Dạo trên “Vịnh Hạ Long trên núi”-hồ thủy điện Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình), chúng tôi không chỉ “đã mắt” với cảnh sắc non sông hùng vỹ, mà còn được khám phá, trải nghiệm cuộc sống của các hộ làm nghề nuôi cá lồng (nuôi cá trắm đen, nuôi cá tầm) nơi đây.
Không còn là con sông Đà hung dữ với lắm ghềnh, thác, một con ngựa bất kham như trong tác phẩm “Người lái đò sông Đà” của nhà văn Nguyễn Tuân, nay dòng sông Đà hiền hoà, dịu êm sắc xanh của nước, núi non hoà quyện.
Đặc biệt nghề nuôi cá lồng phát triển đã đem đến cho thực khách sản phẩm cá, tôm nức tiếng của con sông hùng vỹ.
Dạo trên “Vịnh Hạ Long trên núi”, chúng tôi không chỉ “đã mắt” với cảnh sắc non sông hùng vỹ, mà còn được khám phá, trải nghiệm cuộc sống của các hộ làm nghề nuôi cá lồng nơi đây.
Hiện nay, trên lòng hồ Hoà Bình có khoảng 2 nghìn hộ dân và một số doanh nghiệp gắn bó với nghề nuôi cá lồng. Những năm qua, Hoà Bình triển khai nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ để phát triển nghề nuôi cá lồng trên hồ Hoà Bình tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
Mười năm trước, số lồng/bè nuôi cá trên lòng hồ thuỷ điện khoảng 1.700 lồng, đến nay đã tăng lên hơn 5 nghìn lồng. Cùng với tăng nhanh về số lượng, các doanh nghiệp, người dân trên vùng hồ đã và đang nỗ lực để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. “Tôm sông Đà – Hoà Bình”, “Cá sông Đà – Hoà Bình” là hai nhãn hiệu khẳng định được chỗ đứng trên thị trường.
Chất lượng tạo nên thương hiệu
Công ty TNHH Thuỷ sản Hải Đăng Group (TP Hoà Bình) là doanh nghiệp có thâm niên trên 30 năm gắn bó với nghề cá trên sông Đà. Đầu những năm 90, Hải Đăng khởi nghiệp với thương hiệu Cơ sở cá Bẩy Tuyển, khai thác các loài cá từHoà Bình lên Lai Châu.
Đến năm 2012, cơ sở bắt đầu nuôi cá tại lòng hồ Hoà Bình với 20 lồng cá theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2015, cơ sở thành lập Công ty TNHH Thuỷ sản Hải Đăng HB. Năm 2017, bắt đầu đẩy mạnh phát triển và quảng bá sản phẩm Cá sông Đà Hải Đăng đến gần hơn với khách hàng tại các tỉnh, thành phố.
Đến năm 2020, các sản phẩm: ruốc cá trắm đen, ruốc cá lăng đen, ruốc cá lăng vàng của công ty được chứng nhận OCOP 4 sao của tỉnh. Năm 2022, công ty phát triển trang trại nuôi cá với quy mô lên tới 9 ha và 300 lồng cá theo tiêu chuẩn VietGAP.
Nghề nuôi cá lồng phát triển mạnh trên hồ thủy điện Hoà Bình (tỉnh Hòa Bình).
Năm 2023, phát triển hệ sinh thái của Hải Đăng gồm: nuôi trồng thuỷ sản kết hợp du lịch trải nghiệm, dịch vụ tàu thuyền, nhà hàng, lưu trú. Năm 2024, đổi tên thành Công ty TNHH Thuỷ sản Hải Đăng Group.
Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thuỷ sản Hải Đăng Group Nguyễn Thị Dung chia sẻ: Để tạo thương hiệu cá lồng sông Đà, cá giống được nuôi hoàn toàn bằng cám dinh dưỡng chất lượng, rõ nguồn gốc xuất xứ.
Khi cá đạt trọng lượng từ 1 kg trở lên, khẩu phần ăn của cá sẽ có 80% là cá tự nhiên như tép dầu, mương. Ngoài ra, cá sẽ được bổ sung các chất dinh dưỡng như vitamin C, khoáng, vitamin tổng hợp và đặc biệt là men tỏi nhằm ngăn ngừa mầm bệnh.
Cá được nuôi đảm bảo thời gian 2 – 3 năm mới thu hoạch. Tuyệt đối sản phẩm cá sạch Hải Đăng không sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi để đảm bảo được sức khoẻ của người tiêu dùng.
“Không kháng sinh – không tăng trọng – không tồn dư kim loại nặng”, đó là khẳng định của Hải Đăng về sản phẩm của mình. Theo bà Dung, hàng ngày, cá được vận chuyển từ lòng hồ Hoà Bình đến các tỉnh miền Bắc.
Hải Đăng đã hoàn thiện quy trình đóng gói nhằm giữ được chất lượng của sản phẩm cá tươi sông Đà khi vận chuyển đi xa.
Hiện tại, tuỳ theo nhu cầu của khách hàng, công ty có thể đóng gói theo 4 cách, gồm: sơ chế sạch sau đó hút chân không nguyên con đóng thùng đá; sơ chế sạch, cắt khúc sau đó hút chân không đóng thùng đá; sơ chế sạch, đóng hộp trong thùng đá; vận chuyển cá sống trong túi bơm oxi. Trung bình mỗi năm, công ty xuất ra thị trường khoảng 500 tấn cá thương phẩm các loại.
Nếu như Hải Đăng có thâm niên hàng chục năm, thì HTX Đà Giang Eco mới được thành lập và dấn thân vào nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ Hoà Bình. Được thành lập năm 2023, đến nay Đà Giang Eco đã gặt hái được những thành công, khi cũng theo đuổi hướng đi nuôi cá sạch.
Ông Xa Ngọc Hưng, Giám đốc HTX chia sẻ: Tiền Phong là 1 trong những xã của huyện Đà Bắc tiếp giáp vùng lòng hồ Hoà Bình, có tiềm năng rất lớn về nuôi cá lồng. Thực tế nghề nuôi cá đã phát triển hàng chục năm nhưng chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Một trong những nguyên nhân là do thiếu sự liên kết trong sản xuất, thiếu kiến thức về khoa học, kỹ thuật.
HTX ra đời có 17 thành viên chính thức và hàng chục hộ liên kết. Sự đồng bộ trong sản xuất, nhất là khâu tiêu thụ đã mở ra bước ngoặt cho phát triển nghề nuôi cá lồng ở xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn này.
Ông Hưng cho biết: Môi trường nuôi cá của HTX rất sạch vì có ít tàu thuyền qua lại. HTX không sử dụng kháng sinh, mà sử dụng các loại lá tự nhiên để nuôi nên cá khoẻ mạnh, phát triển tốt và không có tồn dư chất kháng sinh trong cá.
Cá được nuôi hoàn toàn bằng tép dầu nên cho chất lượng thơm ngon, được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Đến nay, HTX đã có các sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao, thị trường tiêu thụ chủ yếu tại Hà Nội.
Sức hút từ “thuỷ quái” nuôi trên sông Đà
Để xây dựng, phát triển bền vững thương hiệu cá, tôm sông Đà, những năm qua Hoà Bình đã triển khai nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại. Nổi bật nhất là tổ chức thành công Lễ hội Cá, tôm sông Đà tỉnh Hoà Bình lần thứ nhất vào tháng 10/2023.
Gần đây nhất, Lễ hội Cá, tôm sông Đà tỉnh Hoà Bình lần thứ hai đã được tổ chức thành công vào tháng 11/2024. Trong đó, nội dung đấu giá những con cá “khủng” được nuôi dưỡng trên hồ Hoà Bình đã thu hút thực khách trong và ngoài tỉnh tham gia.
Năm 2023, lần đầu tiên người tiêu dùng trong nước được chứng kiến 2 con cá có kích thước lớn được đem đến đấu giá, gồm cá trắm đen sông Đà nặng 30 kg của Công ty TNHH Thuỷ sản Hải Đăng Group; cá lăng đuôi đỏ nặng 20 kg của Công ty TNHH Xây dựng và dịch vụ Cường Thịnh.
Lễ hội năm 2024, hai doanh nghiệp này tiếp tục đem đến đấu giá 2 con cá có kích thước “khủng” hơn trước. Trong đó, Hải Đăng đem đến con cá tầm nặng 45 kg, được đấu giá 150 triệu đồng; Cường Thịnh đem đến cá trắm đen nặng 30 kg, được đấu giá 105 triệu đồng.
Toàn bộ số tiền đấu giá được sử dụng để mua cá giống thả tái tạo nguồn lợi thuỷ sản trên hồ Hoà Bình. Ông Nguyễn Đình Hiếu (Hà Nội), chủ nhân đấu giá thành công con cá tầm nặng 45 kg chia sẻ: Tôi rất yêu thích các sản phẩm cá từ sông Đà vì chất lượng thơm ngon nổi trội.
Nhiều lần tôi trải nghiệm câu cá trên sông Đà và mơ ước chinh phục được những con cá “khủng” nơi đây nhưng rất khó. Do đó tôi rất vui khi đấu giá thành công và sở hữu con cá có kích thước lớn được nuôi trên hồ Hoà Bình.
Có thể nói, việc tổ chức thành công Lễ hội Cá, tôm sông Đà đã tạo “sân chơi” mới để quảng bá thương hiệu thuỷ sản của Hoà Bình. Đồng chí Lương Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh cho biết: Để xây dựng, phát triển thương hiệu cá, tôm sông Đà, ngày 5/6/2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 966/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Phát triển thủy sản hồ chứa thủy điện Hòa Bình gắn với du lịch đến năm 2030.
Đây là cơ sở pháp lý, định hướng chiến lược để quản lý, phát triển, khai thác tiềm năng, lợi thế về thủy sản lòng hồ Hòa Bình đến năm 2030. Tỉnh xác định, du lịch là “đầu kéo” để nâng tầm giá trị của thương hiệu tôm, cá sông Đà. Định hướng lâu dài của Hoà Bình là khai thác giá trị thương hiệu tôm, cá sông Đà chứ không phải là sản xuất thủy sản sông Đà.
Nguồn: https://danviet.vn/thuy-quai-dong-vat-nuoi-tren-song-da-o-hoa-binh-suc-hut-tu-ca-tram-den-ca-tam-to-nhu-cot-nha-20250203091628975.htm