Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được tăng số lượng thứ trưởng, trong đó Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính được tăng nhiều nhất với 9 thứ trưởng.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ký ban hành các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 15 liên quan đến công tác cán bộ.
![quoc hoi.jpg](https://static-images.vnncdn.net/vps_images_publish/000001/000003/2025/2/14/quoc-hoi-124008.jpg?width=0&s=yxaIfxepgH4uRcJeYU_5rQ)
Theo đó, tại Nghị quyết số 1402 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tăng thêm số lượng thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị: Tăng thêm số lượng thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ của các bộ, cơ quan ngang bộ nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác bố trí, sắp xếp cán bộ khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước.
Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị, tăng thêm một thứ trưởng để tổng số thứ trưởng Bộ Ngoại giao là không quá 7; tăng thêm 4 thứ trưởng để tổng số thứ trưởng Bộ Tài chính là không quá 9; tăng thêm 4 thứ trưởng để tổng số thứ trưởng Bộ Xây dựng là không quá 9; tăng thêm 2 thứ trưởng để tổng số thứ trưởng Bộ Nội vụ là không quá 7; tăng thêm một phó thống đốc để tổng số phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là không quá 6. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 6/2/2025.
Tại Nghị quyết số 1403 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) về bộ máy làm việc của VKSNDTC.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị phê chuẩn đề nghị của Viện trưởng VKSNDTC về bộ máy làm việc của VKSNDTC, gồm 24 đơn vị.
Cụ thể, VKSNDTC có Ủy ban Kiểm sát; Văn phòng; Vụ Công tố và Kiểm sát điều tra án an ninh; Vụ Công tố và Kiểm sát điều tra án trật tự xã hội; Vụ Công tố và Kiểm sát điều tra án kinh tế, tham nhũng; Vụ Công tố và Kiểm sát điều tra án ma túy; Vụ Công tố và Kiểm sát điều tra án tư pháp; Vụ Công tố và Kiểm sát xét xử hình sự.
Ngoài ra VKSNDTC còn có: Cơ quan điều tra VKSNDTC; Vụ Kiểm sát giam giữ và thi hành án hình sự; Vụ Kiểm sát án dân sự; Vụ Kiểm sát án hành chính, kinh doanh thương mại; Vụ Kiểm sát thi hành án dân sự; Vụ Kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp; Vụ Hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự; Vụ Pháp chế; Vụ Tổ chức cán bộ; Cục Thống kê tội phạm và chuyển đổi số; Cục Tài chính; Thanh tra; Trường Đại học Kiểm sát (có Phân hiệu Trường Đại học Kiểm sát tại TP.HCM); Viện Khoa học kiểm sát; Báo Bảo vệ pháp luật; Viện kiểm sát quân sự trung ương.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày được thông qua (ngày 7/2/2025). Nghị quyết số 951/NQ-UBTVQH13 ngày 28/5/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn Quyết định của Viện trưởng VKSNDTC về bộ máy làm việc của VKSNDTC hết hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua 2 nghị quyết để triển khai thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024.
Cụ thể, Nghị quyết số 66/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số nội dung về việc phê chuẩn bảng lương chức vụ, bảng phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo của Nhà nước; bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành tòa án, ngành kiểm sát. Nghị quyết số 67/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về bậc, điều kiện của từng bậc, việc nâng bậc và số lượng, cơ cấu tỷ lệ các bậc thẩm phán Tòa án nhân dân.
Theo Điều 38 Luật Tổ chức Chính phủ 2015 quy định số lượng thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ không quá 5. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 6.
Trong trường hợp do sáp nhập bộ, cơ quan ngang bộ hoặc do yêu cầu điều động, luân chuyển cán bộ của cơ quan có thẩm quyền thì Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Theo Điều 21 của dự Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi đang được Quốc hội xem xét chuẩn bị thông qua: “Số lượng thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ không quá 5; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 6, trừ trường hợp do yêu cầu điều động, luân chuyển cán bộ của cấp có thẩm quyền”.
Theo định hướng đã được Trung ương thống nhất, trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, cấp phó của người đứng đầu các bộ ngành, đơn vị thực hiện sáp nhập, hợp nhất, tập thể lãnh đạo quyết định bố trí làm cấp phó của người đứng đầu ở đơn vị mới sau khi sắp xếp hoặc bố trí sang cơ quan khác theo yêu cầu nhiệm vụ và năng lực của cán bộ.
Trước mắt, cho phép sau khi sắp xếp, số lượng cấp phó được cao hơn quy định và các bộ, ngành phải xây dựng phương án sắp xếp giảm số lượng cấp phó đúng theo quy định chung trong thời hạn 5 năm.
![Thủ tướng: Bỏ công an cấp huyện, đa số nhân sự về xã, một số lên tỉnh](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/1739549709_251_5-bo-nganh-duoc-tang-so-luong-thu-truong-2.jpg)
Thủ tướng: Bỏ công an cấp huyện, đa số nhân sự về xã, một số lên tỉnh
![Trưởng Ban Tổ chức TƯ: Sau bỏ công an cấp huyện sẽ tính toán bộ máy VKSND, TAND](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/1739549710_180_5-bo-nganh-duoc-tang-so-luong-thu-truong-2.jpg)
Trưởng Ban Tổ chức TƯ: Sau bỏ công an cấp huyện sẽ tính toán bộ máy VKSND, TAND
![Cùng tuổi nghỉ hưu sớm nhưng bên này được hưởng tiền lớn hơn bên kia](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/1739549711_142_5-bo-nganh-duoc-tang-so-luong-thu-truong-2.jpg)
Cùng tuổi nghỉ hưu sớm nhưng bên này được hưởng tiền lớn hơn bên kia
Nguồn: https://vietnamnet.vn/5-bo-nganh-duoc-tang-so-luong-thu-truong-2-bo-co-9-thu-truong-2371511.html