Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp áp dụng mức thuế quan toàn diện lên ba đối tác thương mại lớn nhất của đất nước. Việc tăng thuế quan ở mức cao là một chiến lược mạo hiểm, một chiến lược mà ngay cả ông Trump cũng chưa từng thử trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.
Thuế nhập khẩu sắp áp dụng đối với Mexico, Canada và Trung Quốc sẽ là phép thử lớn đối với cách sử dụng thuế quan của ông Trump . (Nguồn: Getty Images) |
Ngày 1/2, Tổng thống Trump ký sắc lệnh tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về kinh tế dựa trên Đạo luật Quyền lực kinh tế quốc tế khẩn cấp và Đạo luật Các trường hợp khẩn cấp quốc gia, để ra lệnh tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ ba nước đối tác lớn nhất của Mỹ.
Cụ thể, năng lượng nhập khẩu từ Canada sẽ bị áp thuế 10%, trong khi mặt hàng này từ Mexico vẫn bị áp thuế 25%. Hầu như toàn bộ những mặt hàng khác từ Mexico và Canada chịu mức thuế 25% và toàn bộ hàng hóa Trung Quốc chịu áp thuế thêm 10%.
Sắc lệnh bắt đầu có hiệu lực từ 0h01 ngày 4/2 (tức 12h01 ngày 5/2, giờ Hà Nội).
Hàng hóa từ Canada, Mexico và Trung Quốc đang được chất lên tàu hàng hoặc trong quá trình vận chuyển đến Mỹ trước mốc thời gian này sẽ được miễn áp dụng mức thuế mới.
Phép thử lớn, canh bạc lớn
Theo trang CNN, mức thuế nhập khẩu sắp áp dụng đối với Mexico, Canada và Trung Quốc sẽ là phép thử lớn đối với cách sử dụng thuế quan của ông Trump – được ông mô tả là “điều tuyệt vời nhất từng được phát minh”.
“Đây là một canh bạc lớn, có thể nói là lớn hơn bất kỳ chính sách kinh tế nào mà ông Trump từng ban hành trong hơn bốn năm ở Nhà Trắng nhiệm kỳ trước đó. Và chiến lược này có khả năng đảo lộn thứ mà nhiều cử tri quan tâm nhất: Nền kinh tế và chi phí sinh hoạt”, trang CNN viết.
Mạng truyền hình cáp nói trên cho rằng, thuế quan của ong Trump gây ra rủi ro lớn: Thứ nhất, làm tăng giá tiêu dùng – vốn đã cao tại các cửa hàng tạp hóa. Thứ hai, làm rung chuyển thị trường chứng khoán vốn đang bấp bênh. Thứ ba, ảnh hưởng đến thị trường việc làm.
Bà Mary Lovely, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson khẳng định: “Thuế quan sắp áp dụng có thể là bàn phản lưới nhà lớn nhất từ trước đến nay. Đây là một canh bạc lớn, khiến nền kinh tế tăng trưởng chậm và tăng lạm phát”.
Một thế giới rất khác biệt
Vị Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ coi thuế quan là một công cụ đàm phán, một cách hiệu quả để giành được đòn bẩy với các quốc gia khác.
Ông lập luận rằng, thuế quan là cần thiết để giải quyết những mối quan ngại chính, bao gồm thâm hụt thương mại, nhập cư bất hợp pháp và dòng chảy ma túy bất hợp pháp.
Ông Trump và những người ủng hộ ông thường chỉ ra một cách chính xác rằng, thuế quan trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông không gây ra tình trạng lạm phát. Tuy nhiên, khi đó, có mức thuế quan khác thời điểm hiện tại, được áp dụng trong một thế giới rất khác.
Người đứng đầu nước Mỹ đã tuyên bố áp thuế đối với 1,4 nghìn tỷ USD hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Theo ước tính của Tax Foundation, con số này cao hơn gấp ba lần so với mức 380 tỷ USD hàng hóa nước ngoài bị đánh thuế trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.
Và đặc biệt, trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, lạm phát không thực sự là vấn đề.
Toàn bộ hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ chịu áp thuế thêm 10%. (Nguồn: Global Times) |
Tại sao lại phải “đốt cháy ngôi nhà của chính mình”?
Theo quan điểm của Nhà Trắng, mức thuế quan của ông Trump sẽ không gây ra rắc rối cho nền kinh tế lớn nhất thế giới. Dù vậy, một số nhà kinh tế và chuyên gia thương mại lại rất lo ngại vì những mức thuế này nhắm vào các nước láng giềng gần nhất của Mỹ là Canada và Mexico.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã đe dọa – nhưng không bao giờ thực hiện – việc áp thuế đối với Canada và Mexico.
Việc áp thuế toàn diện lên hai quốc gia trên có thể gây ra tình trạng hỗn loạn chuỗi cung ứng trong nền kinh tế, dẫn đến giá cả tăng cao.
“Việc áp dụng mức thuế cao tới 25% đối với các đối tác thương mại gần nhất của chúng ta có nguy cơ tàn phá nền kinh tế hùng mạnh của Bắc Mỹ – nơi mà Mỹ phụ thuộc rất nhiều” – ông Christine McDaniel, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Mercatus của Đại học George Mason. |
Ông Christine McDaniel, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Mercatus của Đại học George Mason nhận thấy, việc áp dụng mức thuế cao tới 25% đối với các đối tác thương mại gần nhất của chúng ta có nguy cơ tàn phá nền kinh tế hùng mạnh của Bắc Mỹ – nơi mà Mỹ phụ thuộc rất nhiều.
Vị chuyên gia này đặt câu hỏi: “Tại sao bạn lại muốn đốt cháy ngôi nhà của chính mình?”
Điều này đặc biệt đúng trong ngành công nghiệp ô tô của Mỹ. Wolfe Research ước tính, giá của một chiếc ô tô thông thường được bán tại nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể tăng 3.000 USD do thuế quan.
Ngành công nghiệp dầu mỏ cũng thế. Các nhà phân tích cũng cảnh báo, thuế quan có thể làm tăng giá xăng ở Great Lakes, Midwest và Rockies. Đó là lý do tại sao Nhà Trắng cắt giảm thuế đối với năng lượng của Canada xuống còn 10%, thay vì toàn bộ 25%.
Giá cả hàng hóa là một điểm “đau đầu” lớn đè nặng lên cử tri trong cuộc bầu cử vừa qua. Mexico là nguồn cung cấp trái cây và rau quả nước ngoài lớn nhất của Mỹ, trong khi Canada là nguồn cung cấp số một về ngũ cốc, thịt và đường.
Bà Lovely nhấn mạnh, việc tăng thuế sẽ khiến giá cả tăng cao hơn đối với người tiêu dùng – đặc biệt là tại các cửa hàng tạp hóa và vật liệu xây dựng.
“Việc tăng giá do thuế quan sẽ không xảy ra ngay lập tức. Thay vào đó, chúng có thể diễn ra theo kiểu nhỏ giọt”, bà Lovely nói.
Thêm vào đó, chi phí đầu vào cao hơn, cùng với thuế quan trả đũa, có thể gây tổn hại đến chi tiêu của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Điều này khiến các nhà đầu tư và quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lo ngại.
Theo ước tính của nhà kinh tế trưởng Gregory Daco của EY, thuế quan của ông chủ Nhà Trắng với Mexico, Canada và Trung Quốc, cùng với thuế quan trả đũa của các quốc gia này, có thể xóa sổ 1,5% trong tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2025 và 2,1% GDP nữa vào năm 2026.
Ông Daco viết trong báo cáo rằng: “Việc tăng mạnh thuế quan đối với các đối tác thương mại của Mỹ có thể tạo ra cú sốc đình lạm, đồng thời gây ra sự biến động trên thị trường tài chính”.
“Đùa với lửa”
Một ẩn số lớn là cách Fed sẽ phản ứng với động thái của ông Trump.
Thuế quan có thể buộc Fed phải tiếp tục trì hoãn việc cắt giảm lãi suất.
Ông Daco khẳng định: “Nếu thuế quan đẩy kỳ vọng lạm phát lên cao hơn, Fed có thể cảm thấy áp lực phải duy trì lãi suất hạn chế trong thời gian dài hơn, thắt chặt điều kiện tài chính và gây sức ép lên đà tăng trưởng”.
Tất nhiên, vẫn còn quá sớm để nói chính xác mọi chuyện sẽ diễn ra như thế nào. Có nhiều biến số, bao gồm cả cách phản ứng của chuỗi cung ứng và người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, hoàn toàn có khả năng đạt được thỏa thuận giữa Mỹ và ba đất nước bị áp thuế – trước khi thuế quan gây ra thiệt hại thực sự.
Tuy nhiên, việc tăng thuế quan ở mức cao như vậy là một chiến lược mạo hiểm, một chiến lược mà ngay cả ông Trump cũng chưa từng thử trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Một chiến lược mà ông Joe Brusuelas, nhà kinh tế trưởng tại RSM cho rằng “đùa với lửa”.
Nguồn: https://baoquocte.vn/tong-thong-trump-chinh-thuc-ap-thue-voi-ba-doi-tac-pha-phan-luoi-nha-canh-bac-tri-gia-14-nghin-ty-usd-se-ra-sao-302933.html