Một năm mới đã đến, Việt Nam vẫn đang từng bước tiến lên trong hành trình xanh hóa nền kinh tế, hướng tới đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Đây không chỉ là cam kết với cộng đồng quốc tế mà vì chính Việt Nam, vì các thế hệ mai sau với một tương lai bền vững. Chặng đường ấy sẽ không hề bằng phẳng nhưng chiến lược đúng đắn, quyết tâm cao và thực thi hiệu quả, Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua mọi thách thức để viết lên câu chuyện thành công.
Đầu tư xanh, tài chính xanh – nền tảng cho mục tiêu Net Zero Thúc đẩy đầu tư xanh và tài chính xanh hướng tới mục tiêu “Net Zero” tại Việt Nam |
Những thách thức trên hành trình giảm phát thải
Việt Nam đang đối diện với bài toán kép: Vừa cần phát triển kinh tế nhanh, vừa cần giảm phát thải để bảo vệ môi trường. Vì thế, hành trình Net Zero bắt đầu với nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam đối mặt với nhu cầu cấp bách về tăng trưởng kinh tế để thoát bẫy thu nhập trung bình, cải thiện đời sống người dân và đạt được các mục tiêu lớn đến năm 2030 (nước đang phát triển, thuộc nhóm nước thu nhập trung bình cao) và 2045 (nước phát triển, thuộc nhóm nước có thu nhập cao). Nền kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào năng lượng hóa thạch (than đá, dầu mỏ). Các thống kê cho thấy, năng lượng hóa thạch vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu sản xuất điện, làm gia tăng lượng khí thải CO2. Để giảm thiểu, cần đầu tư mạnh mẽ vào năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, nhưng chi phí ban đầu cao và công nghệ phức tạp vẫn là những rào cản lớn.
Ước tính, để hiện thực hóa mục tiêu Net Zero, Việt Nam cần hàng trăm tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh, chuyển đổi năng lượng, và cải cách công nghệ. Đơn cử theo tính toán của WB, giai đoạn 2022 – 2040, Việt Nam sẽ cần khoảng 368 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng, công nghệ mới và các chương trình xã hội để đảm bảo “chuyển dịch công bằng” hướng tới mục tiêu giảm phát thải Net Zero và có khả năng chống chịu với khí hậu. Đây là một thách thức không nhỏ đối với một quốc gia mà ngân sách vẫn phải ưu tiên cho nhiều lĩnh vực khác như giáo dục, y tế, và an sinh xã hội. Theo đó, nguồn vốn từ khu vực công dự kiến chỉ đáp ứng được trên 1/3 (khoảng 130 tỷ USD) nhu cầu này; phần lớn (khoảng 184 tỷ USD, chiếm một nửa) sẽ đến từ khu vực tư nhân và phần còn lại đến từ bên ngoài.
Một thách thức khác là năng lực quản lý và thực thi chính sách. Việc chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương, trong khi đó, tình trạng chồng chéo, thiếu đồng bộ trong chính sách và thực thi vẫn là những vấn đề còn tồn. Hơn nữa, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp và người dân về Net Zero vẫn còn hạn chế, dẫn đến việc áp dụng các giải pháp giảm phát thải chưa đạt hiệu quả như mong đợi.
Hành động để hiện thực hóa tương lai xanh
Dẫu phía trước còn nhiều thử thách, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để tin rằng, với định hướng chiến lược rõ ràng, những chính sách và giải pháp phù hợp, mục tiêu ấy không nằm ngoài tầm với. Trong đó, chuyển dịch năng lượng là một trong những giải pháp trọng tâm. Với lợi thế tự nhiên phong phú và hàng loạt dự án điện mặt trời, điện gió ở các tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Nguyên đã được triển khai trong những năm qua, Việt Nam đã chứng minh tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, để giải pháp này thật sự bền vững, vẫn cần một chiến lược dài hạn và lộ trình thực thi chi tiết để giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, đồng thời đảm bảo sự ổn định trong cung cấp điện cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, bài toán không chỉ dừng ở việc nâng nguồn cung điện từ năng lượng tái tạo mà còn cải thiện cơ sở hạ tầng truyền tải. Hệ thống lưới điện cần được nâng cấp để tích hợp hiệu quả các nguồn năng lượng sạch, tránh tình trạng quá tải hay lãng phí.
Song song với đó, việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng cũng là một giải pháp không kém phần quan trọng. Trong ngành sản xuất, nhất là các ngành công nghiệp nặng như sản xuất thép, xi măng hay hóa chất, việc cải tiến công nghệ để giảm tiêu hao năng lượng. Đây không chỉ là cách để giảm phát thải mà còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng sức cạnh tranh. Những mô hình sản xuất hiện đại sử dụng trí tuệ nhân tạo và tự động hóa cũng đang dần được áp dụng tại Việt Nam, mang lại hiệu quả tích cực và tạo đà cho sự chuyển đổi xanh trong sản xuất.
Bên cạnh đó, các công trình xây dựng cũng có thể đóng góp lớn vào mục tiêu Net Zero thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn xanh. Các tòa nhà được thiết kế với hệ thống tiết kiệm năng lượng, sử dụng vật liệu tái chế, và tích hợp công nghệ thông minh không chỉ giảm phát thải mà còn nâng cao chất lượng sống của cư dân. Trong lĩnh vực giao thông, việc chuyển đổi sang các phương tiện sử dụng năng lượng sạch đang là xu hướng tất yếu. Các tuyến đường sắt đô thị hay những chiếc xe buýt điện xuất hiện ngày càng nhiều trên các đường phố là minh chứng rõ ràng cho cam kết giảm phát thải trong giao thông đô thị, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Tín dụng xanh được xem như nguồn tài chính quan trọng cho các dự án thân thiện với môi trường. Ngành Ngân hàng nói chung và từng ngân hàng nói riêng cũng ngày càng quan tâm đến việc cấp vốn cho các dự án năng lượng tái tạo, xây dựng xanh, và sản xuất sạch. Tuy nhiên, việc triển khai tín dụng xanh tại Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Một trong số đó là thiếu các tiêu chí cụ thể và hệ thống tiêu chuẩn rõ ràng để xác định dự án xanh. Điều này khiến cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đánh giá, cung cấp và tiếp cận nguồn vốn. Xây dựng và phát triển một khung pháp lý đồng bộ với các tiêu chí xanh phù hợp sẽ giúp giải quyết vấn đề này, từ đó tạo sự nhất quán trong đánh giá và phê duyệt dự án. Đồng thời, cần thúc đẩy việc xây dựng các quỹ bảo lãnh tín dụng xanh để giảm thiểu rủi ro. Khi rủi ro được quản lý tốt hơn, các ngân hàng sẽ có động lực lớn hơn để đẩy mạnh cấp vốn cho các dự án xanh.
Bên cạnh đó, tài chính xanh với các công cụ đa dạng như trái phiếu xanh, quỹ đầu tư xanh cũng đang trở thành xu hướng nổi bật. Những công cụ này không chỉ huy động vốn cho các dự án thân thiện với môi trường mà còn góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng nhà đầu tư. Tại Việt Nam, trái phiếu xanh đã xuất hiện và nhận được sự quan tâm nhất định. Tuy nhiên, thị trường này vẫn đang trong giai đoạn sơ khai, với quy mô nhỏ và mức độ nhận diện chưa cao. Để thúc đẩy tài chính xanh phát triển, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ. Các doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh cũng cần cam kết rõ ràng trong việc sử dụng nguồn vốn để tạo ra các giá trị bền vững. Những nỗ lực này không chỉ giúp gia tăng niềm tin của nhà đầu tư mà còn tạo động lực cho các doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn vào quá trình chuyển đổi xanh.
Trong bức tranh tổng thể, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn cũng là hướng đi mang tính chiến lược để tiến tới Net Zero. Thay vì sản xuất, tiêu dùng, và thải bỏ, mô hình này tập trung vào tái chế và tái sử dụng tài nguyên, giúp giảm phát thải và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Nhiều doanh nghiệp đã triển khai các chương trình thu hồi và tái chế sản phẩm. Khi mô hình này được nhân rộng, không chỉ lượng rác thải giảm mà còn tạo thêm việc làm và thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững.
Trên hành trình Net Zero, sự tham gia của cộng đồng là yếu tố quyết định. Khi mỗi cá nhân nhận thức rõ vai trò của mình trong hành trình chung đó, họ sẽ dễ dàng thực hiện những “thay đổi nhỏ nhưng ý nghĩa lớn”. Bởi vậy giáo dục và truyền thông sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc lan tỏa thông điệp, tạo nên sự đồng thuận và hành động tích cực từ mọi tầng lớp xã hội.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm và tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính, công nghệ. Những sáng kiến như “Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng” (JETP) không chỉ mang lại nguồn lực mà còn là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trên bản đồ kinh tế xanh toàn cầu.
Dẫu phía trước còn nhiều thử thách, nhưng tinh thần lạc quan và ý chí mạnh mẽ của dân tộc chính là động lực để Việt Nam tiến bước. Thời gian vẫn không ngừng trôi, và với mỗi mùa xuân tiếp nối, hình ảnh một Việt Nam xanh hơn, sạch hơn cũng sẽ dần hiện rõ. Mục tiêu Net Zero không chỉ là một cam kết môi trường mà còn là hành trình vì tương lai thịnh vượng, bền vững cho mọi thế hệ mai sau.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/huong-den-tuong-lai-net-zero-160056.html