(NLĐO) – Được ví như “lá phổi xanh” của TP Quy Nhơn, đầm Thị Nại là đầm nước mặn lớn nhất tỉnh Bình Định với hệ sinh thái phong phú và nhiều thắng cảnh đẹp.
Trung tâm của TP Quy Nhơn mới
Cách TP Quy Nhơn khoảng 8 km về hướng Đông Bắc, đầm Thị Nại có diện tích trên 5.000 ha, thuộc địa phận 4 phường, xã của TP Quy Nhơn và 4 xã của huyện Tuy Phước.
Điểm nổi bật của đầm Thị Nại là nơi ẩn chứa đa dạng về sinh học, với hệ sinh thái rừng ngập mặn xanh bạt ngàn cùng những con rạch kéo dài tỏa đi khắp nơi. Mỗi khi hoàng hôn buông xuống, từng đàn chim kéo về đầm Thị Nại gọi nhau rộn vang cả một vùng trời, tạo nên ấn tượng khó quên cho du khách khi đến nơi này.
Bên cạnh đó, đầm Thị Nại còn có nguồn tài nguyên quý giá do thiên nhiên ban tặng. Trong đó, hệ động vật có 64 loài phù du, 76 loài cá; có hàng trăm loài chim, trong đó 23 loài thuộc nhóm chim nước và chim di cư, 10 loại chim rừng… Các loài có sự phân bố khác nhau trong những sinh cảnh hệ sinh thái của đầm.
Trong lịch sử, đầm Thị Nại là căn cứ thủy quân của nhà Tây Sơn. Đầu thế kỷ XIX, nơi này từng diễn ra những trận thủy chiến ác liệt giữa nghĩa quân Tây Sơn với quân Nguyễn Ánh.
Hòa trong vẻ đẹp thiên nhiên của đầm Thị Nại là công trình cầu đường Quy Nhơn – Nhơn Hội với tổng chiều dài toàn tuyến hơn 7 km, gồm 5 cầu ngắn và cầu Thị Nại. Trong đó, nổi bật là cầu Thị Nại có chiều dài hơn 2.477m. Đây là cầu vượt biển dài nhất Việt Nam với 54 nhịp, nối liền TP Quy Nhơn với khu kinh tế Nhơn Hội. Cầu Thị Nại không chỉ là niềm tự hào của người dân Bình Định, mà còn là điểm nhấn hấp dẫn du khách khi đến nơi này.
Theo ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, TP Quy Nhơn hiện hữu vốn một bên núi, một bên biển với diện tích chưa đến 285km²; vì vậy không đủ không gian cho một đô thị văn minh, hiện đại để phát triển. Trong khi đó, Quy Nhơn có đầm Thị Nại – là món quà thiên nhiên độc đáo mà hiếm đô thị nào ở Việt Nam có được. Theo định hướng sắp tới, TP Quy Nhơn sẽ mở rộng về phía Đông Bắc, đầm Thị Nại sẽ là trung tâm của TP Quy Nhơn mới, đô thị sẽ phát triển xung quanh đầm.
Nhiều dịch vụ ngao du đầm Thị Nại
Thời điểm lý tưởng để tham quan đầm Thị Nại là từ sau Tết Nguyên đán đến tháng 9 âm lịch, khi thời tiết ở đây khá mát mẻ, trong lành và ít mưa. Trong khoảng thời gian này, du khách sẽ được trải nghiệm du lịch sinh thái đặc biệt với ánh nắng mặt trời tươi sáng và không khí trong lành của đầm Thị Nại.
Du khách đến khám phá đầm Thị Nại sẽ được trải nghiệm nhiều dịch vụ đặc sắc và hấp dẫn. Một trải nghiệm độc đáo tại đây là tham gia tour Cồn Chim chỉ với chi phí 750.000 đồng/người/ngày. Trong đó, chèo Sup là hoạt động được nhiều du khách yêu thích với trải nghiệm đem lại khá kỳ thú và an toàn.
Ngoài ra, du khách có thể tham gia thả lưới, câu cá, đua thuyền và cắm trại qua đêm để trải nghiệm cuộc sống tại Cồn Chim. Ban đêm, du khách còn có cơ hội ngắm tôm nhảy và tham gia chợ cua lúc 3 giờ sáng – một trải nghiệm thú vị khó có thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác ngoài đầm Thị Nại.
Khi chọn tour tham quan Cồn Chim, du khách được bao trọn gói các dịch vụ như chèo Sup, ngắm chim, thưởng thức hải sản tươi. Hơn nữa, tour Cồn Chim thường cung cấp đầy đủ tiện nghi như nhà vệ sinh, khu nghỉ ngơi, ăn uống và vui chơi để bạn có những trải nghiệm cực thú vị.
Người dân khu vực đầm Thị Nại rất thân thiện và mến khách. Họ luôn tạo điều kiện để du khách được hòa mình vào cuộc sống ngư dân. Do vậy, du khách có thể sống thử cuộc đời ngư dân trong một ngày để trải nghiệm đánh bắt cá, bắt vẹm, vớt rong câu, đi thuyền qua đêm hoặc trồng rừng ngập mặn.
Nằm ở bờ hướng Tây của đầm Thị Nại có một ngôi miếu nhỏ mang tên Tháp Thầy Bói. Đây không chỉ là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng mà còn là nơi kết nối với những câu chuyện truyền thuyết độc đáo của người dân địa phương.
Theo truyền thuyết, một ông thầy bói xưa đã xây dựng tháp và có khả năng xem rất hay. Tuy nhiên, sau khi ông mất, tháp cũng bị bỏ hoang và sau đó bị bão đánh sập. Để tưởng nhớ ông, người dân đã cùng nhau xây dựng lại ngôi miếu thờ và ngày nay ai cũng có thể giong thuyền ra tháp, thắp cho vị thầy bói một nén nhang thơm.
Nguồn: https://nld.com.vn/ngao-du-dam-thi-nai-19625012513032553.htm