(LĐXH) – Với nhiều giải pháp, mô hình hay, sáng tạo, các lực lượng Công an tỉnh Thanh Hóa đã không ngừng phối hợp với chính quyền địa phương nhân rộng các mô hình tái hòa nhập cộng đồng (THNCĐ).
Các mô hình này giúp người lầm lỡ xóa bỏ mặc cảm, tự ti, sớm trở thành người có ích cho gia đình và xã hội…
Sau 1 năm triển khai, thực hiện công tác xây dựng, nhân rộng mô hình THNCĐ, Thanh Hóa đã có 146 mô hình THNCĐ, riêng từ tháng 10/2023 đến nay, toàn tỉnh đã ra mắt mới thêm 2 mô hình cấp huyện và 84 mô hình cấp xã, trong đó có nhiều mô hình đang được duy trì, hoạt động có hiệu quả.
Lực lượng Công an cùng cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 1.200 người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tham gia.
Tại huyện Như Xuân, hiện có hơn 100 người chấp hành xong án phạt tù, phần lớn trở về địa phương đều làm ăn lương thiện, trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội.
Công an huyện Như Xuân đã tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và Ban Chỉ đạo 138 huyện tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an về công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người có quá khứ lầm lỗi.
Trong đó, mô hình “Doanh nghiệp với công tác THNCĐ” do Công an huyện tham mưu, phối hợp triển khai xây dựng là một trong những cách làm hay, đã tạo việc làm cho nhiều người lầm lỗi, giúp họ ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.
Mô hình có 13 thành viên tham gia, đều là các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động cao, sẵn sàng tiếp nhận, đào tạo, hướng dẫn ngành nghề cho những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương.
Mô hình là những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng huyện Như Xuân nhằm giải quyết các vấn đề trở ngại của người chấp hành xong án phạt tù, từ đó kéo giảm tỷ lệ tái phạm tội trên địa bàn.
Trở về địa phương sau khi chấp hành xong án phạt tù vì tội “Trộm cắp tài sản”, anh Võ Văn Sơn, ở xã Bãi Trành, huyện Như Xuân vẫn mặc cảm, tự ti về thân phận của một người có quá khứ lỗi lầm.
Nghị lực hoàn lương của anh Sơn đã được tiếp thêm sức mạnh khi được Công an và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện xét duyệt cho vay 90 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ. Từ nguồn vốn này, anh đã đầu tư xây dựng thêm chuồng trại, mở rộng chăn nuôi, ổn định cuộc sống…
Tại huyện Triệu Sơn, lực lượng Công an đang quản lý trên 200 người trong diện chấp hành xong án phạt tù THNCĐ, trong đó có 144 người ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Huyện Triệu Sơn đã xây dựng được nhiều mô hình THNCĐ, như mô hình “Công ty tạo việc làm cho người được phục hồi quyền công dân, THNCĐ” tại Công ty Triệu Thái Sơn, xã Dân Lực; mô hình “Chung tay giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù THNCĐ” tại thị trấn Nưa…
Đại úy Lê Xuân Mười, Phó đội trưởng Đội tham mưu Công an huyện Triệu Sơn cho biết: “Các mô hình đã có sự vào cuộc chỉ đạo của lãnh đạo UBND cấp xã, phát huy tốt vai trò của các ban, ngành và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc cấp xã trong công tác THNCĐ, phục vụ đắc lực cho công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù THNCĐ, phòng, chống tái phạm tội và vi phạm pháp luật.
Từ các mô hình trên đã tạo việc làm cho nhiều người chấp hành xong án phạt tù có thu nhập ổn định, cải thiện đời sống…”.
Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, Thanh Hóa là một trong những địa phương có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong việc xây dựng các mô hình điển hình tiên tiến trong công tác THNCĐ, trong đó có nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả được Bộ Công an chỉ đạo nhân rộng trong cả nước.
Các mô hình THNCĐ đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp giảm tỷ lệ tái phạm, khích lệ người từng lầm lỗi nỗ lực vươn lên làm lại cuộc đời, trở thành công dân tốt, góp phần xây dựng một cộng đồng vững mạnh và nhân văn hơn…
Quách Tuấn
Báo Lao động và Xã hội số 15
Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/xoa-doi-giam-ngheo/thanh-hoa-nhan-rong-cac-mo-hinh-tai-hoa-nhap-cong-dong-20250204151648656.htm