Bao cấp là một khái niệm dùng để chỉ một thời kì kinh tế của nước ta sau chiến tranh ở giai đoạn từ đầu năm 1976 đến cuối năm 1986, trước thời kì Đổi mới. Đó là một phương thức kinh tế hàng hóa được phân phối theo tem phiếu do Nhà nước điều hành, hạn chế việc người dân tự do mua bán trên thị trường hoặc vận chuyển hàng hóa từ địa phương này sang địa phương khác.
Vì sao là Cơm Bao cấp?
Đó là một kí ức sâu đậm thể hiện sự khó khăn, thiếu thốn trong đời sống kinh tế mà những người hiện ở lứa tuổi U.60 trở lên đều đã trải qua. Là một người từng trải qua cuộc sống thời gian khổ ấy, chủ quán, anh Nguyễn Như Quỳnh đã nảy ra ý tưởng và bắt tay vào thực hiện mở một quán ăn theo style của thời bao cấp và đặt luôn cho quán cái tên độc đáo là “Cơm Bao cấp”.
Quán nằm ở trung tâm TP.Đồng Hới trên con đường Nguyễn Sơn.
Mặt tiền quán là một căn nhà đơn sơ kiểu nhà lá với bảng hiệu cũ kĩ, chữ viết sơ sài, trên tường dựng thêm vài cái xe đạp nhãn hiệu Thống Nhất còn nguyên bảng số đăng kí nước sơn bong tróc của thời chiến tranh chống Mỹ. Tất cả thấp thoáng dưới một bụi tre ngà rụng lá xào xạc như hoài cổ khiến khách ăn lớn tuổi chỉ đặt chân đến đã thấy rưng rưng.
Bên trong quán càng là một thiết kế trung thành với “xì tai” đó. Những bộ bàn ghế cho khách ngồi cũ kĩ, những bộ xa lông bằng gỗ thẻ đơn sơ đặc trưng của một thời nghèo khó, những cái phích nước Rạng Đông tróc sơn với bộ ấm trà đen điu của gốm sứ Quảng Bình những năm sau chiến tranh nằm cạnh những cái ra đi ô bán dẫn từng là mơ ước một thời của bao người như một nghệ thuật sắp đặt rất tài tình…
Đặc biệt ở trên các tường vách bằng tre nứa được chủ quán cho treo những câu khẩu hiệu nổi tiếng của một thời kiểu: “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do” với những nội quy ngặt nghèo “Cấm chen ngang, ưu tiên thẻ thương binh”…
Đó thực sự là một không gian kiến trúc nội thất đậm màu bao cấp khiến những bậc cha chú một thời chỉ nhìn thấy đã xúc động.
Phong cách phục vụ của nhân viên quán cũng đậm một “màu cổ điển” như thế. Từ áo quần trang phục bà ba quen thuộc đến cách buộc tóc của các cô gái chỉ nhìn qua cũng đã thấy rất Quảng Bình, đơn sơ, giản dị như những cô thôn nữ.
Họ nói năng với khách nhẹ nhàng, chu đáo thể hiện một sự quan tâm rất thân tình.
Khách lớn tuổi trầm tư và hoài niệm về một thời quá vãng gian khó
“Thức dậy” cả một trời kí ức
Điều quan trọng và cốt lõi nhất của quán cơm Bao cấp là ở thực đơn và các món ăn chi tiết. Đó đều là những món ăn quen thuộc của người bình dân như cơm hấp sắn, cơm hấp khoai, đọt bí xào, rau lang luộc, canh rau đay cua đồng, thịt luộc cà pháo mắm tôm, đậu phụ kho tóp mỡ, cá đồng kho tiêu, kho rim, kho tộ; cả những củ hành muối, đĩa dưa cải chua đậm đà hương vị quê nhà dọn trên những cái mẹt nhỏ thay mâm với đôi đũa cả bằng tre thô sơ.
Có thể nói mỗi món ăn và mỗi mâm cơm ở đây khi được dọn ra đều như làm thức dậy cả một trời kí ức của thực khách. Vì thế có những khách lớn tuổi vừa ăn vừa như ngẫm nghĩ suy tư về một thời họ đã sống. Những miếng cơm hấp sắn, hấp khoai là cả một câu chuyện đời của họ.
Sau bữa cơm ngon miệng đậm chất quê nhà, khách ăn được uống nước chè lá nóng hổi và thơm dịu như tạo thêm một sự hoàn hảo cho dòng kí ức quá vãng đang hồi sinh. Cơm Bao cấp vì thế còn được nhiều người gọi là Cơm hồi ức, Cơm hoài niệm với lớp người lớn tuổi.
Với các bạn trẻ, quán Cơm Bao cấp lại là một điểm check in độc đáo. Họ đưa nhau đến đấy ăn và thích thú chụp những tấm hình với những cái view rất lạ lùng mà khi đăng lên mạng xã hội khiến bao bạn bè thèm muốn.
Vì thế đã có rất nhiều đoàn khách du lịch xuyên Việt, những đoàn cựu chiến binh, thanh niên xung phong khắp cả nước khi đến Quảng Bình đã tìm đến quán Cơm Bao cấp để được ăn và hồi tưởng.
Với quán Cơm Bao cấp ở Quảng Bình, kinh doanh không chỉ là lợi nhuận mà còn là cả một nghệ thuật chứa đựng nhiều giá trị nhân văn. Đó thực sự là một quán ăn gây thương nhớ.
Nguồn: https://thanhnien.vn/quan-com-bao-cap-voi-nhung-mon-don-so-nhat-goi-lai-ca-troi-ki-niem-thuong-nho-185250204094431216.htm