Tết Nguyên đán 2025 cận kề, người dân Hà Nội lại bắc bếp luộc bánh chưng trên vỉa hè, giữ gìn phong tục truyền thống. Hương thơm của bánh chưng lan tỏa khắp phố phường, mang không khí Tết ấm áp, đoàn viên và niềm vui đón xuân.
Người Hà Nội đỏ lửa, quây quần trên vỉa hè với nồi bánh chưng xanh đón Tết
Chủ nhật, ngày 26/01/2025 07:49 AM (GMT+7)
Tết Nguyên đán 2025 cận kề, người dân Hà Nội lại bắc bếp luộc bánh chưng trên vỉa hè, giữ gìn phong tục truyền thống. Hương thơm của bánh chưng lan tỏa khắp phố phường, mang không khí Tết ấm áp, đoàn viên và niềm vui đón xuân.

Vào những ngày cuối năm, khi Tết Nguyên đán 2025 sắp đến, khắp các tuyến đường ở Hà Nội, dễ dàng bắt gặp cảnh tượng người dân quây quần bên nồi bánh chưng nghi ngút khói, ngay trên vỉa hè hay trong những con ngõ, hẻm nhỏ.

Được biết, bánh chưng phải nấu liên tục trong 12 tiếng mới chín tới, và trong suốt thời gian đó, gia đình phải liên tục cấp nước, củi để bánh chín đều. Chính vì vậy, mỗi gia đình phải cử người thay nhau canh nồi bánh chưng.

Theo quan niệm của nhiều người, việc cùng gói bánh và đặc biệt là trông nồi bánh chưng trở thành dịp để các thành viên trong gia đình và hàng xóm quây quần bên nhau, sẻ chia những câu chuyện vui buồn sau một năm bận rộn.

Ông Phú (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Năm nào gia đình tôi cũng nấu bánh chưng, vừa để gia đình sử dụng, vừa để biếu hàng xóm và anh em họ hàng. Bánh chưng là nét văn hóa truyền thống độc đáo của người Việt Nam nên phải giữ gìn nét tinh hoa mà ông cha ta đã để lại”.

Những nồi bánh chưng đỏ lửa trên các tuyến đường chỉ dịp Tết Nguyên đán mới xuất hiện.

Ánh lửa đỏ rực cùng khói nghi ngút, mùi lá và gạo thơm lừng khiến không khí những ngày cận Tết thêm phần rạo rực, hối hả.

Việc tự tay gói bánh, canh bếp chờ bánh chín, rồi dâng những chiếc bánh lên bàn thờ tổ tiên ngày Tết là một nét đẹp trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt.

Để làm ra một chiếc bánh chưng, cả gia đình phải tụ họp từ sáng sớm, thực hiện nhiều công đoạn tỉ mỉ, từ việc chọn lá dong tươi, đẹp đến việc chọn thịt ba chỉ, ngâm gạo nếp và đậu xanh. Mỗi chiếc bánh được gói hoàn toàn thủ công, vẫn giữ được hình dáng vuông vắn trước khi được đặt vào nồi.

Mặc dù xã hội ngày càng phát triển và mọi thứ đều có thể mua được ở chợ hay siêu thị, nhưng nhiều gia đình ở Hà Nội vẫn giữ gìn nét truyền thống vào dịp Tết bằng cách tự tay nấu bánh chưng.

Không chỉ trên các tuyến đường lớn, ngay cả trong những ngõ nhỏ, nhiều gia đình ở Hà Nội cũng bắc bếp nấu bánh chưng ngay bên cửa nhà.
Khổng Chí
Nguồn: https://danviet.vn/nguoi-ha-noi-do-lua-quay-quan-tren-via-he-voi-noi-banh-chung-xanh-don-tet-20250125180136262.htm