(NLĐO) – Nhiều nhà khoa học đang nghiên cứu và xây dựng côn trùng kết hợp máy móc – như loài gián hay bọ cánh cứng bóng tối – để ứng dụng trong tìm kiếm cứu hộ.
“Bệnh nhân” được ngâm trong bồn nước đá để chuẩn bị cho ca phẫu thuật sắp tới. Sau khi đã gây tê đủ, sinh viên Lachlan Fitzgerald của Đại học Queensland (Úc) bắt đầu cẩn thận gắn một bảng mạch nhỏ vào lưng bệnh nhân để tạo ra một robot sinh học kết hợp giữa sinh vật sống và máy móc.
Trên thực tế, “bệnh nhân” này là một con bọ cánh cứng, và thiết bị trên sẽ gửi các xung điện đến râu của mẫu vật, cho phép Fitzgerald kiểm soát chuyển động và tận dụng sự linh hoạt tự nhiên của nó.
“Chúng tôi chỉ can thiệp khi nó đi chệch khỏi hướng đi chúng tôi mong muốn, chỉ dẫn cho nó đi theo hướng này” – anh chia sẻ.
Chàng sinh viên này hy vọng trong tương lai, anh sẽ tạo ra một “đội quân” tìm kiếm gồm côn trùng kết hợp máy móc. “Sau mỗi thảm họa đô thị như động đất hoặc đánh bom, khi con người không thể tiếp cận hiện trường thảm họa một cách an toàn, việc cử một nhóm bọ cánh cứng gắn thiết bị điện tử (cyborg) di chuyển quanh vùng thảm họa sẽ nhanh chóng và hiệu quả” – anh giải thích.
Côn trùng nhiều “tính năng” hơn robot
Phòng thí nghiệm sinh học robot nơi Fitzgerald làm việc đang tìm cách lắp “balo” điều khiển vào loài gián đào hang khổng lồ – một loài có nguồn gốc từ Úc, dài tới 8 cm – và bọ cánh cứng bóng tối.
Các loài thuộc họ bọ cánh cứng bóng tối được tìm thấy trong hàng loạt môi trường khác nhau, từ thảo nguyên nhiệt đới tới sa mạc khô cằn trên khắp thế giới.
Theo Fitzgerald, côn trùng cyborg có lợi thế hơn so với robot thông thường. Anh giải thích: “Côn trùng có khả năng thích nghi cao hơn nhiều so với hệ thống robot nhân tạo, bởi hệ thống này phải chạy qua rất nhiều phép tính để xử lý tất cả kịch bản khác nhau có thể xảy ra trong thế giới thực”.
Trong khi đó, gián hoặc bọ cánh cứng cyborg tìm kiếm – cứu hộ có thể hỗ trợ trong các tình huống thảm họa bằng cách tìm và báo cáo vị trí của người sống sốt hoặc cung cấp thuốc trước khi lực lượng cứu hộ có thể tới đó.
Song trước tiên, các nhà nghiên cứu Úc phải nắm vững khả năng điều khiển chuyển động của côn trùng. Fitzgerald cho biết mặc dù nghiên cứu này nghe có vẻ xa vời ở thời điểm hiện tại, trong vài thập niên tới, côn trùng cyborg có thể cứu sống con người.
Tiềm năng lớn
Fitzgerald không phải là nhà nghiên cứu duy nhất tạo ra robot từ sinh vật sống. Ví dụ, các học giả tại Viện Công nghệ California (Caltech – Mỹ) đang cấy máy tạo nhịp tim điện tử vào sứa để kiểm soát tốc độ bơi của chúng. Họ hy vọng những con sứa sinh học này sẽ thu thập dữ liệu về lòng đại dương.
Vào tháng 9-2024, các nhà nghiên cứu của Đại học Cornell (Mỹ) cho ra mắt những robot do một loài nấm sò vua điều khiển. Những robot này có khả năng cảm nhận và phản ứng với môi trường bằng cách khai thác tín hiệu điện và độ nhạy sáng của nấm. Từ đó, robot nhận biết thành phần hóa học trong đất gần cây trồng để quyết định thời điểm bón thêm phân.
Nghiên cứu về robot lai sinh học ngày càng phổ biến đã làm dấy lên tranh luận về mặt đạo đức. Một số nhà khoa học ủng hộ quản lý và giám sát kỹ lưỡng hơn ngành này. Các học giả của Caltech cho biết họ đã làm việc với các nhà đạo đức sinh học để đảm bảo các biện pháp can thiệp không dẫn tới căng thẳng cho loài sứa.
Fitzgerald nói những con bọ cánh cứng cyborg có tuổi thọ bình thường. “Vì vậy, tôi không nghĩ chúng bận tâm. Khoa học vẫn chưa chứng minh được liệu chúng có thực sự là những sinh vật có ý thức không” – anh nói.
Fitzgerald đồng ý những lo ngại về phúc lợi của các sinh vật là có cơ sở nhưng thúc giục công chúng cân nhắc đến những lợi ích: “Tôi nghĩ tiềm năng cứu sống con người trong thảm họa đô thị của công nghệ này lớn hơn mọi do dự”.
Nguồn: https://nld.com.vn/tiem-nang-gian-robot-khong-lo-tim-kiem-va-cuu-ho-19625011715502523.htm