quân dân Đại Việt 3 lần đại thắng quân Nguyên-Mông xâm lược.
Đến với Lễ hội Khai ấn Đền Trần đầu Xuân, người dân không chỉ thỏa mãn ước nguyện cầu may, cầu phúc mà còn được chiêm ngưỡng cảnh quan, những giá trị di sản truyền thống của Khu di tích lịch sử – văn hóa Đền Trần – Chùa Tháp Phổ Minh. Từ những công trình kiến trúc tiêu biểu cho nghệ thuật, phong cách kiến trúc thời Trần đến các tài liệu, hiện vật được lưu giữ, bảo tồn qua hàng trăm năm… phần nào thể hiện lịch sử thời đại huy hoàng, oanh liệt “võ công, văn trị” của Nhà Trần.
Hội Lim
Du khách thập phương hành lễ tại chùa Lim. (Ảnh: Hồng Ân) |
Hội Lim là lễ hội lớn truyền thống của tỉnh Bắc Ninh. Hội Lim diễn ra ở đồi Lim (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) từ ngày 12-13 tháng Giêng, để tưởng nhớ hai vị sư tổ của dân ca quan họ là Vua Bà và ông Hiếu Trung Hầu.
Lễ hội được tổ chức rất vui tươi với lễ rước rộn rã và các trò chơi dân gian, cùng với những tụ điểm ca hát dân ca quan họ, đặc sản văn hóa của vùng đất Kinh Bắc.
Khách hành hương trẩy hội Lim còn được thưởng thức nhiều hoạt động văn hoá truyền thống khác của địa phương, hay tham gia các trò chơi đu bay, chọi gà, chọi chim, tổ tôm điếm, đấu vật…
Lễ hội Đền Hùng
Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng là dịp giáo dục truyền thống, khơi dậy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. (Nguồn: Hà Nội Mới) |
Lễ hội Đền Hùng còn gọi là Giỗ tổ Hùng Vương, là một trong những lễ hội lớn nhất trong năm, nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc.
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba”
Câu ca dao đậm đà tình nghĩa đã đi vào lòng mỗi người dân Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hàng ngàn năm nay, Đền Hùng – nơi cội nguồn của dân tộc, của đất nước luôn là biểu tượng tôn kính, linh nghiêm quy tụ và gắn bó với dân tộc Việt Nam.
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra vào ngày mồng 10/3 Âm lịch tại Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ. Trước đó, lễ hội đã diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa dân gian và kết thúc vào ngày 10/3 Âm lịch với Lễ rước kiệu và dâng hương tại Đền Thượng.
Năm 2007, Quốc Hội đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch). Kể từ đây, ngày 10/3 Âm lịch hằng năm đã trở thành ngày lễ lớn – Quốc lễ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc.
Ngày giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm là ngày hội chung của toàn dân, ngày mà mọi trái tim dù đang sống và làm việc ở muôn nơi, trên toàn thế giới vẫn đập chung một nhịp, mọi cặp mắt đều nhìn về cùng một hướng. Trong ngày này, nhân dân cả nước còn có điều kiện để tham gia vào các hoạt động văn hóa thể hiện lòng thành kính tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã vì dân giữ nước.
Năm 2012, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” – biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nguồn: https://baoquocte.vn/top-10-le-hoi-van-hoa-lon-o-mien-bac-du-khach-khong-nen-bo-lo-303242.html