Vậy là sau 17 năm, kể từ khi đội tuyển bóng đá Việt Nam giành danh hiệu vô địch AFF Cup đầu tiên, một lần nữa những tiếng hô “Việt Nam vô địch” lại được cất lên trên sân vận động Rajmanggala – Thái Lan.
Đại diện các đơn vị tặng thưởng Đội tuyển Quốc gia Việt Nam, trong đó ông Lê Ngọc Sơn (thứ ba từ phải sang) Tổng Giám đốc Petrovietnam thay mặt Tập đoàn tặng Ban huấn luyện và các cầu thủ 2 tỷ đồng.
1. Tối 5/1, Đội tuyển Việt Nam thắng Thái Lan 3-2 ở chung kết lượt về ASEAN Cup 2024, lên ngôi vô địch (với tổng tỷ số 5-3). Khi tiếng còi mãn cuộc cất lên sau những giây cuối cùng nghẹt thở đá bù giờ hiệp 2, người dân Thủ đô Hà Nội cùng với đồng bào cả nước vỡ òa trong niềm vui lớn đầu năm, như một điềm lành may mắn trong năm 2025, hướng tới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Vậy là sau 17 năm, kể từ khi đội tuyển bóng đá Việt Nam giành danh hiệu vô địch AFF Cup đầu tiên, một lần nữa những tiếng hô “Việt Nam vô địch” lại được cất lên trên sân vận động Rajmanggala – Thái Lan.
Chiều 6/1, Đội tuyển đã trở về nước trong sự chào đón nồng nhiệt, trong cờ và hoa, trong những nụ cười, vòng tay ôm siết. Tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt, chúc mừng những chiến binh dũng cảm, tài năng. Thủ tướng nói: “Đó là hành trình tràn đầy cảm xúc, mà đỉnh điểm là trận chung kết, đặc biệt là bàn thắng cuối cùng của cầu thủ Nguyễn Hai Long. Trái bóng từ từ lăn vào lưới trong sự bất lực của đối thủ trước sức mạnh của đội tuyển chúng ta. Đó là cảm xúc êm ái và dịu dàng, làm thăng hoa chiến thắng của chúng ta!”.
Không chỉ là sự kiện thể thao, sự kiện văn hóa, mỗi dấu mốc phát triển trong mọi lĩnh vực đều đáng trân trọng, góp phần khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước nhanh và bền vững.
2. Một tin vui nữa về phát triển kinh tế-xã hội. Theo Tổng cục Thống kê, GDP năm 2024 tăng 7,09% so với năm trước. Đây là mức tăng trưởng rất tích cực trong bối cảnh thế giới biến động khó lường, trong nước chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ. Mức tăng này vượt mục tiêu đề ra và là tiền đề quan trọng cho năm 2025 tăng tốc, bứt phá, kết thúc thắng lợi nhiệm kỳ 5 năm 2020-2025, mục tiêu đặt ra là tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tới để hướng đến thực hiện thành công 2 mục tiêu 100 năm vào 2030 và 2045.
3. Bộ Chính trị mới ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong thời đại toàn cầu hóa, khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để Việt Nam phát triển giàu mạnh, hùng cường.
Với tinh thần khẩn trương, “vừa chạy vừa xếp hàng”, với sự thôi thúc mãnh liệt, từ Trung ương đến các bộ, ban, ngành, địa phương đều tập trung sức cho nhiệm vụ chính trị vô cùng quan trọng này, trong đó xác định phải tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế, tháo gỡ các rào cản để bứt phá về công nghệ. Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Và ngày 13/1 tới, Bộ Chính trị sẽ chủ trì triển khai nghị quyết này tại Hội trường Diên Hồng, mang ý nghĩa như một Hội nghị Diên Hồng trong thời đại mới.
Sắp tới, Quốc hội sẽ ban hành “Luật Công nghiệp công nghệ số”, nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết 57, hướng đến làm chủ công nghệ chiến lược để phát triển đất nước. Khái niệm công nghệ số sẽ được định rõ về nội hàm, về bước đi trong quá trình chuyển đổi. Công nghệ số bao gồm công nghệ thông tin và các công nghệ số thế hệ mới, như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, Internet vạn vật, thực tế ảo và thực tế tăng cường, cùng các công nghệ tương tự khác, để số hóa thế giới thực, thu thập, lưu trữ, truyền đưa, xử lý thông tin và dữ liệu số.
Chiến lược lớn của Đảng và Nhà nước đang đòi hỏi quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động cụ thể, trách nhiệm rõ ràng, phản biện để thống nhất cao, để “bàn làm chứ không bàn lùi”.
Niềm vui lớn đầu năm của cả nước cũng là niềm vui, trách nhiệm lớn của Petrovietnam. Kỷ nguyên mới của ngành Dầu khí sẽ bao gồm hai bước: Lần một, từ năm 2025 đến 2035 và lần hai, từ năm 2035 đến 2045, khi đất nước Việt Nam mới tròn 100 năm. Nhiệm vụ trọng đại của những người đi tìm lửa trong thời kỳ mới là: Tập trung nâng cao hệ thống quản trị, đồng bộ với hệ thống thể chế, tập trung chiến lược đầu tư, đặc biệt là lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và phát triển các dự án trọng điểm của lĩnh vực này.
Hải Đường
Nguồn: https://www.pvn.vn/chuyen-muc/tap-doan/tin/a039aaea-c66a-4f88-b306-1622110680f2