Năm nay, Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Mỹ cho thấy sự lắng nghe, cải tiến cũng như có sự thay đổi ở hạng mục Phim hay nhất qua những điều chỉnh về điều kiện cần để được đề cử (phải có đóng góp của cộng đồng đa sắc tộc, LGBTQ+, người khuyết tật…), cũng như có sự phong phú về mặt thể loại (từ kinh dị, nhạc kịch đến chính kịch, tiểu sử…).
Tuy vậy, mùa giải năm nay cũng đang vấp phải tai tiếng của gần một nửa đề cử. Đầu tiên, tuy là tác phẩm đại thắng ở các giải thưởng tiền Oscar và có đến 13 đề cử (nhiều nhất năm nay), nhưng Emilia Pérez đang phải đối mặt với làn sóng chỉ trích nặng nề. Mọi thứ bắt đầu khi những phát ngôn trong quá khứ của diễn viên chính Karla Sofía Gascón bỗng được đào lại. Theo đó, trong nhiều bài đăng trên mạng xã hội X, Gascón đã có những lời không hay cho cộng đồng Hồi giáo và người da màu, thậm chí cô còn chỉ trích Oscar 2021 coi trọng yếu tố chính trị hơn chất lượng tác phẩm.
Bộ phim nhận được 10 đề cử năm nay và từng chiến thắng hạng mục quan trọng nhất ở Quả cầu vàng là The Brutalist cũng bị chỉ trích. Cụ thể, biên tập viên hình ảnh của tác phẩm này tiết lộ trong quá trình hậu kỳ, ê kíp đã sử dụng AI để điều chỉnh cách phát âm tiếng Anh của các diễn viên sao cho được trung thực nhất với gốc gác Hungary mà kịch bản yêu cầu. Ngoài ra, bộ phim có khoảng 10 giây dùng AI để tạo ra các mô hình công trình ở những phút cuối, khiến khán giả xem đây là một hành động không thể chấp nhận với một loại hình nghệ thuật vốn luôn đề cao sự sáng tạo.
Một tác phẩm khác là Anora được dán nhãn R chỉ dành cho khán giả trưởng thành, đoạt giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes 2024, cũng hứng nhiều tranh cãi, khi nữ diễn viên chính Mikey Madison gần đây tiết lộ những cảnh nóng trong phim thiếu sự xuất hiện của điều phối viên cảnh thân mật. Trong quá trình thực hiện một bộ phim, đây là chuyên gia nhằm đảm bảo các cảnh nhạy cảm không gây tác động tiêu cực đến diễn viên. Dẫu Madison cho biết mình đã từ chối khi đạo diễn Sean Baker gợi ý nên có thêm vị trí này, nhưng khán giả cho rằng đây là yêu cầu bức thiết cần có và “thỏa thuận riêng” là khó chấp nhận. Nhiều người cũng lập luận, ngoài Madison thì nhiều diễn viên phụ khác cũng có cảnh quay tương tự, nên việc chỉ diễn viên chính được quyền quyết định là thiếu sót lớn.
Cùng lúc, bộ phim Conclave xoay quanh sự kiện mật nghị bầu Đức Giáo hoàng mới cũng bị chỉ trích bởi tính phiến diện, khi biến quá trình bầu người đứng đầu Giáo hội trở thành đấu đá, ngập trong tranh cãi, âm mưu… chỉ để tăng thêm không khí hồi hộp, giật gân cho người xem.
Trong vài tuần tới, vòng bỏ phiếu cuối cùng của nhiều giải thưởng sẽ chính thức diễn ra để khép lại mùa phim 2024, và không thể phủ nhận những ồn ào này có nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng không ít đến kết quả chung cuộc.
Nguồn: https://thanhnien.vn/de-cu-phim-hay-nhat-cua-oscar-2025-vuong-nhieu-tranh-cai-185250204220432857.htm