(CLO) Cứ đến ngày mùng 5 tháng Giêng, Lễ hội Gò Đống Đa lại được tổ chức trọng thể mở đầu cho các lễ hội truyền thống của dân tộc, để tưởng nhớ người Anh hùng áo vải cờ đào của dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ. Năm nay, Lễ hội sẽ được tổ chức trong ba ngày, từ ngày 2-4/2/2025 (tức từ ngày mùng 5-7 tháng Giêng, năm Ất Tỵ 2025).
Năm nay, lần đầu tiên Lễ hội được tổ chức vào tối ngày 2/2 (mùng 5 tháng Giêng) tại Công viên văn hóa Đống Đa thay vì vào buổi sáng như mọi năm.
Điểm nhấn của Lễ hội năm nay là chương trình nghệ thuật “Đống Đa – Sử vàng lưu danh – Tương lai vững bước”, có sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng: NSND Thanh Lam, ca sĩ Trọng Tấn, ca sĩ Minh Quân, ca sĩ Vũ Thắng Lợi, ca sĩ Hoàng Hồng Ngọc, ca sĩ Ngọc Ký, ca sĩ Viết Danh, ca sĩ Đông Hùng, ca sĩ Minh Đức, ca sĩ Quỳnh Lady, ca sĩ Minh Phương cùng vũ đoàn Lavender, Câu lạc bộ Sao Tuổi Thơ, tập thể diễn viên quần chúng quận Đống Đa.
Theo tiết lộ của Ban tổ chức, chương trình nghệ thuật sẽ có nhiều tiết mục độc đáo được làm theo hình thức bán thực cảnh kết hợp công nghệ 3D mapping hiện đại, kể câu chuyện lịch sử theo một cách thức hiện đại với các chương hồi, cảnh diễn, nối tiếp, được biến chuyển tinh tế bằng kĩ xảo, âm nhạc hấp dẫn và đa dạng hình thức thể hiện như: ca hát, xiếc, múa, đồng diễn trống… Đây có thể coi là chương trình được tổ chức quy mô nhất từ trước đến nay của Lễ hội.
Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Thanh Tùng khẳng định, cho đến thời điểm hiện tại, mọi công tác chuẩn bị cho Lễ hội đang gấp rút thực hiện, trong đó điểm nhấn là chương trình nghệ thuật “Đống Đa – Sử vàng lưu danh – Tương lai vững bước” đã hoàn thành 80% hạng mục công việc; đảm bảo tiến độ, kế hoạch đề ra. Với nhiều yếu tố mới lần đầu tiên diễn ra nên địa phương đã lên các phương án chuẩn bị kỹ lưỡng. Quận yêu cầu các địa phương bám sát kịch bản, kế hoạch tổ chức, sẵn sàng công tác tổ chức và ứng phó với các tình huống trước, trong và sau Lễ hội.
Ngược dòng lịch sử cách đây 236 năm vào mùa Xuân Kỷ Dậu 1789, dưới sự lãnh đạo và chỉ huy tài tình của Quang Trung – Nguyễn Huệ đã làm nên chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa với một cuộc hành quân thần tốc chưa từng có, đập tan quân xâm lược Mãn Thanh, được chỉ huy của tướng tài Tôn Sỹ Nghị, giải phóng Thăng Long, giành lại độc lập tự do cho dân tộc.
Triều đình nhà Thanh từ khi được thành lập luôn rắp tâm xâm lược thôn tính nước ta, luôn kiếm cớ gây hấn. Lợi dụng việc Lê Chiêu Thống bán nước cầu vinh, cầu viện nhà Thanh với mối thù sâu sắc với nhà Nguyễn, nhà Thanh đã mang 20 vạn quân viễn chinh sang xâm lược nước ta.
Không thể nhìn đất nước bị giặc phương Bắc dày xéo, nhân dân chịu cảnh lầm than nô lệ, trước mối thù trong giặc ngoài của bọn phong kiến bán nước và triều đình nhà Thanh, Nguyễn Huệ đã dấy binh khởi nghiệp và lên ngôi Hoàng đế hiệu là Quang Trung rồi nhanh chóng tổ chức cuộc hành quân thần tốc ra Bắc.
Đầu tháng Giêng năm Kỷ Dậu 1789, Nguyễn Huệ đã chỉ huy hành quân sau một thời gian rất ngắn đã có mặt tại Tam Điệp và hội quân với Tướng Ngô Văn Sở chuẩn bị tiến vào Thăng Long, tuyên chiến với quân Thanh.
Với tài chỉ huy và lực lượng quân tinh nhuệ cùng sự ủng hộ của nhân dân các vùng trong cả nước nơi nghĩa quân hành quân qua, tiếp tế lương thực và tuyển mộ người tài giỏi tham gia nghĩa quân, nghĩa quân Tây Sơn đã vượt qua và tiêu diệt các đồn bốt của giặc như Gián Khẩu, Thanh Quyết, Nhật Tảo lần lượt thất thủ.
Đêm mồng 3 Tết Kỷ Dậu 1789, quân Tây Sơn bao vây khống chế đồn Hạ Hồi (cách Thăng Long khoảng 20km), uy hiếp và làm tan rã lực lượng lớn quân Thanh mở màn cho chiến dịch giải phóng Thăng Long. Ngày mồng 4 Tết Kỷ Dậu 1789, nghĩa quân đã tiếp cận được đồn Ngọc Hồi và phối hợp với các đạo quân khác chuẩn bị đánh chiếm và giải phóng Thăng Long.
Sáng sớm mồng 5 Tết Kỷ Dậu 1789, quân Tây Sơn khắp nơi hò reo nổi dậy, xung trận phá hủy các chiến lũy, đồn bốt và toàn bộ hệ thống phòng thủ phía nam đồn Ngọc Hồi, đồng thời phối hợp với đạo quân của tướng Đặng Tiến Đông mở cuộc tiến công hết sức bất ngờ tiến vào khu đồn bốt Đống Đa, nhanh chóng thọc sâu vào những vị trí trọng yếu của quân Thanh tiêu diệt sở chỉ huy địch.
Quân Thanh bị tiêu diệt đến 5000 quân, xác xếp thành gò trước sức tiến công như triều dâng, nước nổi của nghĩa quân Tây Sơn. Tướng giặc là Sầm Nghi Đống phải treo cổ tự tử ngay tại sở chỉ huy, nghĩa quân Tây Sơn tiếp tục truy đuổi, bao vây doanh trại của tướng giặc là Tôn Sỹ Nghị.
Tôn Sỹ Nghị vội vàng vượt cầu phao trên sông Nhị Hà (sông Hồng) tháo chạy, tàn quân Thanh thấy vậy cũng chen lấn xô đẩy, sống chết tháo chạy vượt cầu phao đến nỗi cầu phao cũng gãy đứt, quân Thanh chết hàng vạn người xác nổi đầy sông, Thăng Long được hoàn toàn giải phóng, đất nước được độc lập.
Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa một lần nữa chứng minh cho tài thao lược của nhà quân sự áo vải tài ba Quang Trung – Nguyễn Huệ và tinh thần yêu nước của dân tộc ta với ý chí quật khởi và cuộc hành quân thần tốc, nghệ thuật chớp thời cơ trong dấy binh khởi nghiệp.
Lễ hội Gò Đống Đa 2025 sẽ tái hiện chiến công hiển hách này với hàng loạt chương trình nghệ thuật đỉnh cao, hứa hẹn trở thành một sự kiện văn hóa đặc sắc, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.
Kiều Anh
Nguồn: https://www.congluan.vn/le-hoi-go-dong-da-2025-tai-hien-chien-cong-lich-su-bung-no-nghe-thuat-hoanh-trang-post332629.html