TPO – Năm 2025 là một dấu mốc quan trọng với ngành Giáo dục, là cơ hội để giáo dục đổi mới mạnh mẽ và xây dựng chiến lược phát triển cho những năm tiếp theo.
TPO – Năm 2025 là một dấu mốc quan trọng với ngành Giáo dục, là cơ hội để giáo dục đổi mới mạnh mẽ và xây dựng chiến lược phát triển cho những năm tiếp theo.
Thầy giáo Trần Mạnh Tùng- Giáo viên Toán (Hà Nội) |
Là một nhà giáo với hơn 20 năm trong ngành, thầy giáo Trần Mạnh Tùng- Giáo viên Toán (Hà Nội) có ba kỳ vọng đổi mới giáo dục năm 2025.
“Tôi có nhiều kỳ vọng và mong muốn giáo dục cần vào cuộc, đổi mới một cách quyết liệt để chắt chiu và tận dụng sự chuyển mình của đất nước và thế giới”- thầy Tùng nhấn mạnh.
Kỳ vọng về việc đánh giá toàn diện sau 4 năm thực hiện chương trình GDPT 2018
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 kết thúc chu trình đầu tiên trong năm nay đối với 3 cấp học.
Sau 4 năm triển khai, cuối năm học này, Bộ GD&ĐT cần có tổng kết một cách toàn diện, khách quan và khoa học giai đoạn đầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để đặt ra những mục tiêu, giải pháp đổi mới có chiều sâu và bền vững, hiệu quả hơn cho giai đoạn tiếp theo.
Một là, đánh giá toàn diện về chương trình và sách giáo khoa. Chương trình là pháp lệnh, là kim chỉ nam cho hoạt động dạy và học, cần có đánh giá một cách khoa học và đa chiều để xem xét sự phù hợp, tính cần thiết và tính thời đại. Câu chuyện sách giáo khoa cũng còn nhiều tranh cãi, nhiều ưu điểm, nhược điểm.
Hai là, đánh giá hiệu quả thực tế của phương pháp giảng dạy mới. Thời gian qua, chúng ta có nhiều đổi mới về phương pháp dạy học, trong đó tập trung hình thành, phát triển năng lực cho học sinh. Đây là điểm tích cực và tiến bộ song cần có đánh giá toàn diện để có bức tranh đầy đủ, những ưu điểm, nhược điểm và các kết quả đã đạt được…
Ba là, đánh giá kết quả học tập của học sinh. Cần có sự so sánh kết quả học tập của học sinh giữa chương trình cũ và mới. Đánh giá sự tiến bộ của học sinh trong việc học tập chủ động, phát triển các kỹ năng tư duy, sáng tạo, tự học và hội nhập quốc tế. Cần xem xét mức độ phân hóa của học sinh, đặc biệt là nhóm yếu và nhóm giỏi.
Bốn là, đánh giá đội ngũ giáo viên. Cần có đánh giá đầy đủ về mức độ đáp ứng của giáo viên với chương trình mới, đánh giá hiệu quả của việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên từ đó có các giải pháp cải tiến cho các năm học tiếp theo.
Theo tôi, đây là một công việc đồ sộ và khó khăn, đòi hỏi ngành giáo dục cần dành nhiều thời gian, công sức và nguồn lực để đánh giá, tổng kết một cách có chất lượng và đáng tin cậy.
Kỳ vọng về việc chốt các phương án thi và tuyển sinh
Cuối năm 2024, Bộ GD&ĐT đã có nhiều thay đổi về việc thi và tuyển sinh như tuyển sinh vào lớp 6, thi vào 10, thi TN THPT… Bộ cũng có ý định can thiệp để việc tuyển sinh đại học thực chất và hiệu quả hơn.
Việc thi cử ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, áp lực và nguyên nhân chủ yếu cũng do thay đổi nhiều, thay đổi trong thời gian ngắn trong khi việc học và thi ảnh hưởng đến hầu hết các gia đình.
Tôi mong muốn, cuối năm học 2024 – 2025, sau khi triển khai thi cử theo quy chế mới ban hành, Bộ GD&ĐT sẽ có đánh giá, rút kinh nghiệm để chốt phương án thi, tuyển sinh cho những năm tiếp theo và giữ ổn định ít nhất 5 năm.
Kỳ vọng Luật Nhà giáo được thông qua
Nửa đầu năm 2025, dự thảo Luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội khóa XV lần thứ 2 tại Kỳ họp thứ 9. Dự thảo đề xuất nhiều chính sách quan trọng nhằm nâng cao vị thế và bảo vệ quyền lợi của nhà giáo như: Định danh và tiêu chuẩn nhà giáo; chính sách tuyển dụng, bồi dưỡng và tôn vinh nhà giáo; chế độ đãi ngộ và bảo vệ nhà giáo.
Đặc biệt, việc tăng lương cho giáo viên đã được nhiều đời bộ trưởng giáo dục theo đuổi và cũng là nguyện vọng của hơn 1,6 triệu giáo viên hiện nay. Nếu Luật Nhà giáo được thông qua thì việc này sẽ trở thành hiện thực bởi theo dự thảo thì lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm chế độ phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.
Chúng ta đều biết, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Bởi vậy, tôi mong muốn trước hết giáo viên cần sống được bằng lương để các thầy cô yên tâm và tận tâm với công việc giảng dạy của mình.
Kỳ vọng và mong muốn với ngành giáo dục thì còn rất nhiều. Tuy nhiên, nếu làm tốt 3 việc trên thì tôi tin là giáo dục sẽ sang trang mới tích cực, thực chất và hiệu quả hơn.
Nguồn: https://tienphong.vn/giao-vien-ky-vong-gi-ve-doi-moi-giao-duc-nam-2025-post1713903.tpo