Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, ngành Ngân hàng đã nhận thức cao và chỉ đạo quyết liệt công tác chuyển đổi số nhằm chuyển đổi hầu hết các hoạt động quản lý nhà nước, dịch vụ tín dụng sang môi trường số, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Thời gian qua, trong công tác chuyển đổi số quốc gia, ngành Ngân hàng đã đạt được một số kết quả tích cực, nổi bật. Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đã lấy người dân, doanh nghiệp, đơn vị hành chính-sự nghiệp là chủ thể, là trung tâm của chuyển đổi số; để người dân, doanh nghiệp, đơn vị hành chính-sự nghiệp được thụ hưởng những thành quả từ chuyển đổi số mang lại, trên tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau. Thời gian tới, mong NHNN cùng toàn ngành Ngân hàng quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức để thúc đẩy chuyển đổi số.
Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia Dấu ấn CMC tại Hội nghị toàn quốc về KHCN, Đổi mới Sáng tạo và Chuyển đổi số Quốc gia |
“Hạt nhân” của kinh tế số
Việt Nam đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất. Đây là lời khẳng định của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm trong buổi trao đổi về chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số.
Thực tế trong thời gian qua, thúc đẩy kinh tế số được Chính phủ Việt Nam coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, từ đó đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển. Ngành Ngân hàng với vai trò đặc biệt quan trọng là huyết mạch của nền kinh tế, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định và kỳ vọng sẽ tiên phong trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Xác định đẩy mạnh chuyển đổi số là một chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ là hướng đi tất yếu trong kỷ nguyên 4.0, ngành Ngân hàng Việt Nam đã tích cực, chủ động nghiên cứu, triển khai đồng bộ nhiều chính sách, biện pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số nhanh và thực chất. Thống đốc NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Nghị quyết 50/NQ-CP và “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện.
Cùng với việc ban hành kế hoạch hành động toàn Ngành, NHNN cũng tích cực hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo ra những cú hích mạnh mẽ cho việc chuyển đổi số của các TCTD. Trong đó nổi bật là NHNN trình Quốc hội thông qua Luật Các TCTD (2024), trình Chính phủ ban hành Nghị định 52/2024/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), cùng với việc ban hành 07 Thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn Luật Các TCTD và quy định chi tiết nội dung tại Nghị định 52/2024/NĐ-CP. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng chú trọng đầu tư, nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ TTKDTM, nhất là thanh toán điện tử nhằm nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán ngày càng tăng của xã hội và thích ứng với tiến trình hội nhập tài chính quốc tế.
Theo bà Đoàn Hồng Nhung, Giám đốc Khối Bán lẻ, Vietcombank, nhờ hành lang pháp lý thuận lợi đã tạo ra cho ngân hàng rất nhiều “xung lực” mới cho quá trình chuyển đổi số. Gần đây nhất, trong chiến lược phát triển 5 năm, tầm nhìn 2030, lần đầu tiên Vietcombank xây dựng chiến lược phát triển song hành với chiến lược chuyển đổi số, có chương trình hành động rất rõ ràng với các nền tảng cơ sở về công nghệ, dữ liệu cùng hệ thống chính sách, cơ sở pháp lý mà cơ quan quản lý trực tiếp là NHNN đã mở ra. Vietcombank cũng thực hiện chuyển đổi số từ nội bộ đến khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp, tỷ trọng giao dịch xử lý trên kênh số đạt trên 90%.
Không chỉ Vietcombank, nhiều ngân hàng tại Việt Nam cũng đang gặt hái những thành tựu nổi bật trong tiến trình chuyển đổi số. Ông Pranav Seth, Giám đốc khối ngân hàng số Techcombank cho biết, các công nghệ mới AI, GEN AI, Machine Learning đã trở thành mấu chốt và động lực để nâng cao doanh thu, lợi nhuận của ngân hàng. Trong ba năm qua, chuyển đổi số tại Techcombank không chỉ đơn thuần là kênh giao dịch số, kênh giao dịch online, mà chính là nguồn doanh thu mới. Hiện nay, khoảng 35% doanh thu của ngân hàng này đến từ khách hàng số hoặc giao dịch số.
Từ những thành quả đạt được trong thời gian qua, có thể thấy, ngành Ngân hàng đã đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ để tạo ra những đột phá cho quá trình chuyển đổi số và dẫn đầu xu thế đổi mới sáng tạo. Tốc độ chuyển đổi số của Việt Nam trong thời gian qua không chỉ nhanh chóng mà còn hiệu quả, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Ngành Ngân hàng tiên phong chuyển đổi số cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới |
Cơ hội song hành với thách thức
Khi mọi dịch vụ đều đã được tích hợp trên ứng dụng của các nhà băng, giờ đây chuyển đổi số ngân hàng đang tiến lên tầm cao mới hướng tới nâng cao trải nghiệm, cá nhân hoá theo từng khách hàng. Để đạt được mục tiêu trên, sự phát triển từ AI truyền thống sang AI tạo sinh đang mở ra những cơ hội chưa từng có trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường tương tác với khách hàng. Đây là cơ hội để các nhà băng tăng tốc và nâng tầm tiến trình chuyển đổi số của mình.
Số liệu từ FPT Digital cho thấy, ngành Ngân hàng là một trong số những ngành đang có mức độ trưởng thành về AI cao nhất. Kinh phí của các ngân hàng cho GenAI được dự đoán sẽ tăng lên 85 tỷ USD vào năm 2030, tăng mạnh so với mức 6 tỷ USD năm 2024, đánh dấu mức đầu tư tăng hơn 1.400%. Ông Đoàn Hữu Hậu, Giám đốc Dịch vụ Chuyển đổi và AI FPT Digital cho biết, ngành Ngân hàng với đặc thù là kinh doanh tiền tệ, tài chính có mức độ nhạy bén cao với nhu cầu thị trường và mức độ trưởng thành cao về ứng dụng công nghệ, tạo ra cả điều kiện cần và điều kiện đủ để đi đầu trong ứng dụng công nghệ AI.
Tuy nhiên, cơ hội luôn song hành với thách thức. Theo bà Nguyễn Thị Thu – Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN, tuy công nghệ mới đem lại nhiều cơ hội thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số của ngành Ngân hàng nhưng những công nghệ này đòi hỏi các ngân hàng phải đầu tư, cập nhật, thay đổi trong mô hình kinh doanh, quy trình nghiệp vụ, cấu trúc sản phẩm, dịch vụ. Chưa kể đến xu hướng tội phạm mạng ứng dụng công nghệ cao ngày càng gia tăng khiến công tác đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống ngày càng trở nên khó khăn, đòi hỏi đầu tư nhiều nguồn lực…
Về vấn đề này, trong thời gian qua, NHNN với vai trò cơ quan quản lý đã và đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp để “hóa giải” áp lực trên. Một trong những “chiến dịch” bảo vệ khách hàng nổi bật trong năm 2024 là theo quy định tại Thông tư 17/2024/TT-NHNN về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và Thông tư 18/2024/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, từ ngày 1/1/2025, chủ tài khoản thanh toán/chủ thẻ ngân hàng không thể thực hiện các giao dịch trực tuyến và giao dịch chuyển/rút tiền tại ATM nếu chưa hoàn thành đối chiếu giấy khai báo và thông tin sinh trắc nghiệm đúng đắn; Chưa cập nhật, tiện ích bổ sung thông tin mới thay thế cho giấy tờ tùy thân (CMND, CCCD, hộ chiếu, thị thực) đã hết hiệu lực.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng chia sẻ, ngành Ngân hàng lấy đích ngày 1/1/2025 đảm bảo dữ liệu tài khoản của ngân hàng phải là dữ liệu sống. Dữ liệu này đối chiếu đầy đủ với CCCD gắn chip giúp loại trừ, giảm thiểu việc cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng góp phần ngăn chặn hành vi lừa đảo.
Trong thời gian tới, đại diện NHNN cho biết, sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số ngân hàng, trước mắt là ban hành và triển khai nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng; triển khai, rà soát, sửa đổi, bổ sung các Thông tư hướng dẫn Luật Các TCTD (nếu cần). Bên cạnh đó, tập trung vào khai thác cơ sở dữ liệu về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử để xác minh chính xác khách hàng; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khách hàng của ngân hàng. Song song với thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, khai thác hiệu quả dữ liệu, ngành Ngân hàng cũng chú trọng cảnh báo sớm, kịp thời phát hiện ngăn ngừa, phòng, chống rủi ro gian lận và công tác đảm bảo an ninh an toàn, bảo mật thông tin khách hàng.
Đất nước ta đang đứng trước vận hội mới, vừa là thời cơ, đồng thời cũng là thách thức trên con đường phát triển. Ngành Ngân hàng với sứ mệnh tiên phong nhất định sẽ thực hiện thành công cuộc cách mạng chuyển đổi số, góp phần đưa đất nước ta, dân tộc vươn mình vượt bậc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của tiên tiến, văn minh, hiện đại.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/tang-toc-chuyen-doi-so-cung-dat-nuoc-buoc-vao-ky-nguyen-moi-160024.html