Từ lần đầu tiên được khôi phục vào năm 2009, đến nay ông Nguyễn Văn Cương luôn tự hào khi có mặt tại tất cả Lễ Tịch điền. Năm nay, ông cùng “lão” trâu hơn 30 tuổi có cặp sừng dài và đẹp tham dự.
Sáng 4/2 (mùng 7 tháng Giêng năm Ất Tỵ) tại xã Tiên Sơn (TX.Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) đã diễn ra Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2025.
Ghi nhận trong sáng 4/2, hàng nghìn người đã đổ về đi Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn.
Sau lễ dâng hương lên đàn tế Thần Nông linh vị Vua Lê và các vị phúc thần, ông Nguyễn Ngọc An (75 tuổi) thực hiện nghi lễ nhập linh khí quân vương, đeo mặt nạ, khoác long bào bước xuống đi những sá cày đầu tiên mở hội Tịch điền. Phía sau, hàng chục thôn nữ đi theo gieo hạt giống.
Theo tìm hiểu của Dân Việt, ông Nguyễn Văn Cương (71 tuổi) và ông Nguyễn Trung Đắc (73 tuổi) là hai người có thâm niên trong việc tham gia Lễ hội Tịch điền.
Trâu hai nhà này luôn được đánh giá thuần, khỏe mạnh, có dáng đi bệ vệ, oai phong.
Lễ Tịch điền 2025, gia đình ông Cương có 2 con trâu được chọn, trong đó 1 con tham gia thi vẽ, 1 con để vua đi cày. Gia đình ông Đắc có 1 con trâu được tuyển chọn.
Ba “lão” trâu này đều có kinh nghiệm tham gia Lễ Tịch điền. Trâu nhà ông Cương đã hơn 30 năm tuổi, sừng dài, đẹp, trâu nhà ông Đắc gần 20 tuổi dáng bệ vệ.
Ông Nguyễn Văn Cương cho biết, ông tham gia lễ hội từ những ngày đầu khôi phục và chưa bỏ lỡ năm nào.
“Từ giữa tháng Chạp, làng, xã bắt đầu tuyển chọn trâu, các nhà có tiếng trâu tốt, trâu khỏe đều có mặt. Từ 2009, năm nào tôi cũng được lựa chọn để dắt trâu cho vua đi cày. Phải nói đây là vinh dự lớn cho tôi cũng như gia đình, dòng họ.
Hai năm nay có nhiều đổi mới, trâu được chọn không trang trí mà xuống đồng luôn. Việc này tôi hoàn toàn đồng tình. Bởi con trâu xuống đồng, thuần, ngoan, tự nhiên sẽ đúng chất đi cày đầu năm hơn là trang trí”, ông Cương bộc bạch.
Được biết, ông Cương đã từng dắt trâu cho nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình… đi cày.
Tương tự, ông Nguyễn Trung Đắc cũng tham gia từ ngày đầu khôi phục. Ông Đắc bảo, đầu năm luôn là dịp bản thân mong chờ, bởi dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn luôn được tin tưởng dắt trâu cho vua đi cày.
“Cảm xúc vẫn còn nguyên như lần đầu được gọi. Nói thật là không có gì tự hào hơn khi được góp một phần công sức nhỏ bé vào sự thành công của Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn trong nhiều năm qua”, ông Đắc nói.
Không như ông Đắc với ông Trung, trâu nhà ông Trần Ngọc Dụng (xã Tiên Ngoại, Duy Tiên) năm nay được chọn để tham gia hội thi trang trí. Kết quả trâu giành được giải nhì.
Ông Dụng cho biết, năm nào nhà tôi cũng có hai con trâu được lựa chọn. Trâu chúng tôi chăm bẵm từng chút, từng chút một. “Ăn uống, ủ ấm và sức khỏe trâu mình quan tâm từng ngày, chỉ chờ ra tết để đi cày lấy lộc đầu năm thôi” – ông Dụng nói.
Nông dân Trần Ngọc Dụng (xã Tiên Ngoại, Duy Tiên) chia sẻ về Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn 2025.
Theo sử sách ghi chép lại, lễ hội bắt nguồn từ khi vua Lê Đại Hành về chân núi Đọi làm Lễ Tịch điền (cày ruộng) đầu tiên trong lịch sử Việt Nam vào mùa Xuân năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (tức năm 987).
Khi cày ruộng Tịch điền ở Đọi Sơn, vua bắt được chum vàng. Năm 988, nhà vua cày ruộng ở Bàn Hải bắt được chum bạc, vì thế những thửa ruộng này sau được gọi là Kim Điền, Ngân Điền.
Kể từ đó, Tịch điền trở thành một mỹ tục được các triều đại về sau thực hiện trang trọng, thành kính như Lý, Trần, hậu Lê. Đặc biệt, đến triều Nguyễn, lễ Tịch điền có nhiều “niêm luật” cụ thể, được tổ chức quy mô, do bộ Lễ chủ trì.
Sau nhiều thời gian dài gián đoạn, từ năm 2009 phong tục tốt đẹp này được phục hồi lại bài bản và duy trì cho đến nay.
Lễ hội Tịch điền của Hà Nam được tổ chức hàng năm, đã trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng bởi đây là một lễ hội giàu tính nhân văn, khuyến nông, thể hiện lòng biết ơn các bậc tiền nhân trong việc khai phá, mở mang ruộng đồng, đề cao tinh thần gần dân, trọng nhà nông, nghề nông…
Nguồn: https://danviet.vn/lao-trau-hon-30-tuoi-duoc-vi-la-bau-vat-cua-le-hoi-xuong-dong-lon-nhat-vung-dong-bang-bac-bo-20250203223253919.htm