Tích cực hòa nhập
Á vận hội mùa đông 2025 diễn ra từ ngày 7 – 14.2 tại Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc), nơi hiện có nhiệt độ khắc nghiệt (-21 độ C). Đoàn VN có 3 thành viên tham gia Á vận hội mùa đông 2025 là VĐV Dương Trường Lập, HLV Nguyễn Võ Hữu Vinh và Trưởng đoàn Ngô Quang Vinh. Dương Trường Lập thi đấu nội dung trượt băng tốc độ với 3 cự ly 500 m, 1.000 m và 1.500 m. “Ở lần đầu tham dự Á vận hội mùa đông 2017 tại Nhật Bản, VN góp mặt 6 VĐV. Lần này chúng ta tham dự với số lượng ít hơn vì vướng quy định về độ tuổi. Đó là sự nỗ lực rất lớn trong bối cảnh các môn thể thao mùa đông chưa có điều kiện để phát triển mạnh tại VN. Tuy nhiên trong nỗ lực hòa nhập quốc tế, chúng tôi nhìn thấy cơ hội để gây dựng, phát triển các môn thể thao này”, ông Ngô Quang Vinh chia sẻ.
Ông Mai Bá Hùng, Trưởng đoàn thể thao VN ở Á vận hội mùa đông 2017 tại Sapporo (Nhật Bản), nhớ lại trong lần đầu tham gia, VN gặp rất nhiều khó khăn như VĐV môn trượt tuyết phải ra Mũi Né (Phan Thiết, Bình Thuận) tập trượt… cát, ra đường tập roller nhằm bổ trợ. “Ngoài ra trước Á vận hội mùa đông 2017, các VĐV VN may mắn có chuyến tập huấn ở Hàn Quốc. Chưa thể cạnh tranh thành tích cao với các đối thủ nhưng các VĐV VN thể hiện được ý chí thi đấu kiên cường, không ai bỏ cuộc. Tôi còn nhớ hình ảnh ấn tượng VĐV Nguyễn Đức Mạnh được người hâm mộ chờ đón động viên khi về đích ở nội dung trượt tuyết băng đồng 10.000 m dưới thời tiết giá lạnh -20 độ C, trong khi một số VĐV phải bỏ cuộc”, ông Mai Bá Hùng cho biết.
Tiềm năng phát triển
Ông Mai Bá Hùng cho biết Liên đoàn Trượt băng VN ra đời vào năm 2018, đến năm 2021 đổi tên thành Liên đoàn Trượt băng và Roller VN là bước đi cần thiết để phát triển phong trào 2 môn thể thao có liên quan, bổ trợ nhau. Với trượt băng, nhất là trượt băng nghệ thuật, VN có VĐV từ các môn khác chuyển sang, được gia đình đầu tư tập huấn quốc tế. Với trượt băng tốc độ, có một số VĐV chơi roller chuyển sang, hòa nhập nhanh và phát triển tốt. VĐV Dương Trường Lập cũng là trường hợp điển hình chuyển từ roller sang trượt băng tốc độ và khẳng định được tài năng.
“Thuận lợi của môn trượt băng là thi đấu trong nhà, ở VN cũng có các sân trượt băng tại TP.HCM, Hà Nội. Những sân trượt băng này của tư nhân, chủ yếu khai thác dịch vụ, chưa đủ tiêu chuẩn quốc tế nhưng các VĐV VN cũng tận dụng để tập luyện. Nếu chúng ta có được một sân trượt băng đúng chuẩn sẽ là cơ hội để phát triển không chỉ cho trượt băng mà cho các môn thể thao mùa đông trong nhà như khúc côn cầu, curling (bi đá trên băng)…”, ông Mai Bá Hùng cho biết. VN cũng cần chủ động trong công tác xã hội hóa, công tác hợp tác quốc tế để phát triển các môn thể thao mới hoặc các môn thể thao mùa đông như cách TP.HCM đang làm với môn teqball khi hợp tác với Liên đoàn Teqball thế giới và được hỗ trợ tích cực về cơ sở vật chất. Hay trước đây để có lực lượng tham dự Á vận hội mùa đông 2017, VN có sự hỗ trợ tích cực từ phía Hàn Quốc.
Thêm cơ hội để VN phát triển các môn thể thao mùa đông là nguồn lực VĐV gốc Việt. Hiện có rất nhiều VĐV gốc Việt tài năng đang theo đuổi các môn thể thao mùa đông sẵn sàng đại diện cho VN thi đấu ở các giải quốc tế. Năm ngoái lãnh đạo Cục TDTT đã tiếp đón, làm việc với đại diện Hội Người VN tại Pháp, Ý, trong đó có việc hợp tác phát triển các môn thể thao mùa đông, tạo điều kiện cho các tài năng ở nước ngoài cống hiến cho thể thao VN ở Thế vận hội, Á vận hội mùa đông cũng như đầu tư phát triển các môn này tại VN.
Á vận hội mùa đông 2025 là kỳ đại hội thứ 9 của các môn thể thao mùa đông tại châu Á. Tại đại hội lần này có 11 môn thể thao với 64 nội dung, thu hút sự tham gia tranh tài của 1.275 VĐV đến từ 34 quốc gia, vùng lãnh thổ. Các quốc gia Đông Nam Á góp mặt ở Á vận hội mùa đông 2025 gồm Thái Lan, Singapore, Philippines, Malaysia, Indonesia, Campuchia và VN.
Nguồn: https://thanhnien.vn/viet-nam-lam-duoc-gi-tai-a-van-hoi-mua-dong-18525020421575558.htm