Sáng 21/1, tại TP Cần Thơ, Quốc hội Việt Nam tổ chức Diễn đàn nghị viện Hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu nhân dịp Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành APF tại thành phố Cần Thơ.
Tham dự có Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bí thư Thành ủy Cần Thơ Đỗ Thanh Bình; đại diện lãnh đạo Liên minh Nghị viện Pháp ngữ; lãnh đạo nghị viện các nước thành viên Liên minh Nghị viện Pháp ngữ, các đoàn đại biểu nghị viện thành viên và quan sát , các chuyên gia… cùng sự tham dự của gần 120 đại biểu đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Các đại biểu tham dự diễn đàn. |
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định: Tiếp nối những thành công của các hoạt động đa phương nghị viện cấp cao do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức gần đây như: Đại hội đồng Nghị viện các nước Châu Á lần thứ 41 (năm 2020), Hội nghị lần thứ 10 khu vực Châu Á – Thái Bình Dương APF (năm 2022), Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 IPU (năm 2023), việc tổ chức Diễn đàn nghị viện về hợp tác Pháp ngữ và Hội nghị Ban Chấp hành APF lần này một lần nữa khẳng định sự chủ động, tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam trong các khuôn khổ hợp tác đa phương; đồng thời cho thấy sự ưu tiên, quan tâm tham gia của Việt Nam đối với các vấn đề chung của khu vực và toàn cầu; sự đoàn kết, đồng hành vì sự phát triển của Cộng đồng Pháp ngữ và các quốc gia thành viên.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại diễn đàn. |
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thông tin, sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện và có ý nghĩa lịch sử. Việt Nam đã đạt được những thành tựu trong xóa đói, giảm nghèo bền vững, cũng như trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và đã nỗ lực hướng tới mục tiêu triển bền vững theo Chương trình nghị sự đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc.
Đặc biệt, năm 2024, Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả ấn tượng, như: Tăng trưởng kinh tế đạt 7,09%, quy mô nền kinh tế đạt 476,3 tỷ USD; lạm phát được kiểm soát dưới 4%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ghi nhận kỷ lục 786 tỷ USD, trong đó có 62 tỷ USD từ ngành nông nghiệp; đầu tư nước ngoài thu hút 38,2 tỷ USD, trong đó vốn FDI thực hiện 25,4 tỷ USD; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, kinh tế vĩ mô được giữ vững ổn định.
Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại diễn đàn. |
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, nhờ đầu tư vững chắc cho nông nghiệp, Việt Nam không chỉ tự đảm bảo được an ninh lương thực, mà còn cung cấp nông sản cho thế giới. Năm 2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt kỷ lục, trong đó xuất khẩu gạo trên 9 triệu tấn, đạt giá trị 5,7 tỷ USD.
Với những thành quả tích cực đạt được, việc Quốc hội Việt Nam tổ chức Diễn đàn lần này nhằm đẩy mạnh hợp tác giữa các nước trong cộng đồng Pháp ngữ để xây dựng nền nông nghiệp bền vững, đảm bảo sinh kế cho mỗi hộ gia đình và an ninh lương thực cho mỗi quốc gia, đi đôi với việc ứng phó với biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
Các đại biểu gặp gỡ, trao đổi bên lề diễn đàn. |
Diễn đàn còn là dịp để các đại biểu thảo luận về các ý tưởng và hành động nhằm thúc đẩy nông nghiệp bền vững, đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh đồng thời phải ứng phó với biến đổi khí hậu; để các nghị sĩ chia sẻ những bài học, kinh nghiệm hay trong xây dựng chính sách, pháp luật nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy các hành động thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu.
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam cũng mong muốn thông qua hoạt động này góp phần thúc đẩy hợp tác Pháp ngữ. Theo đó, khuyến khích, ủng hộ các hoạt động hợp tác về khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy kinh tế số, khởi nghiệp, thúc đẩy đối tác công – tư; quảng bá tiếng Pháp, thúc đẩy đa dạng văn hóa; và nhấn mạnh quyết tâm của các nước Pháp ngữ trong việc thực hiện phát triển bền vững, bảo đảm hài hòa giữa nỗ lực tăng trưởng, xóa đói nghèo và bảo vệ môi trường.
Diễn đàn diễn ra với 3 phiên thảo luận chuyên đề, gồm: “Hợp tác giữa các nước Pháp ngữ trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững”; “Cộng đồng Pháp ngữ với vấn đề an ninh lương thực”; “Chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia và hợp tác quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu”. Diễn đàn cũng sẽ thông qua Tuyên bố Cần Thơ về thúc đẩy hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong khuôn khổ diễn đàn, Ban tổ chức sẽ bố trí để các đại biểu tham quan thực địa tại một số mô hình điển hình của Đồng bằng sông Cửu Long về phát triển nông nghiệp bền vững và chuyển đổi sinh kế, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp đi đôi với ứng phó với biến đổi khí hậu. |
Nguồn: https://thoidai.com.vn/tang-cuong-hop-tac-trong-cong-dong-phap-ngu-de-xay-dung-nen-nong-nghiep-ben-vung-209667.html