Bộ Y tế thừa nhận vẫn còn tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế cục bộ tại một số bệnh viện. Bộ này yêu cầu các bệnh viện phải đảm bảo đủ thuốc, vật tư y tế bảo hiểm y tế (BHYT), nếu không người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh phải chịu trách nhiệm.
Trong khi đó, tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế vẫn đang diễn ra gây khổ sở cho người dân.
Điệp khúc chờ và chờ
Được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm, ông B. (53 tuổi, Hà Nội) chuyển từ tuyến dưới lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) điều trị. Tại bệnh viện tuyến dưới, ông B. đã thực hiện nhiều xét nghiệm, chụp chiếu và an tâm khi đến bệnh viện tuyến cuối sẽ được điều trị bệnh.
Tại Bệnh viện Việt Đức, ông tiếp tục được thực hiện một số xét nghiệm, chụp chiếu. Ông B. chia sẻ do bệnh viện rất đông nên hai ngày ông mới làm xong các thủ tục này, bác sĩ hẹn hai ngày sau sẽ hội chẩn để đưa ra phương án điều trị.
Tuy nhiên sau khi hội chẩn, ông cần làm thêm một xét nghiệm khác và tiếp tục chờ thêm hai ngày để hội chẩn lại.
“Sau khi hội chẩn lần hai, bác sĩ nói do hết đinh nẹp, thiếu vật tư nên chưa thể thực hiện phẫu thuật, hướng dẫn tôi có thể đợi khoảng một tháng mới có vật tư hoặc chuyển đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để điều trị” – ông B. nói và cho biết đã xin chuyển đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để được phẫu thuật.
Ông B. chia sẻ việc chịu đau thêm 1-2 ngày đối với người bệnh đã là “cực hình”, huống hồ còn phải chịu đau thêm cả tháng trời, đó là còn chưa kể đến việc liệu lúc ấy đã có vật tư như đã hẹn?
“Tôi cũng hiểu là bệnh viện tuyến cuối nên quá tải, có thể thiếu vật tư, không phải do bác sĩ gây khó dễ. Nhưng tình trạng này đã kéo dài, người bệnh cứ từ bệnh viện này chuyển sang bệnh viện khác, đến tuyến cuối rồi vẫn phải chuyển đi tiếp thì quá hành xác bệnh nhân. Chưa kể mất thời gian chờ đợi rồi lại chuyển đi”, ông B. ngán ngẩm nói.
Có người thân đang điều trị tại Bệnh viện Việt Đức trong trình trạng vỡ hàm mặt, gãy xương cánh tay hở, vỡ gót, anh M. chia sẻ cũng được bệnh viện hướng dẫn chuyển viện hoặc ra ngoài bệnh viện tư nhân để mổ.
Anh M. nói do bệnh viện không có dụng cụ kết hợp xương, mà tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay. “Không hiểu bệnh viện làm gì mà để người bệnh phải khổ như vậy”, anh M. bức xúc chia sẻ.
Trước đó, báo Tuổi Trẻ cũng từng phản ánh về tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế tại bệnh viện này. Thậm chí có trường hợp người bệnh lên bàn mổ rồi phải hoãn mổ vì thiếu vật tư rồi phải chờ gần nửa năm mới được… xếp lịch mổ lại.
Nửa năm chờ đợi, cuộc sống và công việc của người bệnh bị gián đoạn. Hay mới đây bệnh nhân phải tự đi mua từng kim truyền, ống nội khí quản… do bệnh viện thiếu vật tư.
Thuốc điều trị bệnh mạn tính cũng thiếu
Không chỉ thiếu vật tư y tế, tình trạng thiếu một số loại thuốc cho bệnh nhân mạn tính cũng đang diễn ra. Với bệnh nhân mạn tính, gánh nặng kinh tế tăng lên rất nhiều khi hằng ngày họ đều phải dùng thuốc. Những loại thuốc đáng ra họ được BHYT chi trả thì giờ đây phải bỏ tiền túi để mua.
Tại Bệnh viện Nội tiết trung ương cơ sở 1 (Hà Nội), một số bệnh nhân bị suy tuyến thượng thận lo lắng bởi nhiều tháng nay họ không nhận được thuốc BHYT điều trị.
Chị T.P. (Hà Nội) chia sẻ trước đây mỗi lần đi khám tuyến thượng thận đều được bệnh viện phát thuốc Valgesic – đặc trị về suy tuyến thượng thận, giá thuốc này hơn 4.000 đồng/viên.
“Mỗi tháng tôi được phát tầm 90 viên, nhưng từ tháng 6 đến nay bác sĩ điều trị đều bảo hết thuốc và yêu cầu bệnh nhân phải tự xoay xở mua ngoài. Vì sao bệnh viện hết thuốc lâu vậy, tháng nào chúng tôi cũng hỏi bác sĩ điều trị nhưng đều không nhận được câu trả lời.
Người bệnh phải chi một khoản tiền không nhỏ để mua thuốc ngoài, trong khi chúng tôi hoàn toàn được hưởng quyền lợi thuốc bảo hiểm”, chị P. bức xúc.
Cũng điều trị suy tuyến thượng thận tại Bệnh viện Nội tiết trung ương, chị N.L. (Hà Nội) cho hay chị được bác sĩ chỉ định dùng ba viên thuốc tuyến thượng thận/ngày.
“Thế nhưng, nhiều tháng nay tôi không được phát thuốc bảo hiểm nên phải mua thuốc ngoài. Thuốc Hydrocortisone của Pháp giá 9.400 đồng/viên. Những lúc khan hiếm thuốc, giá có thể tăng lên 10.000 đồng/viên. Một tháng tôi mất ngót tiền triệu để điều trị mà đáng ra tôi được BHYT chi trả”, chị N.L. chia sẻ.
“Có tình trạng thiếu thuốc cục bộ”
Ông Nguyễn Tường Sơn, vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế), thừa nhận có tình trạng thiếu cục bộ thuốc và thiếu vật tư y tế ở nhiều bệnh viện công lập.
Ông Sơn lý giải do Luật Đấu thầu có hiệu lực từ năm 2024 với nhiều điểm mới nhưng các cơ sở y tế chưa hiểu hết để vận dụng vào mua sắm, đấu thầu.
Để giải quyết tình trạng thiếu thuốc và thiếu vật tư y tế, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phổ biến, hướng dẫn, tập huấn về công tác đấu thầu cho các bệnh viện. Bộ Y tế đang xây dựng sổ tay hướng dẫn công tác đấu thầu, dự kiến sẽ ban hành đầu năm 2025 để các đơn vị áp dụng.
Ông Sơn nói thêm thực tế cũng còn một số bệnh viện có tâm lý e ngại nên Bộ Y tế đã có văn bản quy định người đứng đầu bệnh viện phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế.
“Tuy nhiên, một số bệnh viện gặp phải tình huống không có nhà thầu tham gia đấu thầu, giá cả thị trường biến động… dẫn đến không mua sắm được”, ông Sơn nói.
* Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan:
Lắng nghe ý kiến để giải quyết căn cơ
Trả lời phóng viên Tuổi Trẻ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định về mặt cơ sở pháp lý để đảm bảo công tác mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế là cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra.
“Tuy nhiên, vướng mắc về mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế là một bài toán khó có thể giải quyết trong ngày một ngày hai.
Trong hai năm qua, Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ sửa và ban hành nhiều nghị định và thông tư, đã tháo gỡ rất nhiều khó khăn trong mua sắm, đấu thầu. Nhiều bệnh viện đã đảm bảo được thuốc, vật tư y tế cơ bản cho người dân” – bà Lan nói.
Về tình trạng thiếu thuốc tại các bệnh viện, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay hiện nay Bộ Y tế chưa nhận được báo cáo của bệnh viện nào về tình trạng thiếu nghiêm trọng thuốc, thiếu vật tư y tế.
“Riêng việc thiếu thuốc ở Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Nội tiết trung ương, chúng tôi sẽ yêu cầu giám đốc các bệnh viện báo cáo sớm, nắm rõ xem nguyên nhân thiếu thuốc ở đâu, giải quyết vấn đề này thế nào.
Mục tiêu của chúng tôi là lắng nghe ý kiến phản ánh để giải quyết một cách căn cơ vấn đề thiếu thuốc, giúp người dân không phải khó khăn vất vả khi đi khám chữa bệnh mà thiếu thuốc, thiếu vật tư” – bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Đấu thầu khó khăn
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 23-12, lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức cho hay hiện một số hạng mục đấu thầu không có nhà thầu tham dự, việc đấu thầu khó khăn dẫn đến một số loại vật tư y tế không mua sắm được.
Bên cạnh đó, vị này cũng cho hay một số kỹ thuật mổ có vật tư thay thế được nhưng người bệnh không lựa chọn vì cho rằng không tốt bằng, nên phản ảnh bệnh viện thiếu vật tư. “Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và không chỉ ở Bệnh viện Việt Đức, nhiều bệnh viện khác cũng thiếu”, vị này nói thêm.
Trong khi đó, từ tháng 7-2024, lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức lý giải tình trạng thiếu thuốc, vật tư là do khi tiến hành đấu thầu theo thông tư mới cũng có những trục trặc nhất định, không phải mời thầu là đấu thầu được ngay.
Bệnh viện đang nỗ lực tiến hành đấu thầu, bộ phận làm thầu phải tăng ca cả cuối tuần để đẩy nhanh tiến độ. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng mua sắm theo hình thức khẩn cấp để đủ vật tư mổ cho người bệnh.
Dự kiến 1-2 tuần tới, khi các gói thầu hoàn thiện mới có thể ổn định được. Thế nhưng, đến nay sau 5 tháng, tình trạng thiếu vật tư vẫn diễn ra.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nguoi-benh-van-kho-so-vi-thieu-thuoc-vat-tu-y-te-20241223233539579.htm