Năm 2024, một ngành hàng thế mạnh của Việt Nam đã vượt qua nhiều ‘chông gai’, xuất khẩu đạt mức kỷ lục 16,3 tỷ USD. Ngành này bắt đầu tăng tốc để khai thác ‘kho vàng’ 40 triệu tấn.
Bài 1: Cú bứt phá ngoạn mục của ‘vua trái cây’, rau quả Việt thần tốc lên kỷ lục
Bài 2: Cà phê Việt thành ‘cây ATM’ hái tiền tỷ, giá đắt nhất thế giới
Bài 3: Âm thầm thành nhà cung ứng số 1 thế giới, ngành điều ‘ôm’ về kỷ lục 4,34 tỷ USD
Bài 4: Có kho hàng lớn nhất thế giới, ‘vàng đen’ Việt Nam sốt giá, vào thời hoàng kim
Bài 5: Ôm về 5,7 tỷ USD và bài hát ‘Rock Hạt gạo’
LTS: 2024 là năm ‘bội thu’ với ngành nông nghiệp Việt Nam. Rất nhiều ngành hàng truyền thống lấy lại vị thế, thu về số ngoại tệ kỷ lục lịch sử. Người nông dân nhiều nơi nhờ vậy đã đổi đời. Bên cạnh đó, có những ngành mới cũng đứng trước triển vọng sáng để tăng tốc.
Cùng VietNamNet nhìn lại bức tranh tươi sáng của ngành nông nghiệp Việt năm qua với niềm tin về một năm 2025 bứt phá qua tuyến bài ‘Đường đến những kỷ lục của nông sản Việt’.
Xuất khẩu dẫn đầu lĩnh vực nông nghiệp
Theo thống kê, gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam năm 2024 có mặt ở trên 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 5 thị trường lớn là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU chiếm tới hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành.
Đáng chú ý, trong năm qua, thế mạnh này của nước ta đã vượt qua nhiều “chông gai” liên quan đến truy xuất nguồn gốc, gỗ bất hợp pháp, điều tra chống bán phá giá hay siêu bão số 3 Yagi… thu về 16,3 tỷ USD. So với năm 2023, kim ngạch xuất khẩu tăng 20,9%, lập kỷ lục lịch sử.
Con số đó còn giúp ngành gỗ giữ vững vị trí số 1 trong lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời lọt top 8 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước.
Việt Nam cũng vươn lên đứng thứ 5 thế giới về tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Trung Quốc) về nhóm sản phẩm đồ gỗ có giá trị gia tăng cao (đồ mộc trong nhà và ngoài trời).
Cục Lâm nghiệp Việt Nam (Bộ NN-PTNT) cho biết, trong hơn 24 năm tham gia xuất khẩu, thế mạnh này của Việt Nam tăng trưởng không ngừng nghỉ, liên tục phá kỷ lục. Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam từ 219 triệu USD năm 2000 tới năm 2022 đạt 16 tỷ USD.
Năm 2023, xuất khẩu nhóm mặt hàng này giảm mạnh còn 13,5 tỷ USD do ảnh hưởng bởi hậu đại dịch Covid-19, nhưng đã bật tăng trở lại trong năm 2024 và đạt mức cao nhất lịch sử. Đây là mức tăng trưởng dẫn đầu lĩnh vực nông nghiệp.
Đáng nói, xuất siêu gỗ và sản phẩm gỗ cao chót vót. Năm 2010, xuất siêu chỉ dừng ở con số 2,5 tỷ thì năm 2015 đã tăng lên 5 tỷ USD, năm 2020 đạt 10,6 tỷ USD. Đến năm 2024, xuất siêu lên tới 13,55 tỷ USD, chiếm gần 75,7% thặng dư thương mại của toàn ngành nông nghiệp.
Các chuyên gia nhận định, có được thành quả trên là bởi chúng ta hình thành được chuỗi ngành sản xuất. Thay vì xuất thô như phần lớn các nhóm hàng nông sản, ngành gỗ Việt đã đưa nguyên liệu vào chế biến sau đó chủ yếu xuất khẩu sản phẩm.
Cụ thể, trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu năm vừa qua, đồ gỗ nội thất chiếm tỷ trọng 61%; dăm gỗ 17%; gỗ, ván và ván sàn gỗ chiếm 13%; gỗ viên nén 5%, loại khác 4%.
Không chỉ vậy, gỗ nguyên liệu nhập khẩu và gỗ nguyên liệu trong nước dùng cho chế biến đã có sự đảo chiều. Các sản phẩm gỗ tiêu dùng Việt Nam phần lớn có nguyên liệu từ gỗ rừng trồng, hạn chế gỗ nhập khẩu, nghiêm cấm khai thác gỗ rừng tự nhiên.
Những năm gần đây, nhập khẩu gỗ nguyên liệu gần như đi ngang hoặc tăng không đáng kể, thay vào đó Việt Nam sử dụng 75-80% gỗ nguyên liệu từ rừng trồng. Đặc biệt, gỗ nguyên liệu khai thác từ các khu rừng được chứng nhận quản lý rừng bền vững có xu hướng tăng cao, đáp ứng quy định của các thị trường xuất khẩu, đưa nghề rừng phát triển theo hướng bền vững.
Ngoài những thành tựu về xuất khẩu, cuối năm 2023, lâm nghiệp cũng là ngành đầu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon (10,3 triệu tấn CO2) rừng, thu về khoảng 1.250 tỷ đồng.
Tăng tốc khai thác ‘kho vàng’ 40 triệu tấn
Trong đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021-2030 đưa ra mục tiêu giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2030 phấn đấu đạt 25 tỷ USD, riêng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 20,4 tỷ USD.
Mới đây, Bộ NN-PTNT đề ra mục tiêu cho xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2025 đạt 17,5-18 tỷ USD khi thị trường vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu chủ lực có nhiều tín hiệu phục hồi.
Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, cho rằng, yếu tố xanh sẽ là một trong những tác động lớn đến xu hướng xuất khẩu gỗ của Việt Nam, sẽ là chìa khoá cho ngành gỗ xuất khẩu bền vững trong dài hạn.
Những năm gần đây, ngành lâm nghiệp đang hướng đến trồng rừng gỗ lớn, rừng được quản lý bền vững và cấp chứng chỉ (FSC hoặc PEFC).
Bên cạnh đó, Cục Lâm nghiệp đã phối hợp với các đơn vị thực hiện thí điểm việc cấp mã số vùng trồng rừng tại một số tỉnh phía Bắc, tiến tới mở rộng ra toàn quốc.
Nhiệm vụ của mã số này là phát triển chuỗi cung gỗ hợp pháp, đảm bảo truy xuất nguồn gốc gỗ thích ứng với các yêu cầu quốc tế, cũng như phát triển phương pháp đo đếm, báo cáo và thẩm định (MRV) để xác định khả năng hấp thụ, lưu trữ carbon rừng trồng.
Tiêu chuẩn rừng trồng của Việt Nam càng cao, gỗ và sản phẩm chế biến từ gỗ càng dễ thâm nhập vào những thị trường khó tính, ông Trần Quang Bảo nhấn mạnh.
Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan mới đây đã chỉ đạo các địa phương và ngành lâm nghiệp phải tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân đầu tư trồng rừng sản xuất và chế biến lâm sản, phát triển du lịch sinh thái; chế biến, xuất khẩu lâm sản đáp ứng theo tiêu yêu cầu, chuẩn quốc tế; đồng thời đẩy mạnh triển khai dịch vụ hấp thụ, lưu giữ carbon và phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng.
Thị trường tín chỉ carbon toàn cầu đang phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những lĩnh vực giao dịch sôi động nhất. Trước đó, tín chỉ carbon rừng ở nước ta đã được chuyển nhượng cho Ngân hàng Thế giới với giá 5 USD/tín chỉ.
Thông tin từ Cục Lâm nghiệp, trước năm 2010, lĩnh vực này vẫn đang phát thải. Còn từ năm 2010 đến nay, con số giảm phát thải đạt được rất ấn tượng, khoảng 40 triệu tấn CO2/năm.
Mỗi năm, nếu chúng ta tăng được hấp thụ carbon từ rừng thì có thể nâng cao được năng suất chất lượng rừng nghèo kiệt và rừng trồng, từ đó thu về 60-70 triệu tấn tín chỉ CO2/năm.
Theo đó, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được coi là một nhiệm vụ trọng yếu. Những cánh rừng của Việt Nam không chỉ là nơi bảo tồn, lưu giữ giá trị đa dạng sinh học mà còn ẩn chứa sâu trong những tầng lá là “kho vàng” – nguồn carbon cây rừng hấp thụ.
Đây không chỉ là nguồn tài chính bền vững để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng mà còn góp phần thực hiện thành công cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế, hướng đến Net Zero vào năm 2050.
Bài cuối: Giải ‘bài toán chạm trần’, nông sản Việt sẽ tăng gấp 10 lần giá trị
Nguồn: https://vietnamnet.vn/nganh-go-viet-thu-16-3-ty-usd-khai-thac-kho-vang-40-trieu-tan-2365943.html