(VTE) – Ở tuổi 15, Ón một mình bắt xe xuôi về thành phố nhập học Trường Dân tộc nội trú của tỉnh. Quê Ón, bản người Thái nằm sâu trong vùng núi cao bao la hùng vĩ miền Tây Bắc.
Có được cuộc hành trình xa quê này, Ón đã trải qua 9 năm học nơi quê nhà. Biết bao khó khăn thiếu đói cùng với mưa nguồn suối lũ, rét buốt cắt thịt da không ngăn nổi cô bé người Thái chăm ngoan học giỏi.
Ón biết ơn bố mẹ, dân bản và thầy cô ở ngôi trường làng đã nuôi dạy ngần ấy năm để có ngày em xuống thành phố học trường tỉnh. Ón biết, xa nhà, xa bản, xa trường, xa bạn bè là nhớ lắm.
Nhưng em phải làm quen với cuộc sống nội trú, vì đang thực hiện ước mơ học để thay đổi cuộc sống. Đó cũng là ước mơ, mong mỏi mà bố mẹ và những người dân nơi làng bản xa xôi gửi gắm.
Đêm đầu tiên ngủ ở ngôi trường mới, Ón ứa nước mắt nhớ nhà, nhớ quê. Rồi những ngày sôi nổi, hào hứng ở Trường Dân tộc nội trú tỉnh lôi cuốn Ón. Những cánh cửa tri thức mở ra; tình thầy trò, tình bạn bè gắn bó, thân mật, gần gũi. Nỗi nhớ nhà, nhớ quê vơi đi.
Việc học tập, rèn luyện và giao lưu kết nối văn hóa thể thao ở trường cũng rất phong phú, hấp dẫn, lôi cuốn. Ón như con cá suối được bơi ra sông lớn, như cánh chim rừng được thả về với đàn.
Khai giảng năm học mới chưa được bao lâu, nhà trường đã thành lập các câu lạc bộ để học sinh tham gia ngoài giờ học. Ón rất thích câu lạc bộ thể thao, câu lạc bộ dân ca, dân vũ, nhưng em đã chọn tham gia câu lạc bộ hoa văn thổ cẩm. Cô giáo hướng dẫn bảo em có năng khiếu.
Ón cho rằng, mình có năng khiếu hoa văn thổ cẩm là do được di truyền từ mẹ. Mẹ Ón vốn là cô gái Thái xinh đẹp múa xòe điêu luyện lại giỏi đường thêu khăn Piêu, mềm tay dệt thổ cẩm. Ón học lý thuyết và thực hành các công đoạn dệt, nhuộm, may thêu rất nhanh.
Khi đăng ký sản phẩm dự thi cuối học kỳ I, Ón chọn làm chiếc khăn Piêu dân tộc Thái. Ón ước ao tự tay mình làm ra chiếc khăn Piêu dân tộc Thái để xuân này về tặng mẹ.
Ón chọn tấm vải dệt sợi bông độ dài một sải tay. Em tỉ mỉ nhuộm chàm tới ba nước, tới khi tấm vải xanh bóng ngả màu tươi mới của núi rừng em mới ưng ý. Ón tìm hiểu nhiều mẫu khăn Piêu để tìm cho mình hình mẫu thêu thích hợp và vừa ý nhất.
Thì ra, thêu khăn Piêu đâu chỉ rèn kỹ năng tay nghề khéo, mà còn là một quá trình nhận thức về sản phẩm mang ý nghĩa giá trị văn hóa tâm linh. Khăn Piêu là một phần quan trọng của trang phục phụ nữ Thái. Vì ở vị trí trên đầu nên yếu tố tín ngưỡng và tình cảm, biểu cảm rất rõ nét. Nó tôn chiều cao quyến rũ và vẻ mặt diễm lệ của phụ nữ Thái.
Khăn Piêu còn là vật ủy thác, ký gửi, làm tin cho tình yêu đôi lứa… Vì vậy, làm nền cho khăn Piêu là những dải hoa văn hình học, các mảng thổ cẩm rích rắc, các đường nét xương cá, răng cưa sống động, tươi rói.
Khi thêu hoa văn cho khăn Piêu, Ón hiểu rõ thêm về ba loại hình hoa văn then chốt chứa đựng những thông điệp văn hóa truyền nối từ bao đời mà phụ nữ Thái trân trọng, tôn vinh đội trên đầu. Hoa văn Tà leo là hình họa có giá trị xua đuổi ma tà, yêu quái và những gì xúi quẩy gây phiền nhiễu người con gái Thái.
Hoa văn Cút Piêu bộc lộ phẩm chất cao quý, đức độ nhu mì khả năng quyến rũ của người đội nó trên đầu. Hoa văn Sai peng là sợi dây bảo vệ hồn vía, bảo vệ tình yêu, sự thủy chung và khát vọng yêu thương của ai tôn vinh nó.
Chính vì lẽ đó, khăn Piêu không chỉ là phục trang đội đầu mà còn là vật phẩm gắn bó mật thiết với đời sống tình cảm, với tín ngưỡng tâm linh của người phụ nữ Thái.
Vào dịp nghỉ Tết, Ón trở về quê núi Mường Mùn, về với xứ sở hoa ban. Chiếc khăn Piêu tặng mẹ được em bọc kỹ, cất trong balô. Đã thành lệ, ở bản Ón hễ ai đi xa lâu ngày trở về là buổi tối bà con đến thăm hỏi, chung vui. Nhà sàn của Ón tối nay đông vui khách bản. Ai nấy đều háo hức xem cái Ón xuống tỉnh học trở thành người ra sao…
Mẹ và Ón diện trang phục Thái ra chào bà con. Mẹ Ón mở gói nhỏ ra và nói: “Ngày con gái xuống tỉnh đi học, nhớ con, mẹ thức thêu khăn Piêu này. Hôm nay, mẹ tặng Ón khi con của mẹ sang tuổi 16”. Rồi mẹ đội khăn Piêu cho Ón.
Ón không ngờ mình được mẹ tặng cho chiếc khăn Piêu tuổi 16. Em cũng run run mở gói nhỏ trên tay mình để tặng mẹ tấm khăn Piêu kèm cả tấm giấy chứng nhận sản phẩm đoạt giải Nhất của nhà trường. Nhận tấm khăn Piêu từ tay con gái, mẹ Ón cảm động nói với mọi người: “Con gái tôi đã trở thành cô gái Thái đích thực của bản ta rồi!”.
Ngôi nhà sàn của Ón tối nay đón Tết không ngớt tiếng hát, không vơi tiếng cười, không dứt vòng xòe. Bà con dân bản bảo nhau rằng: “Tuổi 16, cái Ón nhà này trở thành cô thiếu nữ Thái rồi đấy!”.
Trong đôi mắt long lanh ngấn nước của bố mẹ và Ón ánh lên niềm vui, còn nụ cười thì tươi rói trên môi. Với Ón, kỷ niệm đáng nhớ nhất của em là chiếc khăn Piêu tuổi 16.
Nhà văn Ngô Quang Hưng
Ấn phẩm Vì trẻ em Xuân Ất Tỵ 2025
Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/xoa-doi-giam-ngheo/bi-mat-cau-chuyen-khan-pieu-va-cac-co-gai-thai-quyen-ru-20250125094536100.htm