Xu hướng chuyển đổi sang sản xuất, tiêu dùng xanh của các quốc gia khu vực Bắc Âu mang lại cả cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Các nước Bắc Âu đẩy mạnh chuyển đổi xanh
Theo Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu, trong bối cảnh chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, các quốc gia Bắc Âu như Thụy Điển, Na Uy và Đan Mạch tiếp tục dẫn đầu với các chính sách tiên phong về năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn và đổi mới công nghệ. Những chính sách này không chỉ định hình tương lai kinh tế Bắc Âu mà còn tạo ra cả thách thức lẫn cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Thị trường Bắc Âu ưa chuộng các sản phẩm nông sản hữu cơ (Ảnh: TTXVN) |
Theo đó, chuyển đổi xanh và trung hòa các-bon dự báo sẽ tiếp tục là ưu tiên trọng tâm của Bắc Âu. Các quốc gia này đặt mục tiêu gia tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo và giảm phát thải khí nhà kính xuống mức tối thiểu. Tại Thụy Điển và Đan Mạch, các doanh nghiệp phải đáp ứng tiêu chuẩn môi trường rất khắt khe, đặc biệt đối với các sản phẩm có dấu chân các-bon cao. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, điều này có nghĩa là cần cải tiến quy trình sản xuất, giảm sử dụng nguyên liệu hóa thạch và phát triển sản phẩm bền vững. Những mặt hàng như đồ gỗ, dệt may, và nông sản sẽ có lợi thế lớn nếu được chứng nhận sử dụng năng lượng tái tạo hoặc nguyên liệu thân thiện với môi trường.
Đối với các lĩnh vực cụ thể, bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý – Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu cho biết, thị trường xe điện phát triển mạnh mẽ ở Bắc Âu cũng mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng linh kiện và phụ tùng xe điện. Các nhà sản xuất trong nước có thể tận dụng xu hướng này bằng cách đầu tư vào công nghệ sản xuất và xuất khẩu sản phẩm phục vụ ngành giao thông xanh.
Nền kinh tế tuần hoàn sẽ ngày càng trở thành một yếu tố quan trọng trong chuỗi giá trị tại Bắc Âu. Chính sách mở rộng tái chế và tái sử dụng, cũng như thay thế nhựa bằng nguyên liệu sinh học, đang định hình tiêu chuẩn mới đối với sản phẩm nhập khẩu. Đối với doanh nghiệp Việt Nam, việc sản xuất bao bì thân thiện môi trường hoặc sử dụng các vật liệu thay thế như nhựa sinh học từ bột gỗ, cellulose, hoặc các sản phẩm tái chế sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh tại thị trường này.
Các ngành hàng như nông sản, thủy sản và thực phẩm chế biến cần chú trọng hơn đến bao bì xanh và có khả năng tái sử dụng. Đồng thời, việc đảm bảo quy trình sản xuất bền vững, tuân thủ các tiêu chuẩn về quản lý rác thải và giảm phát thải sẽ là yêu cầu bắt buộc nếu muốn duy trì và mở rộng thị phần tại Bắc Âu.
Bên cạnh đó, Bắc Âu còn đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại xanh và cơ chế điều chỉnh các-bon tại biên giới (CBAM). Cơ chế CBAM sẽ áp thuế lên các sản phẩm nhập khẩu có phát thải CO2 cao, gây áp lực không nhỏ cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt trong các ngành hàng như thép, xi măng, hóa chất và nhôm. Để thích ứng, các doanh nghiệp cần sớm chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh, giảm lượng khí thải trong chuỗi cung ứng và chứng minh được khả năng đáp ứng tiêu chuẩn môi trường khắt khe của EU.
Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt Nam?
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý cho biết, những xu hướng chuyển đổi xanh có thể là rào cản, nhưng phần nào cũng mở ra cơ hội cho các sản phẩm và dịch vụ xanh từ Việt Nam. Các doanh nghiệp có khả năng cung cấp sản phẩm thân thiện với môi trường, như nông sản hữu cơ, thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu tự nhiên hoặc sản phẩm tái chế, sẽ có nhiều cơ hội thâm nhập thị trường.
“Thị trường Bắc Âu với xu hướng tiêu dùng xanh, bền vững và công nghệ cao mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam” – bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý chia sẻ. Đồng thời cho biết, đầu tiên, nhu cầu đối với nông sản hữu cơ và thực phẩm chế biến tiếp tục tăng mạnh. Các mặt hàng như cà phê, chè, hạt điều, vốn đã khẳng định được chất lượng trên thị trường EU, có tiềm năng mở rộng thị phần hơn nữa. Đặc biệt, thủy sản chế biến như tôm, cá tra và các sản phẩm hải sản đông lạnh là lựa chọn được ưa chuộng nhờ đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ. Việc phát triển các sản phẩm đạt chứng nhận hữu cơ hoặc thân thiện với môi trường sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam gia tăng lợi thế cạnh tranh.
Bên cạnh thực phẩm, dệt may và giày dép là những mặt hàng chủ lực của Việt Nam tại Thụy Điển. Các sản phẩm sử dụng nguyên liệu tái chế, hữu cơ hoặc có quy trình sản xuất bền vững được người tiêu dùng Thụy Điển đánh giá cao. Việc đầu tư vào cải tiến công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế sẽ mở ra cơ hội gia tăng thị phần cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, Thụy Điển còn có nhu cầu cao đối với sản phẩm thủ công mỹ nghệ và hàng hóa mang tính truyền thống, độc đáo. Các sản phẩm như đồ nội thất từ gỗ bền vững, mây tre đan, và đồ dùng trang trí nhà cửa thủ công được ưa chuộng nhờ tính thân thiện môi trường và giàu bản sắc văn hóa. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển thị trường ngách tại Thụy Điển.
Do đó, các doanh nghiệp cần áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 22000, HACCP, IFS để đảm bảo an toàn thực phẩm và đáp ứng yêu cầu của Thụy Điển và EU. Bên cạnh đó, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, triển lãm quốc tế và các chiến dịch truyền thông.
Doanh nghiệp cũng cần chuyển đổi quy trình sản xuất theo hướng bền vững, sử dụng nguyên liệu hữu cơ và bao bì tái chế để đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh tại Thụy Điển. Đồng thời, hợp tác trực tiếp với chuỗi bán lẻ lớn: Tìm kiếm cơ hội hợp tác với các hệ thống bán lẻ lớn như ICA, Coop và Axfood để đưa sản phẩm Việt Nam trực tiếp vào kệ hàng.
Đối với thị trường EU nói chung, bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý thông tin, gần đây, thị trường này đã có hàng loạt các quy định mới. Ngày 9/1, Ủy ban châu Âu đã áp đặt các biện pháp chống bán phá giá đối với hai mặt hàng quan trọng nhập khẩu từ Trung Quốc: titan dioxide (TiO2) và thiết bị tiếp cận di động (MAE). Đơn cử, với titan dioxide (TiO2), mức thuế áp dụng dao động từ 0,25 đến 0,74 Euro/kg. Hoặc với thiết bị tiếp cận di động (MAE), mức thuế dao động từ 20,6% đến 54,9%. “Các doanh nghiệp Việt Nam nên chú ý đến những thay đổi trong chính sách thương mại của EU, đây là cơ hội để gia nhập thị trường tiềm năng này. Đối với TiO2, Việt Nam có thể cung ứng nguyên liệu thay thế cho các ngành công nghiệp EU đang tìm kiếm nguồn cung ngoài Trung Quốc. Trong lĩnh vực MAE, các doanh nghiệp nên đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, nghiên cứu phát triển thiết bị phục vụ ngành xây dựng và viễn thông, đồng thời tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của EU để tăng khả năng cạnh tranh” – bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý khuyến cáo. |
Nguồn: https://congthuong.vn/bac-au-tang-chuyen-doi-xanh-co-hoi-cho-doanh-nghiep-viet-371231.html