Giò lan rừng Nghinh xuân cổ thụ “khổng lồ” khoảng 50 năm tuổi, cao 2,2m, là một tuyệt tác thiên nhiên đầy ấn tượng tại vùng đất Đắk Lắk. Với vẻ đẹp hoang dã và hương thơm quyến rũ, cây lan này không chỉ là biểu tượng của sức sống mãnh liệt mà còn gắn liền với những câu chuyện đầy đam mê.
Chủ sở hữu cây lan rừng “khủng” (cây Nghinh xuân cổ thụ) nổi tiếng là anh Nguyễn Hải Hoàng (37 tuổi, phường Thành Nhất, TP Buôn Ma Thuột), một hội viên Hội Nông dân của thành phố.
Lan rừng – cây Nghinh xuân cổ thụ biểu tượng của mùa xuân và sức sống mãnh liệt
Nhấp một ngụm trà thơm, anh Hoàng bắt đầu kể lại với phóng viên Báo Dân Việt về hành trình dài đầy đam mê với lan rừng, cùng quá trình 4 năm kiên trì theo đuổi và 3 năm sở hữu cây Nghinh xuân cổ thụ.
Câu chuyện bắt đầu từ 7 năm trước, khi anh Hoàng nghe về một cây Nghinh xuân cổ thụ “khổng lồ” ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. Mặc dù đã rất nổi tiếng trong giới yêu lan, nhưng không phải ai cũng dễ dàng tiếp cận được cây lan quý này.
Sau khi tìm hiểu thông tin qua nhiều mối quan hệ trong giới chơi lan, anh Hoàng quyết định tìm đến anh Ngọc – chủ sở hữu cây lan, người đang sống tại khu du lịch Cầu Treo Buôn Đôn.
Tuy nhiên, hành trình để sở hữu cây lan cổ thụ này không hề dễ dàng. Theo anh Hoàng, anh đã phải mất hơn 4 năm để thuyết phục và làm thân với anh Ngọc. Mỗi năm, anh Hoàng không dưới 10 lần ghé thăm nhà anh Ngọc, mang theo con gà, thùng bia để trò chuyện, đồng thời thể hiện sự chân thành và đam mê đối với cây lan cổ thụ này.
Sau nhiều lần tâm sự, đến đầu năm 2022, họ đã trở thành bạn bè thân thiết, và anh Hoàng chính thức sở hữu cây Nghinh xuân cổ thụ mà anh hằng ao ước, để về chăm sóc chiêm ngưỡng nó.
Theo anh Hoàng, cây lan Nghinh xuân cổ thụ này có độ tuổi khoảng 50 năm, với chiều cao tổng cộng của cây mẹ và 5 cây con lên đến khoảng 2,2 mét. Riêng cây mẹ cao hơn 1,3 mét với 14 cặp lá.
Chia sẻ về lý do đam mê dòng lan Nghinh xuân này, anh Hoàng cho biết, dòng lan này có đặc điểm rất đặc biệt – thân lá khỏe mạnh, sinh trưởng mạnh mẽ, và đặc biệt là nở hoa đúng vào dịp Tết Nguyên Đán, một điểm rất được yêu thích ở cả miền Bắc và miền Nam.
“Dòng lan Nghinh xuân này, ở miền Bắc gọi là Ngọc Điểm, miền Nam thì gọi là Tai Trâu, nhưng tên chính thức ngày trước của nó là Nghênh xuân, mang ý nghĩa đón chào mùa xuân mới. Sau này, tên gọi phổ thông mới là Nghinh xuân”, anh Hoàng nói.
Một trong những yếu tố khiến dòng lan rừng Nghinh xuân trở nên đặc biệt chính là hương thơm quyến rũ của hoa, cùng với khả năng nở hoa theo thứ tự, kéo dài hơn một tháng. Đây là một đặc điểm khiến loài lan này trở nên giá trị và thu hút được rất nhiều người đam mê.
Chùm hoa Nghinh xuân, rỡ rực tỏa ra mùi hương quyến rũ đặc trưng của dòng lan rừng này.
Không chỉ sở hữu cây Nghinh xuân cổ thụ, anh Hoàng còn là một người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc buôn bán lan rừng. Đam mê với lan rừng đã bắt đầu từ khi anh còn học lớp 8, nhưng mãi đến năm 2016, anh mới chính thức bước chân vào nghề buôn bán lan rừng.
Anh Hoàng từng “trúng lớn” với những cây lan đột biến như Phi điệp 5 cánh trắng, từ đó anh có điều kiện đóng góp một phần vào công tác an sinh xã hội, đồng thời mở rộng thêm đam mê trồng và buôn bán lan rừng.
Nói về dự định tương lai, anh Hoàng cho biết sẽ tiếp tục mở rộng vườn lan của mình, với dự định xây dựng một vườn mới rộng hơn 1.000m2 để trồng lan rừng.
“Trồng lan rừng không tốn quá nhiều công sức hay thời gian đối với người có kinh nghiệm như tôi. Trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí, tôi có thể thu về khoảng 200 triệu đồng từ nghề này. Vì vậy, ngoài việc trồng lan, tôi còn làm tài xế xe tải để kiếm thêm thu nhập”, anh Hoàng cười nói.
Người đam mê lan rừng và cuộc chia tay đầy luyến tiếc với cây Nghinh xuân cổ thụ
Đến ngắm cây Nghinh Xuân cổ thụ thì mới biết nó đã được “gả” đi cho người khác, anh Nguyễn Văn Long (ở phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột) không giấu được nỗi tiếc nuối và chia sẻ:
“Tôi đã nhiều lần ngỏ lời mua cây, sẵn sàng trả giá cao, nhưng anh Hoàng nhất quyết không bán. Mỗi dịp Tết Âm lịch, tôi đều đến vườn, mong được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoàn mỹ của cây, nhưng lần này thật sự quá tiếc nuối.”
Anh Hoàng tiết lộ, sau hàng trăm lần khách đến vườn hỏi mua, và 3 năm thoải mãn việc chiêm chăm sóc chiêm ngưỡng cây, anh đã “gả” cây Nghinh xuân cổ thụ của mình cho một người thân cùng chung đam mê với lan rừng (ở TP Buôn Ma Thuột) với giá hơn 30 triệu đồng).
Anh Nguyễn Văn Long (người đội mũ bảo hiểm) và nhiều người đam mê lan rừng khác tiếc nuối, nhìn cây Nghinh xuân cổ thụ “tuột khỏi tay”.
Đặc biệt, trong mùa Tết Âm lịch 2025 này, anh đã bán hết 700 chậu lan của mình, cả ở vườn và gian hàng tại chợ hoa, giúp anh có thể về quê Quảng Bình ăn Tết cùng gia đình sau hơn 10 năm xa cách.
Với tầm nhìn xa và những bước đi vững chắc, anh Hoàng sẽ tiếp tục phát triển nghề lan rừng và góp phần vào sự phát triển văn hóa lan rừng Tây Nguyên. Nghề trồng lan, đặc biệt là lan Nghinh xuân, sẽ để lại dấu ấn sâu sắc và mang lại thành công lớn cho những ai đam mê và kiên nhẫn theo đuổi.
Nguồn: https://danviet.vn/mot-gio-lan-rung-quy-toc-khong-lo-50-nam-tuoi-cao-hon-2m-dang-gay-xon-xao-o-dak-lak-20250125231912004.htm