Anh Ngô Bá Thủy (SN 1970) là một trong 4 “người giữ trường” tại Trường Tiểu học Nam Từ Liêm (Hà Nội). Anh Thủy cho biết: “12 năm làm bảo vệ ở đây cũng là từng ấy thời gian tôi không đón giao thừa cùng gia đình. Thời gian đầu chạnh lòng vì khoảnh khắc thiêng liêng nhất trong năm lại không được ở bên người thân nhưng dần cũng thành quen”.

Tổ bảo vệ của nhà trường có 4 người, chia làm 2 ca với các vị trí bảo vệ khác nhau. Tết đến, mọi người chia lịch trực nhưng thường những anh em ở gần xung phong trực Tết để người nhà xa hơn có điều kiện quây quần bên gia đình.

12 năm đón giao thừa tại trường, anh Thủy thấy may mắn vì luôn được mẹ già 80 tuổi và các con thông cảm, thấu hiểu cho tính chất công việc.

bao ve3.jpeg
Anh Thủy (ngoài cùng bên trái) chưa từng bỏ lỡ bất kỳ hoạt động nào với học sinh và giáo viên nhà trường.

“Có nhiều năm, gần đến giao thừa, tôi vội vàng chạy về nhà để kịp thắp hương tổ tiên, gửi lời chúc Tết tới mẹ, ôm các con một cái rồi quay lại trường. Dù nhiều năm qua không đón giao thừa cùng gia đình, tôi không thấy buồn vì mỗi giờ, mỗi ngày mình đang cố gắng hoàn thành tốt công việc. Vả lại, tôi nghĩ mình trực thì người khác sẽ yên tâm hơn, đồng nghiệp được quây quần cùng gia đình nên còn cảm thấy vui”, anh chia sẻ.

Anh Thủy cho biết, công việc bảo vệ trong những ngày lễ, Tết có khi áp lực gấp đôi ngày thường do nhân sự mỏng, kíp trực phải bảo vệ tài sản của nhà trường cũng như an toàn phòng, chống cháy nổ và trộm cắp.

Tết trực tại trường, tổ bảo vệ cũng có gà, có giò, có bánh chưng… do công Đoàn nhà trường chuẩn bị. “Nhiều khi đang ngồi trực ở chốt bảo vệ, chúng tôi bất ngờ được ban giám hiệu ghé thăm, chúc Tết và lì xì đầu năm. Sự quan tâm đó khiến chúng tôi cảm thấy ấm lòng và càng nhắc nhở nhau vui xuân mới không quên công việc”, anh kể.

Nghỉ Tết là ghế đá, bảng đen, phấn trắng nằm im lìm, cũng chẳng còn cảnh học sinh tíu tít nô đùa nên đôi khi người bảo vệ có cảm giác trống trải. “Nhà trường đối với tôi là ngôi nhà thứ hai và học sinh như các con, các cháu của tôi vậy. Ngày thường bọn trẻ nô đùa ầm ĩ có khi đau tai, nhức óc, mỏi miệng vì phải nhắc liên tục nhưng vắng học sinh, tôi lại thấy mỗi ngày trôi qua thật dài… Thực sự, làm việc trong môi trường tiểu học, tôi thấy mình vui, trẻ hẳn ra”, anh Thủy bộc bạch.

Anh cho biết, suốt 12 năm công tác, bản thân luôn nỗ lực để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh và chưa từng để xảy ra những việc đáng tiếc như trộm cắp, thất thoát tài sản…

bao ve1.jpeg
Anh Thủy luôn tranh thủ chụp hình cùng học sinh để lưu giữ những khoảnh khắc đẹp nhất.

Nhiệm vụ của những người giữ trường như anh Thủy là đảm bảo tất cả học sinh đã vào trường không tự ý ra ngoài, giờ tan học có phụ huynh đón trẻ mới được về; đồng thời kiểm soát người ra vào và bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường. 

Ngoài ra, với đặc thù trường tiểu học đa số là giáo viên nữ, nhân viên bảo vệ thường hỗ trợ những việc nặng nhọc như trang trí trường lớp, sửa lại bàn ghế hỏng, thay bóng điện, xử lý sự cố điện nước và mạng internet…

Tại Trường Tiểu học Nam Từ Liêm, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động như trang khí không gian Tết ở sân trường, ngày hội bánh chưng, chợ Tết… để học sinh có môi trường vừa học, vừa được trải nghiệm. Những dịp đó, anh Thủy đều tham gia hỗ trợ Đoàn trường và các thầy cô.

Chỉ tay về phía cây đào ở cổng trường, anh kể: “Cây đào kia chính tay tôi cắt cành, sau đó cùng giáo viên trang trí… để học sinh được ngắm cây đào nhân tạo giống y như thật và gắn lên đó những mảnh giấy ghi lời chúc Tết thầy cô, các cô bác nhân viên; mong ước đầu năm mới của mình”.

Với những “người giữ trường” như anh Thủy, điều vui nhất mỗi ngày tan ca là không có cuộc gọi lạ nào, bởi điều đó đồng nghĩa với việc tất cả học sinh trong trường đã về nhà an toàn. 

“Khi đã xác định làm việc là làm hết trách nhiệm, thậm chí hơn thế nữa. Với học sinh lớp 1 mới vào trường thì không nói, nhưng tôi tự tin rằng với học sinh từ lớp 2 trở đi, tôi có thể nhớ từng em, phụ huynh nào đón con ở lớp mấy. Đó chính là vai trò bao quát của nhân viên trường học tôi nỗ lực hoàn thành mỗi ngày”, anh chia sẻ.

Nhân viên trường học: 'Vào nghề gần 20 năm nhưng lương còn thua người giúp việc'

Nhân viên trường học: ‘Vào nghề gần 20 năm nhưng lương còn thua người giúp việc’

Nhiều nhân viên trường học chạnh lòng khi phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ nhưng chế độ, thu nhập còn chưa thỏa đáng, có những người vào nghề 15-20 năm nhưng nhận mức lương chỉ hơn 6 triệu đồng.
Trường học ở Hà Nội hạn chế tổ chức hoạt động ngoài trời khi rét đậm

Trường học ở Hà Nội hạn chế tổ chức hoạt động ngoài trời khi rét đậm

Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các trường hạn chế tổ chức hoạt động ngoài trời trong những ngày rét đậm, rét hại…
Cách để xây dựng trường học hạnh phúc

Cách để xây dựng trường học hạnh phúc

Cuốn sách “Lãnh đạo trường học hạnh phúc” là cánh tay nối dài, giúp những người hoạt động trong ngành giáo dục xây dựng môi trường giáo dục hạnh phúc.