(Dân trí) – Hà Hương Trà, người Tày, và Mạc Phương Dung, người Sán Dìu, đang học lớp 11 Trường THPT Phủ Thông, Bắc Kạn đã giành giải ý tưởng khởi nghiệp toàn quốc với sản phẩm thuốc trị rôm từ thảo dược vườn nhà.
Mạc Phương Dung và Hà Hương Trà là hai tác giả của dự án “Chuỗi cung ứng và kinh doanh sản phẩm phòng và trị rôm cho trẻ từ thảo dược vườn nhà”.
Sản phẩm của các em đã giành giải khuyến khích cuộc thi Ý tưởng khoa học/khởi nghiệp trong học sinh THPT năm 2024, đồng thời là 1 trong 47 sản phẩm tham gia liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo toàn quốc.
Đáng nói, cả hai em chỉ mới 16 tuổi, là học sinh lớp 11B Trường THPT Phủ Thông, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn.
Huyện Bạch Thông nơi hai em ở cách trung tâm thành phố Bắc Kạn khoảng 20km, cách hồ Ba Bể khoảng 50km. Trà là người Tày còn Dung là người Sán Dìu. Cộng đồng dân cư xung quanh hầu hết là người Tày, Nùng, Dao, H’Mông.
Ý tưởng làm thuốc trị rôm cho trẻ em từ thảo dược vườn nhà xuất phát từ tình yêu với môn sinh học mà cô Ngô Thị Hiền – giáo viên chủ nhiệm của Dung và Trà – truyền cho các em.
“Chúng em đều học ban xã hội, còn cô chủ nhiệm của chúng em dạy môn sinh học. Cô giỏi và nhiều kiến thức đến nỗi bọn em từ không biết gì về sinh học trở nên vô cùng yêu thích môn học này”, Trà chia sẻ.
Cô Hiền chính là người tìm hiểu thông tin về cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp và “rủ” học sinh tham gia. Dưới sự gợi ý của cô, Dung và Trà bắt đầu tìm hiểu, khảo sát thực tế.
Quan sát cộng đồng quanh nơi mình sinh sống, hai nữ sinh nhận thấy một vấn đề phổ biến đối với trẻ nhỏ 1-2 tuổi là rôm sảy. Mặc dù chỉ là bệnh ngoài da lành tính, có thể tự khỏi, rôm sảy khiến cho trẻ bị ngứa ngáy, khó chịu. Nhiều trường hợp trẻ quấy khóc, bỏ bú, bỏ ăn, ngủ không ngon giấc do ngứa. Trẻ lớn hơn có thể gãi nhiều vào đám mụn ngứa dẫn đến trầy xước da, viêm da.
Dung và Trà nảy ra ý tưởng sẽ làm thuốc trị rôm bằng thảo dược vườn nhà. Khi hai học trò đề xuất ý tưởng, cô Hiền lập tức ủng hộ.
Vốn không biết quá nhiều về cây thuốc, hai em được cô giáo chỉ dẫn về công dụng của từng loại, các hoạt chất có trong mỗi loại. Hầu hết đều là những loại cây trồng phổ biến ở địa phương. Từ kiến thức khoa học, Trà và Dung phân tích thành phần, thử nghiệm kết hợp các loại thảo dược, thử nghiệm pha trộn tỷ lệ.
Sau nhiều lần thử nghiệm như thế, các em quyết định dùng 5 loại là mướp đắng, tía tô, sả, hương nhu và lá vối. Tỷ lệ pha trộn 1:1:1:1:1. Nguyên liệu được hái tươi, chọn phần lá bánh tẻ, không quá già không quá non. Sả bóc bỏ các lớp lá ngoài. Mướp đắng chọn quà vừa tầm, không sâu.
Dung cho biết, trừ hương nhu không có nhiều phải đi xin hàng xóm, 4 loại còn lại các em hái ngay trong vườn nhà mình. Các em sơ chế nguyên liệu sạch sẽ, khô ráo rồi nhờ cô chủ nhiệm mang về thành phố Bắc Kạn để sấy và nghiền bởi ở Bạch Thông không có các máy chuyên dụng này.
Sau khi toàn bộ nguyên liệu đã được sấy khô và nghiền nhỏ, hai nữ sinh tiến hành đóng gói sản phẩm. Vải làm túi lọc đặt mua trên mạng. Nguyên liệu chia vào túi lọc theo liều lượng đủ dùng cho một lần pha nước tắm. Mỗi gói sản phẩm có 10 túi lọc, tắm được 10 lần.
Khách hàng tình nguyện cho hai em là cháu của Trà. Em bé tắm lá trong 10 ngày thì giảm hẳn, tắm đến ngày thứ 30 thì hầu hết mụn rôm lặn hết. Hai em cũng đi xin người dân xung quanh dùng thử và cho phản hồi khả quan sau 10 ngày dùng. Kết quả thử nghiệm đáng tin cậy giúp Trà và Dung mạnh dạn gửi sản phẩm đi dự thi.
Việc vượt qua hàng nghìn sản phẩm để có mặt trong 29 ý tưởng đạt giải toàn quốc là thành công ngoài mong đợi của hai nữ sinh lớp 11.
“Trong toàn bộ thời gian làm dự án, cô Hiền hỗ trợ chúng em rất nhiều. Nhà cô ở thành phố, ngày ngày cô đi đi về về hơn 40 cây số nên không phải lúc nào chúng em cũng liên hệ được với cô. Tuy vậy, chỉ cần cầm máy là cô trả lời tin nhắn ngay lập tức.
Cô cũng giúp chúng em mang sản phẩm đi kiểm định. Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm thuộc Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn kết luận: Mẫu kiểm nghiệm thảo dược tắm gội phòng và trị rôm cho trẻ đạt yêu cầu chất lượng, các chỉ tiêu đã thử theo tiêu chuẩn ASEAN”, Dung chia sẻ.
Từ một sản phẩm dự thi, Trà và Dung quyết định triển khai bán thương mại. Hai em xây dựng giá thành, rồi mở một kênh TikTok để bán hàng. Gói tắm thảo dược trị rôm được bán với giá 60.000 đồng. Tuy vậy, Trà thành thật, các em chưa bán được nhiều vì chưa biết cách làm thế nào để clip của mình lên được xu hướng.
“Mỗi lần được xuống Hà Nội tham gia các sự kiện, chúng em đều mang sản phẩm đi để tranh thủ quảng bá. Khách hàng xa nhất mà chúng em bán được trong các dịp như thế là một anh ở tận Gia Lai”, Trà nói.
Mục tiêu của hai em là đưa sản phẩm trở nên phổ biến để có thể thúc đẩy sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Trà và Dung đều chọn phân ban xã hội khi bước vào lớp 10. Nhưng hiện tại cả hai em đều chuyển hướng. Xác định sẽ thi tốt nghiệp THPT với 4 môn là toán, ngữ văn, sinh học và lịch sử, Trà biết sẽ có ít ngành học để bản thân lựa chọn. Song, em tin rằng theo đuổi sinh học là con đường đúng đắn nhất và thú vị nhất của mình.
Trà mong muốn đỗ vào ngành sư phạm sinh học để trở về quê hương làm cô giáo dạy sinh, truyền tình yêu và đam mê nghiên cứu thế giới thực vật như cô Hiền đã làm với các em. Trong khi đó, Dung đặt mục tiêu du học Trung Quốc.
Chia sẻ về hai học trò, cô Ngô Thị Hiền nói với phóng viên Dân trí: “Trà và Dung rất đam mê nghiên cứu khoa học. Để nghiên cứu khoa học, các em cần nhiều kiến thức về khoa học tự nhiên, phần nào khó khăn với học sinh ban xã hội.
Thế nhưng, hai em đã không ngừng cố gắng và làm dự án bằng tất cả tình yêu, nhiệt huyết. Không lúc nào không trông thấy sự nhiệt tình và thích thú ở hai em trong suốt quá trình làm dự án.
Sản phẩm của các em đã được kiểm định chất lượng và chứng minh hiệu quả trên một số người dùng tại địa phương. Các em muốn cùng cô chinh phục nhiều sản phẩm khác từ thảo dược trong tương lai”.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/chuyen-chua-ke-ve-hai-nu-sinh-san-xuat-thuoc-tri-rom-doat-giai-khoi-nghiep-20250125140954052.htm