(PLVN) – Ngày 25/12, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tổ chức họp thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024 và triển khai năm 2025.
Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu dệt may. (Ảnh minh họa – Vitas) |
(PLVN) – Ngày 25/12, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tổ chức họp thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024 và triển khai năm 2025.
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Vinatex cho hay, đến nay, các doanh nghiệp dệt may tận dụng thị trường và có đơn hàng đến hết quý I, thậm chí quý II/2025. Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng tốt nhất, với mức trên 10% và dự kiến đến cuối năm 2024 tổng kim ngạch xuất khẩu sẽ cán đích gần 44 tỷ USD.
Với kết quả này, Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu dệt may, chỉ xếp sau Ấn Độ khi nước này đạt tăng trưởng gần 7%. Trung Quốc có tổng kim ngạch xuất khẩu trong 11 tháng là 273,4 tỷ USD, chỉ tăng 2%; Bangladesh tăng trưởng xuất khẩu giảm và chỉ xuất được 27,7 tỷ USD.
Để đạt được kết quả đáng nghi nhận trên, ông Cao Hữu Hiếu chia sẻ, năm 2024, Vinatex đã tập trung khai thác thị trường mới, thị trường ngách bằng các sản phẩm đặc biệt, kỹ thuật cao như vải và trang phục chống cháy (hợp tác kinh doanh với Tập đoàn COATS, Vương Quốc Anh), nghiên cứu phát triển các loại sợi lõi Filament, sợi pha mới; triển khai triệt để hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp trên nền tảng số (ERP). Đồng thời, triển khai các hoạt động về phát triển bền vững trong doanh nghiệp dệt may đáp ứng yêu cầu xanh hóa ngành dệt may.
Vinatex cũng đổi mới cách thức quản lý, đánh giá người đại diện vốn tại các doanh nghiệp, qua đó tạo mạng lưới kết nối giữa các đơn vị trong Tập đoàn thông qua người đại diện vốn nhằm chia sẻ thông tin thị trường, kinh nghiệm quản trị. Đặc biệt, Tập đoàn kiên trì chiến lược liên kết chuỗi vì mọi nhận định đều cho thấy hoạt động theo chuỗi có hiệu quả rõ rệt hơn. Công tác dự báo thị trường được thực hiện thường xuyên, kịp thời; quản trị sản xuất và hệ thống hoạt động tích cực tại từng đơn vị. Ngoài ra, Tập đoàn triển khai nhiều giải pháp quản trị sản xuất đối với các đơn vị may còn yếu; công tác tổ chức, tái cơ cấu một số nhà máy, hoạt động khảo sát, đánh giá hệ thống sản xuất và máy móc thiết bị công nghệ được thực hiện tại các đơn vị bước đầu có hiệu quả…
Ông Hiếu cho biết, năm 2025, Vinatex sẽ phát triển bền vững trên cả 4 trụ cột môi trường – xã hội – quản trị và tài chính (ESGF). Cụ thể, Vinatex đẩy nhanh tốc độ đổi mới phương thức quản trị thông qua chuyển đổi số và áp dụng các mô hình quản trị doanh nghiệp tốt nhất đang có trong Tập đoàn đến tất cả các doanh nghiệp. Đồng thời, ứng dụng công nghệ tự động hoá, trí tuệ nhân tạo để giảm sự phụ thuộc vào lao động, đưa giá trị một người lao động trong ngành dệt may theo kịp bước tiến của kinh tế cả nước; nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, thị trường ngách, tạo những giá trị riêng ngoài sản xuất hàng dệt may thông thường, tự xây dựng rào cản công nghệ và thị trường để bảo vệ sự bền vững của Tập đoàn. Bên cạnh đó, từng bước cân bằng giữa khu vực sản xuất cạnh tranh cao với khu vực có giá trị sáng tạo lớn…
Nguồn: https://baophapluat.vn/viet-nam-dung-thu-hai-the-gioi-ve-xuat-khau-det-may-post536091.html