Trong công điện gửi tới Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận tối 24/10, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và mưa lớn. Đồng thời, tổ chức trực ban 24/24 giờ, thực hiện phương châm “bốn tại chỗ”; thường xuyên giữ liên hệ với các cơ quan chức năng, lực lượng cứu hộ để có phương án ứng phó kịp thời.
“Các địa phương cần chủ động rà soát, đánh giá tình hình thực địa để cân nhắc cho học sinh nghỉ học, đặc biệt ở các khu vực dễ bị ảnh hưởng do mưa bão”, Bộ GD&ĐT nêu rõ. Đảm bảo thông tin về lịch học và an toàn của học sinh được truyền đạt đầy đủ đến phụ huynh.
Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương lên phương án di dời tài sản, máy móc, thiết bị, bàn ghế đến nơi an toàn để tránh thiệt hại. Sẵn sàng hỗ trợ người dân vào tránh trú trong các cơ sở giáo dục khi bảo đảm an toàn. Ngay sau khi bão tan, tổ chức dọn dẹp vệ sinh trường lớp, khắc phục thiệt hại về cơ sở vật chất, đảm bảo an toàn và vệ sinh trước khi đón học sinh quay lại trường học.
Ngoài ra, cần liên tục cập nhật thông tin, tổng hợp thiệt hại và lên phương án xử lý, báo cáo UBND cấp tỉnh để có kế hoạch khắc phục, đồng thời báo cáo về Bộ GD&ĐT để tổng hợp báo cáo Chính phủ.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, hồi 7h ngày 23/10, cơn bão số 6 có vị trí tâm ở vào khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 124,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông đảo Luzon (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75 – 88 km/giờ), giật cấp 11; di chuyển theo hướng Tây Bắc, tốc độ khoảng 20 km/giờ.
Dự báo trong thời gian tới bão số 6 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, cường độ tiếp tục mạnh thêm, có lúc đạt cấp 12 giật cấp 15, nhiều khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta trên diện rộng. Ngoài ra do ảnh hưởng của không khí lạnh có thể xảy ra tình trạng mưa lớn kéo dài trên diện rộng, nguy cơ gây lũ quét, sạt lở đất và úng ngập nhiều nơi.
Nguồn: https://vtcnews.vn/cac-tinh-tu-quang-ninh-den-binh-thuan-can-nhac-cho-hoc-sinh-nghi-tranh-bao-so-6-ar903703.html